Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, của Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An ngày 29/5 vừa qua, ông Trầm Bê đã được bầu bổ sung làm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027, với tỷ lệ tán thành gần 99%.
Như vậy, ông Trầm Bê đã chính thức quay trở lại thương trường sau khi mãn hạn 7 năm tù hồi đầu năm nay.
Ông Trầm Bê sinh năm 1959, quê quán Trà Vinh và lập nghiệp tại TP HCM. Ông khởi nghiệp từ khai thác tài nguyên gỗ với Công ty Chế biến lâm sản Đông Anh. Sau đó, ông tham gia bất động sản với Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) và đến với mảng y tế nhưng năm 2000, khi thành lập Bệnh viện Triều An.
Ông cũng nổi tiếng với lĩnh vực nông nghiệp khi đầu tư Công ty Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn. Đây là công ty từng độc quyền thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam trong đầu những năm 2000.
Tên tuổi ông Trầm Bê được nhắc rầm rộ từ sự kiện nổi đình nổi đám năm 2011, khi thâu tóm Sacombank, sáp nhập ngân hàng Phương Nam vào ngân hàng này.
Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An là một trong những bệnh viện tư nhân đa khoa đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam, thành lập năm 1999 và đi vào hoạt động năm 2001. Thời điểm đó, Nhà nước có chủ trương xã hội hóa y tế với nhiều ưu đãi và thị trường khám, chữa bệnh tư nhân vẫn còn nhiều đất trống.
Bệnh viện Triều An do chính ông Trầm Bê góp vốn cùng CTCP Xây dựng Bình Chánh và ông Lưu Trung Lương, một doanh nhân gốc Hoa, thành lập, với vốn điều lệ 490 tỷ đồng.
Bệnh viện Triều An là một trong những bệnh viện tư nhân đầu tiên trên cả nước và có quy mô lớn. Theo báo cáo công bố, mỗi năm bệnh viện cấp cứu hàng chục nghìn trường hợp, khám bệnh cho hàng trăm nghìn lượt người.
Thực tế, ông Trầm Bê chỉ quay lại HĐQT Công ty CP Bệnh viện Tư nhân Triều An, chứ không phải là "người mới. Trước năm 2017, ông Trầm Bê chính là Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Triều An.
Báo cáo tài chính của Bệnh viện Triều An từ năm 2019 không còn ghi nhận tên ông Trầm Bê trong danh sách HĐQT, do đang trong giai đoạn thụ án. Trong thời gian ông vướng vòng lao lý, ghế Chủ tịch do ông Trần Ngọc Henri - được xem cánh tay phải của ông Trầm Bê - đảm trách.
Báo cáo tài chính của Bệnh viện Triều An thể hiện đến hết quý 1/2023, bà Trầm Thuyết Kiều – con gái ông Trầm Bê, đang nắm tỷ lệ 21,42% vốn điều lệ của bệnh viện, tương đương khoảng 105 tỷ đồng, bà Viên Tú Anh - chị vợ ông Trầm Bê nắm 3,44% vốn điều lệ, tương đương gần 16,7 tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Henri nắm 4,08%., tương đương 20 tỷ đồng.
Trước đó, các báo cáo cho biết ông Bê nắm 4,85% nhưng con số này không thể hiện trong những báo cáo gần đây. Riêng vợ ông và 2 người con trai khác không sở hữu cổ phần tại Bệnh viện Triều An.
Bệnh viện Triều An làm ăn ra sao trước khi ông Trầm Bê quay lại điều hành?
Trong suốt thời gian hoạt động, các báo cáo thể hiện bệnh viện do ông Trầm Bê sáng lập chỉ lỗ 27 tỷ đồng trong năm 2021, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các năm từ khoảng 2010 đến trước đại dịch Covid-19 xảy ra, bệnh viện này luôn có doanh thu trên 350 tỷ đồng và lãi hơn 30 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2022, bệnh viện đã quay lại phong độ trước đó, khi tiếp nhận hơn 27.000 trường hợp cấp cứu, khám bệnh hơn 262.000 lượt, điều trị nội trú cho gần 18.500 ca, trong đó có hơn 6.200 ca phẫu thuật.
Nhờ đó, doanh thu tăng vượt 55% so với năm 2021, đạt gần 593 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 41 tỷ đồng, tương ứng tăng 53% so với năm trước.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Bệnh viện Triều An tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao, với doanh thu 628 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 47 tỷ đồng và lên kế hoạch trả cổ tức 10% cho cổ đông sau 1 năm tạm dừng để bù đắp khoản lỗ vì đại dịch.
Báo cáo tài chính quý 1/2023 cho thấy bệnh viện Triều An đạt doanh thu thuần gần 141 tỷ, tăng 25% so với cùng kỳ. Lãi gộp đạt hơn 33 tỷ đồng và tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 23,7%.
Sau khi trừ các chi phí, thuế, trong quý đầu năm 2023, Bệnh viện Triều An lãi hơn 19 tỷ đồng, gấp 9,4 lần so với cùng kỳ và đạt khoảng 40% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tổng tài sản cũng tăng nhẹ gần 1% so với đầu năm ở mức 1.128 tỷ đồng. Bệnh viện còn số nợ phải trả 532 tỷ đồng, giảm 9 tỷ so với đầu năm. Đáng chú ý, tổng nợ vay chỉ gần 25 tỷ đồng.
Năm 2017, doanh nhân gốc Trà Vinh Trầm Bê phải chấp hành 2 bản án hình sự, với tổng cộng 7 năm tù.
Vụ thứ nhất, ngày 6/8/2018, ông Trầm Bê bị TAND TP.HCM tuyên phạt 4 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", vì giúp sức cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây). Thiệt hại xảy ra khi ông đang là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.
Vụ thứ hai, ngày 30/7/2020, TAND TP.HCM tuyên phạt ông 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Ở vụ án này, ông Trầm Bê là phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam, đã phê duyệt cho vay, dẫn đến ngân hàng này bị thiệt hại 505 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.