Có thể nói, chưa bao giờ dịch vụ cho thuê hàng hóa lại nở rộ như hiện nay với thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Nhờ vậy mà rất nhiều bạn trẻ không chỉ thuê xe, thuê ĐTDĐ mà cả các món hàng như đồ trang sức, trang phục...
Thuê đồ trang sức, trang phục
Chị Nguyễn Huỳnh Ngân, kế toán Công ty T.N ở đường Tú Xương (Q.3 - TP.HCM), tiết lộ: Mỗi khi có dịp hẹn hò với bạn, chị lại ra shop Lá (Q.3) chọn bộ trang sức bằng đá, pha lê hay hột bẹt để “diện”, làm cho bạn bè không khỏi “tấm tắc thán phục” và khen là sành điệu. Còn chị Trương Thuận Thanh, kinh doanh vải ở chợ Bình Tiên (Q.6), cho biết trước đây chị phải bỏ rất nhiều tiền và công sức để săn lùng những bộ trang sức ưng ý, thế nhưng chỉ sử dụng vài lần rồi... cất vì “cảm thấy cũ”. Còn bây giờ từ khi có cô bạn “mách nước”, thay vì phải mua mỗi sợi dây cho vài bộ trang phục có giá tệ nhất cũng phải 50.000 đồng và cao nhất lên đến bạc triệu, thì nay chỉ tốn khoảng từ 8.000 - 10.000 đồng/lần thuê tùy theo sản phẩm cũng đủ để “ăn nói” với bạn bè...
Không chỉ dân khá giả là khách hàng thuê đồ trang sức, mà còn có nữ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất... góp tiền từ 2.000- 5.000 đồng thuê bộ trang sức để “ mỗi đứa xài một bữa cho vui”- bạn Hồng Nhi, công nhân khu chế xuất Tân Thuận, cười cởi mở. Theo chị Diễm, chủ shop Papillon Art Bijoux (Q.3), ngoài vàng thật (24K và 18K), đồ trang sức còn có nhiều chất liệu khác như đá, pha lê, hột bẹt... được “lên” nhiều mẫu với giá cả khác nhau. Nếu mua để chỉ sử dụng vài lần thì quá phí vì chúng không có giá trị “làm của” như vàng. Vì vậy, giải pháp đi thuê là kinh tế nhất. Giá thuê trang sức khoảng 10% so với giá trị món hàng, với thời gian sử dụng từ 3-5 ngày tùy theo thỏa thuận.
Khác với trang sức, nhiều nơi trưng hẳn bảng hiệu cho thuê, còn với dịch vụ cho thuê trang phục thì lại... hoạt động bí mật, nếu muốn, phải có sự “rỉ tai” của người quen, bởi tâm lý ngại cho người khác biết mình mặc đồ thuê. Đồng thời để lấy lại vốn, nơi cho thuê sẽ “tút” lại (sau hai lần cho thuê) và bán chúng như một sản phẩm mới. Trang phục cho thuê phần lớn là đồ cao cấp, có thiết kế riêng “ít đụng hàng”. Trước đây chỉ có giới nghệ sĩ thuê, còn hiện nay khách thuê thuộc nhiều đối tượng. Giá thuê trang phục tùy theo tên tuổi của nhà thiết kế và chất liệu sản phẩm, trung bình khoảng từ 20%-30% giá trị bộ đồ/lần thuê (từ 150.000 - 300.000 đồng) với thời hạn 2 ngày. So với đồ trang sức, thuê trang phục có những quy định khá chặt chẽ như: không được làm xước mặt vải, giữ trang phục sạch sẽ và phải trả đúng hẹn...
“Chơi” hàng trả góp
Để giúp những người thích chơi hàng hiệu mà không phải ngán ngại vì đầu tư quá nhiều tiền cho món hàng mình ưa thích, nhiều cửa hàng đã áp dụng phương thức kinh doanh bán hàng trả góp.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, đang công tác ở một công ty liên doanh với Nhật có mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng, do mê hàng hi-tech nên đã “chơi” trả góp hơn 3 tháng nay. Mới đây, anh vừa sắm chiếc máy ảnh kỹ thuật số Canon 7 chấm, giá gần chục triệu đồng, bằng cách đưa trước 3 triệu và góp 400.000 đồng/tháng cho đến hết. Vài triệu đồng trả góp để có được một món đồ ưng ý còn có người gật đầu, đằng này chỉ vài trăm ngàn cũng mua trả góp thì quả thật ai chẳng muốn.
Chị Cao Thị Nguyệt Minh, nhân viên kinh doanh Công ty D&T, khách hàng thân thiết của cửa hàng M. chuyên doanh đồng hồ, mắt kính trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), cho biết những chiếc kính mát hay đồng hồ thời trang “hot” nhất có giá trên dưới 1 triệu đồng mà chị sử dụng thường được mua bằng cách trả trước 350.000 đồng, còn lại chia đều trả góp trong 3 tháng...
Hiện nay, có nhiều kiểu bán hàng trả góp. Chẳng hạn có nơi áp dụng phương thức bán hàng trả dần không tính lãi và thanh toán rất đơn giản: trả trước 39% giá trị sản phẩm, số còn lại trả chậm trong 3 tháng hoặc góp từ 12-18 tháng không cần thế chấp với lãi suất khoảng 1% - 1,2%/tháng tùy nơi. Đại diện cửa hàng M@ho ở đường Lê Thị Hồng Gấm (Q.1) cho biết, ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến và đăng ký mua theo phương thức này, bởi chúng rất phù hợp với nhiều đối tượng.
Với phương thức kinh doanh vừa khuyến khích vừa bảo chứng của mình, nhiều nơi bán hàng đã tạo được thương hiệu và có lượng khách hàng khá lớn. Tuy nhiên, nỗi lo của các cửa hàng bán trả góp vẫn là những “rủi ro không tên”, bởi không ít nơi đã gặp phải khách “trời ơi” dùng giấy tờ, địa chỉ, số điện thoại di động của bạn bè, người quen để mua hàng trả góp được vài đợt rồi biến mất!
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.