"Ế khó tin", "không thể bùng nổ", "lượng khách giảm mạnh" là những tiêu đề truyền thông mô tả về lượng du khách đến Phú Quốc vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm ngoái. Đây được xem là giai đoạn đáng quên đối với ngành du lịch đảo ngọc khi lượng khách giảm 11,5%, tổng thu giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022, bất chấp không còn tác nhân dịch bệnh.
Năm nay, với nhiều nỗ lực, Phú Quốc chứng kiến lượng khách ngoại tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, địa phương vẫn "bốc hơi" 3,6% lượng khách nội địa và 6,6% khách tham quan tại các khu, điểm du lịch.
Từ dịp 30/4 - 1/5 năm 2023, qua nhiều cao điểm, tình trạng sụt giảm khách nội vẫn xảy ra tại Phú Quốc.
Không dưới 10 lần được báo quốc tế xướng tên trên các bảng xếp hạng điểm đến nên ghé trên thế giới, đứng cạnh một số hòn đảo đẹp bậc nhất châu Á như Bali (Indonesia), Maldives, song địa phương này trải qua nhiều biến động về lượng khách. Tại "sân nhà", Phú Quốc liên tục than ế, khách nội quay lưng.
Đà giảm từ 2023
Năm 2019, du lịch đảo ngọc được đà phát triển sau "cú chuyển mình" với 4 triệu lượt khách vào năm 2018, vượt chỉ tiêu 1 triệu so với năm trước đó.
Đến dịp lễ 30/4 - 1/5/2019, chỉ mới 3 ngày nghỉ lễ (27-30/4/2019), tỉnh đã đón 30.000 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018. Trước thềm lễ, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang thông báo cho địa phương, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch rằng lượng khách dự kiến sẽ tăng cao và chủ động lên phương án phục vụ du khách, tránh tình trạng quá tải trong 5 ngày lễ.
Ngành kinh tế không khói ở Kiên Giang đang trên đà phát triển thì đại dịch Covid-19 ập đến. Đây là một đòn giáng mạnh lên ngành du lịch Phú Quốc nói riêng và cả nước nói chung.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch đến Kiên Giang sụt giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019 với khoảng 1,7 triệu lượt. Trong năm này, địa phương nỗ lực hút khách bằng nhiều chương trình kích cầu khác nhau nhằm đưa khách nội địa cũng như khách ngoại đến đảo nhanh nhất có thể.
Bên cạnh đó, 2020 cũng là năm Phú Quốc nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp lữ hành, trở thành một trong số điểm đến "hot" nhánh du lịch MICE (hình thức hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng).
3 tháng cuối năm 2020 đến 2021, với lợi thế về phương tiện di chuyển, hệ thống lưu trú chất lượng, Phú Quốc là điểm đến hàng đầu được một số công ty ở thị trường miền Trung, Bắc lựa chọn để tổ chức team building, không chỉ riêng TP.HCM, theo đại diện một đơn vị lữ hành.
Đến dịp lễ 30/4 - 1/5 giai đoạn bình thường mới, tức năm 2022, du khách bắt đầu đi du lịch nhiều hơn sau khoảng thời gian "chôn chân" ở nhà. Phú Quốc vẫn là một điểm sáng trong ngành du lịch cả nước. Tổng lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang dịp này tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu thống kê của Sở Du lịch địa phương.
Tuy nhiên, vào năm 2023, khi tình hình dịch Covid-19 dần được kiểm soát, người dân "sống chung" an toàn với dịch, thời điểm các tỉnh, thành trong nước đang tích cực đẩy mạnh kích cầu du lịch để "gỡ gạc" những gì đã mất trước đó, thì mảng xám xịt bao trùm ngành du lịch trên địa bàn tỉnh.
Địa phương liên tục ghi nhận nhiều thông tin không mấy tích cực từ khách nội địa về giá cả, chất lượng phục vụ. "Giá cả trên trời", "250.000 nghìn đồng một đĩa thịt kho", "ế ẩm", "không có chỗ chơi"... là những gì du khách nhận xét về Phú Quốc trong năm này. Du khách nội địa bắt đầu ngó lơ đảo ngọc.
Điều này được thể hiện qua thống kê lượng khách đến đảo vào các dịp lễ. Cao điểm 2/9/2023, Phú Quốc chỉ đón 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2022 - được cho là mức giảm kỷ lục tại đảo dịp này.
Lượng khách đến đảo giảm, một số hãng hàng không thậm chí tạm ngừng khai thác các tuyến bay từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang (Khánh Hòa) đến Phú Quốc.
Theo chính quyền địa phương, một trong số lý do khiến đảo ngọc kém hấp dẫn trong mắt du khách là giá vé máy bay đến đảo quá đắt đỏ. Một cặp vé máy bay ở chặng Hà Nội - Phú Quốc năm 2023 rơi vào khoảng 10 triệu đồng. Nếu tính tổng chi phí chuyến đi, số tiền có thể lên đến 17 triệu đồng.
Từng chia sẻ với Tri Thức - Znews về việc dừng tàu bay đến đảo, lãnh đạo một hãng hàng không cho rằng không phải vì vé máy bay đắt nên Phú Quốc vắng khách. Thay vào đó, Phú Quốc vắng khách, tỷ lệ lấp đầy thấp, không đủ để bù chi phí chuyên bay nên hàng không mới phải tạm ngừng khai thác.
Trước bối cảnh ảm đạm ngành du lịch địa phương, một số cơ sở kinh doanh tại đảo ra sức kích cầu du lịch. Khoản phụ thu mỗi dịp lễ, Tết đáng nhẽ sẽ giúp cân bằng lợi nhuận, đảm bảo chi trả lương cho nhân sự khi làm việc xuyên lễ. Nhưng, một số đơn vị chấp nhận chịu lỗ, cắt giảm khoản phí này để thu hút khách.
Vì sao khách nội quay lưng?
Sau hàng loạt dịp nghỉ lễ sụt giảm khách nội địa chưa từng có, nhiều người đặt câu hỏi liệu Phú Quốc có đang chủ động nhắm đến khách ngoại - tệp du khách thường lưu trú dài ngày và có mức chi cao?
Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc (Kiên Giang), nhận định: "Không có chuyện thiên vị đó, Phú Quốc luôn chào đón khách nội địa, cũng như khách quốc tế".
Tuy nhiên, lượng khách nội vẫn giảm bất chấp kỳ nghỉ lễ kéo dài và các nỗ lực của địa phương.
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho rằng giá vé máy bay ở mức cao chính là yếu tố chủ yếu khiến khách nội địa e dè khi du lịch Phú Quốc.
Theo đó, giá vé bay từ Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM đến Phú Quốc ở mức khá cao; các đường bay nội địa từ Hà Nội đến Rạch Giá; từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh, Thanh Hóa, Lâm Đồng đến Phú Quốc đã tạm ngưng làm giảm tính cạnh tranh của điểm đến Phú Quốc.
Ngoài ra, ông Thái nêu 4 lý do khác mà địa phương nhìn nhận cho tình trạng sụt giảm khách nội tại đảo ngọc.
Đầu tiên, du lịch nước ngoài đang là xu hướng của khách du lịch nội địa với giá tour trọn gói đi nước ngoài hiện chỉ bằng giá vé bay khứ hồi trong nước. Ngoài ra, khách du lịch có xu hướng đi tự túc bằng phương tiện cá nhân, vì vậy các điểm đến đường bộ cũng sẽ được du khách trong nước ưu tiên lựa chọn.
Thứ hai, hệ thống đường giao thông chưa thuận lợi khiến cho việc kết nối từ các trung tâm du lịch lớn như TP.HCM, các tỉnh, thành phía nam đến các điểm đến trong tỉnh Kiên Giang, nhất là Hà Tiên, gặp nhiều khó khăn, khó cạnh tranh được với các điểm đến ở khu vực ĐBSCL.
Thứ ba, tình hình kinh tế trong nước còn khó khăn trước sự gia tăng giá cả nguyên vật liệu đầu vào làm tăng chi phí sản xuất, giá cước vận tải, tạo áp lực lên kiểm soát lạm phát và giá thành sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, thu nhập của người dân..., từ đó tác động đến nhu cầu đi du lịch.
Cuối cùng, tình hình thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời có lúc trên 39 độ C khiến cho các hoạt động tham quan, khám phá, dã ngoại và các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, trong đó có Phú Quốc, kém thu hút du khách.
Theo Zingnews