Thứ năm, 21/11/2024

Tiền đã rời khỏi chứng khoán?

23/10/2023 8:48 AM (GMT+7)

Để thị trường phục hồi chắc chắn hơn, thanh khoản phải cao hơn so với những tuần trước.

Ở phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần qua (ngày 20/10), thị trường phục hồi tích cực với hàng trăm cổ phiếu tăng giá mạnh, thậm chí tăng kịch trần sau 4 phiên giảm sốc. Tuy vậy, dù VN-Index bứt phá tới hơn 20 điểm thì giao dịch trên thị trường vẫn rất thấp, chỉ hơn 14.000 tỷ đồng. 

Đáng nói, tình trạng thanh khoản thấp đã kéo dài suốt từ đầu tháng 10 đến nay, trong khi giai đoạn trước, giá trị giao dịch mỗi ngày đều đạt mức cao từ 20.000 - 30.000 tỷ đồng.

Vì sao?

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường - Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường trước áp lực tỉ giá tăng cao nhất kể từ đầu năm, đến từ việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiến đến gần 5%, cao nhất trong vòng 18 tháng. Những yếu tố này đã kích hoạt đà bán tháo cổ phiếu trên thị trường từ đầu tuần cho đến cuối tuần. Hiệu ứng domino bán giải chấp của các công ty chứng khoán càng khiến đà giảm càng thêm trầm trọng và kéo dài. 

Tiền đã rời khỏi chứng khoán? - Ảnh 1.

Các chuyên gia và nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng với xu hướng thị trường những ngày tới. Ảnh: Hoàng Triều

Chính tâm lý lo lắng, thận trọng của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân hạn chế giao dịch, khiến thanh khoản duy trì ở mức thấp.

 "Khi thị trường lao dốc, nhiều công ty chứng khoán cũng cắt tỉ lệ cho vay ký quỹ (margin) với hàng loạt cổ phiếu khiến sức mua của nhà đầu tư giảm; dòng tiền trên thị trường cũng không dồi dào như trước trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về qua kênh tín phiếu từ ngày 21-9 đến nay" - ông Hinh lý giải.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), phân tích thị trường trong giai đoạn vừa qua có xu hướng đi xuống với đặc điểm là thanh khoản thấp trong những phiên hồi phục và thanh khoản cao khi thị trường giảm.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, tuần qua là tuần đáo hạn phái sinh, thị trường biến động bất thường nên nhà đầu tư cũng rất thận trọng khi ra quyết định mua bán. 

"Không chỉ tác động từ tuần đáo hạn phái sinh, nhà đầu tư trong nước còn lo ngại về xung đột ở Trung Đông, giá dầu tăng, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, chỉ số đồng USD tăng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục họp bàn về tăng lãi suất… Trong nước, tỷ giá USD/VNĐ đi lên càng khiến tâm lý nhà đầu tư lo lắng, đứng ngoài cuộc và thanh khoản mất hút" - ông Ngọc phân tích.

Giải thích thêm vì sao tuần qua VN-Index dễ dàng thủng 1.100 điểm dù trước đó các chuyên gia và nhà đầu tư đều đặt kỳ vọng rất lớn vào ngưỡng hỗ trợ này, ông Đỗ Bảo Ngọc chỉ ra nguyên nhân chủ yếu đến từ yếu tố kỹ thuật. Theo ông, tuần qua thị trường có phiên đáo hạn phái sinh (ngày 19/10) nên có tình trạng VN-Index cứ sau 14 giờ là giảm điểm mạnh, dù trước đó cả ngày vẫn giao dịch bình thường.

"Sau 14 giờ, một số tài khoản của nhà đầu tư sẽ bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu do vi phạm tỉ lệ vốn vay, từ đó tác động tiêu cực tới thị trường. Ngoài ra, khi bước vào 15 phút khớp lệnh đóng cửa (ATC), thị trường tiếp tục bị "đạp" rất mạnh khi những nhà đầu tư lớn đánh xuống (short) bên thị trường phái sinh sẽ bán mạnh cổ phiếu trên thị trường cơ sở, khiến VN-Index giảm sốc. 

Diễn biến này xảy ra liên tiếp trong tuần đáo hạn phái sinh khiến thị trường chứng khoán "đỏ lửa" và tâm lý nhà đầu tư bi quan" - ông Ngọc phân tích.

Chờ dòng tiền quay lại

Tiền đã rời khỏi chứng khoán? - Ảnh 2.

Tình trạng thanh khoản thấp đã kéo dài suốt từ đầu tháng 10 đến nay, trong khi giai đoạn trước, giá trị giao dịch mỗi ngày đều đạt mức cao từ 20.000 - 30.000 tỷ đồng.

Bình luận về diễn biến của thị trường ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia cho rằng VN-Index lấy lại mốc 1.100 điểm được xem là ngưỡng hỗ trợ mạnh về kỹ thuật lẫn tâm lý, có thể giúp thị trường kết thúc đợt điều chỉnh. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định nhiều cổ phiếu đã vào vùng quá bán nên ít có khả năng thị trường giảm sâu về dưới 1.100 điểm nhưng vẫn cần quan sát thêm một số phiên tới để xác lập rõ xu hướng.

Tuy vậy, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng một điều kiện để thị trường phục hồi chắc chắn hơn là thanh khoản phải tăng cao hơn so với những tuần qua, phản ánh dòng tiền trở lại mạnh mẽ hơn. Nếu dòng tiền của nhà đầu tư không nhập cuộc mạnh mẽ trong 2 - 3 phiên đầu tuần này thì nhịp hồi phục sẽ khó kéo dài. Nếu VN-Index thủng ngưỡng 1.100 điểm, xác suất giảm về vùng 1.060 điểm cũng không phải hiếm.

 "Thanh khoản thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn lo lắng về việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ duy trì ở mức cao và tỷ giá USD/VNĐ khó hạ nhiệt khi đồng USD trên thị trường quốc tế không giảm. Đồng thời, áp lực margin từ các công ty chứng khoán có thể không lớn nhưng nhà đầu tư có xu hướng sử dụng nguồn vốn từ vay nóng bên ngoài nên khi thị trường giảm nhanh dễ bị chủ nợ bán giải chấp cổ phiếu" - ông Minh phân tích.

Nhịp hồi phục của VN-Index luôn có và vùng xác lập đáy ngắn hạn vẫn có khả năng quanh mốc 1.100 điểm, nhất là khi kết quả kinh doanh quý III đang được công bố với tín hiệu khả quan sẽ là trợ lực cho thị trường. "Đây là cơ hội để nhà đầu tư quan tâm tới những cổ phiếu tăng trưởng tốt, triển vọng và đang có mức chiết khấu hấp dẫn so với vùng đỉnh của năm ở 1.250 điểm", ông Minh nói thêm.

Ông Đỗ Bảo Ngọc phân tích nếu tính từ vùng đáy thấp nhất của VN-Index quanh 870 điểm tháng 11-2022 và mốc cao nhất của năm 2023 tại vùng 1.250 điểm tháng 9, thị trường đã chiết khấu khoảng 30%. Đây là vùng cân bằng của thị trường trong hơn 1 năm qua, cũng là vùng có mức chiết khấu đủ hấp dẫn để kích thích dòng tiền bắt đáy nhập cuộc. 

Thực tế, vào cuối phiên ngày 20/10, nhà đầu tư mua vào rất mạnh sau khi VN-Index giảm sâu xuống 1.070 điểm.

Theo các công ty chứng khoán, việc nhà đầu tư chọn bắt đáy hay cắt lỗ hiện nay đều phải tính toán kỹ lưỡng. Ông Đinh Quang Hinh cho biết tuần qua, áp lực bán mạnh thường bất ngờ xuất hiện trong phiên chiều làm nhà đầu tư trở tay không kịp và ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường. Điều này có thể là do hoạt động chủ động hạ hoặc giải chấp margin của một số bên cho vay.

Do đó, nhà đầu tư cần quan sát thêm tác động của diễn biến này tới xu thế thị trường trong những phiên tới trước khi ra quyết định mua bán.

Theo Người Lao động

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.