Tổ chức thi hoa hậu có lãi lắm sao?!
Chính Phong
16/09/2024 5:16 PM (GMT+7)
Khéo thu vén, nắm trong tay bản quyền nhiều cuộc thi, tổ chức nhiều cuộc thi, nôm na gọi là bà lớn trong ngành thì sức chi phối càng lớn và càng lãi nhiều
Thống kê đưa lên mạng xã hội hồi mùa hè năm nay: Việt Nam có đến 134 cuộc thi hoa hậu. Đó là con số khó tin.
Kiểm tra tính xác thực của thông tin này thì trong danh sách nhiều cuộc thi là bịa đặt ra, còn nhiều cuộc thi là đã từng tổ chức trong quá khứ và không tiếp tục nữa. Việc một cuộc thi năm nay tổ chức, sang năm ngừng, năm tiếp theo lại tổ chức là bình thường. Kiếm đủ đối tác tài trợ, quảng cáo mới làm, chứ cố làm chi để lỗ?!
Do vậy, con số cuộc thi dao động theo từng năm. Ví dụ năm 2022 có 34 cuộc thi tầm quốc gia. Năm 2023 có 32 cuộc. Thống kê này lấy trên các phương tiện truyền thông, chứ từ Cục quản lý biểu diễn quốc gia không có. Giấy phép thi hoa hậu có thể được tỉnh cấp, nên có cuộc thi, Cục biểu diễn cũng không hay biết.
Từ năm 2011 trở về trước, chỉ có một cuộc thi hoa hậu quốc gia duy nhất, nhưng sau đó là bùng nổ về số lượng. Lượng tăng thì chất giảm. Không ai còn nhớ cô hoa hậu này, á hậu kia từ cuộc thi nào nữa. Đi đâu cũng va phải hoa hậu.
Nhưng tổ chức hoa hậu cũng là một ngành kinh doanh. Nhiều công ty tham gia tổ chức, nhiều cuộc thi, chứng tỏ ngành này có lời. Ngành nào có lời thì nên khuyến khích. Ngành này nó còn tạo thêm thu nhập cho nhiều ngành khác: mỹ phẩm, may mặc, làm đẹp, truyền thông, truyền hình, quảng cáo…và thúc đẩy tiêu dùng.
Tổ chức thi hoa hậu có lãi lớn không?
Theo thông tin đăng tải trên trang chủ, Miss Grand Vietnam 2024 sẽ được tài trợ bởi trên dưới 30 nhãn hàng lớn nhỏ. Ngoài ra, Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 (tổ chức vào tháng 12) đến lúc này có khoảng 16 đơn vị đồng hành. Một cuộc thi sắc đẹp khác với quy mô nhỏ hơn cũng công bố trên 10 nhà tài trợ.
Thông thường nhà tài trợ kim cương của một cuộc thi hoa hậu uy tín phải chi số tiền trên dưới 10 tỷ đồng, nhà tài trợ vàng chi gần 5 tỷ đồng, nhà tài trợ đồng bỏ ra hơn 2 tỷ đồng. Nếu tính trung bình có 15 nhà tài trợ, mỗi nhà tài trợ 5 tỷ đồng, tổng đã được 75 tỷ đồng.
Tiền bán vé? Tại cuộc thi Miss Universe Vietnam 2024 vừa kết thúc cuối tuần qua, giá vé vào xem vòng bán kết từ 500.000 đồng đến 8 triệu đồng. Vé vào xem vòng chung kết có giá từ 800.000 đến 10 triệu đồng. Nếu khán giả vào kín nhà thi đấu Phú Thọ, tính trung bình mỗi vé là 2 triệu đồng thì riêng hai đêm này, nhà tổ chức có thể thu được 30 tỷ đồng.
Miss Universe Vietnam 2024: Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên và 2 Á hậu Nguyễn Quỳnh Anh, Vũ Thúy Quỳnh. Nguồn: Ban tổ chức
Theo một số người làm trong lĩnh vực truyền thông hoa hậu, một cuộc thi lớn, bài bản có thể tốn từ 10-100 tỷ đồng, trong khi những cuộc thi nhỏ hơn mất tầm 3-4 tỷ đồng để vận hành.
Từ 10 đến 100 tỷ đồng, tại sao dao động lớn như vậy? Tùy theo format (tạm hiểu là hình thức) cuộc thi. Các cuộc thi tổ chức dài hơi cả tháng, cho các người đẹp (cộng với bầu đoàn của họ và các nhân viên tổ chức) ăn ở với nhau tại địa điểm năm sao như một chương trình thực tế thì chi phí lớn hơn nhiều kiểu thi truyền thống thông thường.
Với các nhà tổ chức, càng nắm nhiều cuộc thi thì họ càng tiết kiệm chi phí về nhân viên, đạo cụ, các nhà cung cấp. Họ lập luôn cả hệ sinh thái xung quanh công ty tổ chức: công ty đào tạo người đẹp, công ty truyền thông, công ty quảng cáo, công ty sự kiện, công ty sản xuất phim ảnh… Tổ chức một cuộc thi có thể mất 100 tỷ đồng, nhưng tổ chức mười cuộc thi như thế có khi chỉ mất 400 tỷ. Có công ty Sen Vàng nắm bản quyền hơn chục cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam.
Tổ chức theo kiểu chương trình thực tế dài hơi, các thương hiệu được xuất hiện nhiều hơn nên nhà tổ chức dễ thu hút tài trợ hơn. Dài hơn nên nhà tổ chức dễ dàng tạo ra các scandal, các "biến" lớn nhỏ để thu hút khán giả.
Bây giờ có đủ thể loại nền tảng mạng xã hội, nhà tổ chức không phải mất phí mua sóng truyền hình nữa. Ngược lại, kiếm được tiền nhờ quảng cáo trên các clip ghi hình, nhờ lượt view mà các nền tảng xã hội trả.
Nhiều cuộc thi, nhiều công ty tổ chức nên áp lực cạnh tranh không nhỏ. Để thường xuyên xuất hiện trên mọi loại sóng, từ các mạng xã hội đến các báo, phải tạo ra nhiều "biến" thu hút sự thảo luận của xã hội. Ta thấy họ tranh cãi, chê bai này nọ, đều do họ tạo ra thôi.
Không chừng cả ngôi vị hoa hậu ở cuộc thi Miss Universe Vietnam 2024 vừa qua được trao cho cô hoa hậu đã từng là Hoa hậu Việt Nam 2014, cách đây 10 năm, cũng nằm trong chiến lược cạnh tranh. Chấm giải là người chấm mà. Đâu có check VAR như bóng đá được. Hoặc đâu có vô tư như trí tuệ nhân tạo AI. Có thể dễ dàng kể ra một lô lợi ích đằng sau hiện tượng một cô hoa hậu đăng quang lần hai sau 10 năm.
Thu nhập đâu chỉ kết thúc ở đó? Sau cuộc thi, nhà tổ chức và các hoa hậu, á hậu, người đẹp sẽ ký hợp đồng 1-2 năm phân chia lợi nhuận từ các hợp đồng quảng cáo, cát-xê dự sự kiện của các người đẹp. Cam kết này đã có ngay từ khi các người đẹp đăng ký dự thi rồi, bạn đi đến cuộc thi của tôi, bạn giành giải, bạn nổi tiếng, bạn kiếm được tiền thì dĩ nhiên tôi cũng phải có phần chứ.
Nên các hoa hậu cam kết sẽ phục vụ cộng đồng thế này thế khác thì cũng tin một ít thôi, họ phục vụ nhà tổ chức cuộc thi là chính.
Như vậy cơ bản là lãi. Công ty nào khéo thu vén, nắm trong tay bản quyền nhiều cuộc thi, tổ chức nhiều cuộc thi, nôm na gọi là bà lớn trong ngành thì sức chi phối càng lớn và càng lãi nhiều. Nhưng phải có con số thì mới thuyết phục chứ?
Bà lớn trong ngành nắm bản quyền hơn chục cuộc thi hoa hậu quốc gia kể trên, theo báo cáo tài chính năm 2022 có doanh thu thuần 665,4 tỷ đồng, mà chỉ báo lãi 2,4 tỷ đồng. Doanh thu khủng thế mà lãi bèo nhỉ? Cứ như làm từ thiện vậy? Báo cáo tài chính thì cũng chỉ là… báo cáo mà thôi.