Thứ năm, 03/10/2024

Độc đáo lễ hội Katê trong văn hóa Chăm và bảo vật Linga vàng

03/10/2024 9:57 AM (GMT+7)

Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Ninh Thuận và Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an. Đặc biệt, cộng đồng người Chăm này vừa đón nhận bảo vật quốc gia.

Là lễ hội có từ lâu đời, Katê ngoài mục đích tưởng nhớ các vị thần còn cầu mong mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận còn gọi là sự kiện quan trọng này là Tết Katê, và lễ hội hàng năm được tổ chức vào ngày 1/7 theo lịch Chăm, thường rơi vào cuối tháng 9 hoặc trong 2 tuần đầu tháng 10 dương lịch.

Tết Katê 2024 với bảo vật Linga vàng

Tại di tích Tháp Pô Sah Inư (tháp Chăm) ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã diễn ra Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng Bình Thuận và Khai mạc Lễ hội Katê năm 2024 vào ngày 2/10.

Độc đáo lễ hội Katê trong văn hóa Chăm và bảo vật Linga vàng - Ảnh 1.

Linga vàng Bình Thuận tại Lễ công bố công nhận bảo vật quốc gia tại Phan Thiết ngày 2/10/2024. Ảnh: Quang Nhân (báo BT)

Việc đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đã góp phần làm cho Tết Katê năm nay thêm phần trang trọng, sôi nổi với niềm vui mừng, hân hoan của cộng đồng người Chăm theo đạo Bà-la-môn.

Ngay sau phần khai mạc, Lễ hội Katê bước vào nghi thức quan trọng nhất là lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư tại ngọn tháp Chăm cùng tên nằm trên ngọn đồi tuyệt đẹp thường được gọi là "Lầu ông Hoàng" trên đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài (Phan Thiết).

"Lầu ông Hoàng" trên cung đường xuống Mũi Né là chứng nhân lịch sử cũng là chốn hò hẹn lãng mạn của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử và "nàng thơ" Mộng Cầm xinh đẹp của thi sĩ vắn số này. Nhờ những nét nên thơ trong khung cảnh non nước hữu tình cùng thiên nhiên tươi đẹp, Hàn Mặc Tử lúc sinh thời đã chọn nơi đây làm nơi hẹn hò với Mộng Cầm.

Tại buổi lễ ngày 2/10/2024, ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, cho biết Linga vàng được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ tại khuôn viên Khu di tích tháp Chăm Po Dam (thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) để phục vụ công tác trùng tu, phục hồi một số hạng mục kiến trúc của di tích.

Độc đáo lễ hội Katê trong văn hóa Chăm và bảo vật Linga vàng - Ảnh 2.

Nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên Tháp Pô Sah Inư (Phan Thiết) ngày 2/10/2024. Ảnh: Quang Nhân (báo BT)

Sau khi tìm thấy Linga vàng này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã triển khai xây dựng hồ sơ hiện vật Linga vàng, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

Ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 - năm 2023; trong số 29 bảo vật quốc gia được công nhận đợt này, có Linga vàng tỉnh Bình Thuận.

Thờ sinh thực khí nam (Linga) và sinh thực khí nữ (Yoni) là một phần trong thế giới văn hoá tín ngưỡng hết sức đặc sắc của người Chăm xưa. Bởi vì đó là thế giới của thần linh, của sự mong ước sinh sôi nảy nở, hoà hợp âm dương, của năng lực sáng tạo.

Katê: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tết Katê phản ánh sâu sắc những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người Chăm. Với ý nghĩa văn hóa và lịch sử quan trọng, Lễ hội Katê đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thông thường, người Chăm theo đạo Bà-la-môn tổ chức các hoạt động lễ hội suốt mấy ngày trước và sau Tết Katê nhằm mục đích tưởng nhớ và ôn lại công đức của ông bà, tổ tiên; và cũng là dịp vui chơi giải trí, giao lưu cộng đồng sau một năm lao động vất vả.

Ninh Thuận và Bình Thuận thường được gọi chung là "đất tháp" vì có nhiều tháp Chăm. Phan Thiết (Bình Thuận) có tháp Pô Sah Inư trên đồi "Lầu ông Hoàng" để tổ chức Katê, thì Ninh Thuận cũng có Tháp Pô Klong Garai (tên thường gọi: Tháp Chàm, được sử dụng chính thức trong tên thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) và Tháp Pô Rô Mê (tên thường gọi: Tháp Hậu Sanh) để tổ chức Tết Katê.

Độc đáo lễ hội Katê trong văn hóa Chăm và bảo vật Linga vàng - Ảnh 3.

Tháp Pô Klong Garai trên đỉnh đồi Trầu, phường Đô Vinh, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. Ảnh: Tường Minh

Vùng Ninh Thuận và Bình Thuận vẫn còn lưu giữ dấu ấn của nền văn hoá Chăm Pa một thời rực rỡ. Đó là hệ thống đền tháp, cùng nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo, những lễ hội đặc trưng của người Chăm còn lưu giữ đến hôm nay. Phan Rang là cách đọc đơn giản cho tên Panduranga, khu vực người Chăm sinh sống trước đây và hiện nay là vùng Ninh Thuận và Bình Thuận.

Theo cả sư Đổng Bạ, Phó Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bà-la-môn, Trụ trì tháp Pô Klong Garai (Ninh Thuận), các lễ vật chính trong Tết Katê tại đền tháp bao gồm 1 con dê, 3 con gà để làm lễ tẩy uế trong tháp, 5 mâm cơm với canh và thịt dê, 1 mâm cơm với muối vừng, thêm 3 ổ bánh gạo cùng trái cây. Ngoài ra, người dân còn chuẩn bị thêm rượu, trứng, xôi chè, trầu cau... Đây là phần lễ vật mang lên cúng trên các tháp còn phía dưới chân tháp sẽ là hàng trăm mâm lễ khác nhau do những người dự lễ thành tâm chuẩn bị.

Sau phần lễ, phần hội được diễn ra ở tất cả các làng Chăm Bà-la-môn với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc Chăm. Dân tộc Chăm có kho tàng văn hóa, dân ca, dân vũ rất đặc sắc, phong phú. Khi tiếng trống Ghinăng, Paranưng, kèn Saranai tấu lên, cùng lúc các thiếu nữ Chăm duyên dáng, mặn mà trong trang phục truyền thống cất lên những làn điệu dân ca nguyên sơ, cao vút, thăm thẳm làm say đắm lòng người.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Giá gạo ST25 tăng chóng mặt, Gạo Ông Cua tăng 2 lần trong tháng 9, vì sao?

Giá gạo ST25 tăng chóng mặt, Gạo Ông Cua tăng 2 lần trong tháng 9, vì sao?

Giá gạo ST25 thời gian qua liên tục tăng. Ngay cả thương hiệu gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua trước đây ít bị tác động trong những đợt tăng giá nhưng cũng đã điều chỉnh 2 lần trong tháng 9. Vì sao vậy?

Đồng Tâm Group tăng vốn lên 1,5 lần, liệu có khả thi?

Đồng Tâm Group tăng vốn lên 1,5 lần, liệu có khả thi?

Nếu chào bán thành công gần 50 triệu cổ phiếu, Đồng Tâm Group sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 995 tỷ đồng lên gần 1.493 tỷ đồng.

Quy hoạch khu đô thị - dịch vụ hơn 2.000 ha tại Long Thành

Quy hoạch khu đô thị - dịch vụ hơn 2.000 ha tại Long Thành

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị - dịch vụ Long Thành tại huyện Long Thành.

Hội thảo “Đất và phân bón”: Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa ở ĐBSCL

Hội thảo “Đất và phân bón”: Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa ở ĐBSCL

Ngày 2/10, Hội thảo quốc gia “Đất và phân bón” lần thứ nhất năm 2024 do Cục Trồng trọt phối hợp Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) và Công ty CP Phân bón Bình Điền tổ chức đã diễn ra tại TP Cần Thơ

Ngăn chặn hơn 1.300 tấn thịt nhiễm Salmonella vào Việt Nam

Ngăn chặn hơn 1.300 tấn thịt nhiễm Salmonella vào Việt Nam

Từ ngày 16/5 đến 25/9, cơ quan chức năng phát hiện 55 lô thịt động vật dương tính với Salmonella, tương ứng 1.319 tấn

Xử lý dứt điểm các dự án bất động sản, nhà ở xã hội vướng mắc pháp lý

Xử lý dứt điểm các dự án bất động sản, nhà ở xã hội vướng mắc pháp lý

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị khẩn trương xử lý dứt điểm các các dự án bất động sản, nhà ở xã hội gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi.