Những ngày đầu tháng 8/2023, trên công trường Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Theo chủ đầu tư, hiện nay, trên công trường có khoảng 110 thiết bị thi công các loại cùng hơn 350 công nhân để triển khai các hạng mục công trình chính của 9 gói thầu.
Các tổ hợp thi công xử lý nền bằng cọc xi măng đất được các nhà thầu triển khai tại các gói thầu XL-01, XL-02, XL-03 trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh; gói thầu XL-09 trên địa bàn quận Gò Vấp và Bình Thạnh.
Ngoài ra, các tổ hợp thi công rung hạ cừ ván bê tông dự ứng lực SW đang được triển khai đồng loạt trên các gói thầu XL-02, XL-03, XL-04, XL-05, XL-06, XL-07 và XL-08 thuộc địa bàn 7 quận, huyện. Cùng với đó, trên công trường còn có các bãi đúc cọc bê tông cốt thép, sản xuất ống cống thoát nước, hố ga và hào kỹ thuật bằng bê tông cốt thép được các nhà thầu phân bổ đều trên toàn tuyến của dự án.
Bên cạnh đó, các tổ đội thi công xây dựng các cống thoát nước đầu rạch cấp 2 để tạo sự kết nối toàn tuyến hai bên bờ kênh như cống K0+000, cống Rạch Chùa, cống rạch Bà Tiếng, cống Hưng Nhơn, cống Cầu Kinh, cống Lương Bèo, cống Ông Búp, cống Sông Chùa, cống Nước Đen, cống 19/5B, cống 19/5A, cống Hy Vọng, cống Đồng Tiến, cống Cầu Cụt 1, cống Cầu Suối, cống hộp 3x3 (Đường 51), cống Cầu Cụt 2, cống Triêm Phước, cống rạch Dừa, cống Ông Tổng, cống Bà Miêng.
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Ban điều hành dự án 4, Giám đốc quản lý dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cho biết, sau buổi làm việc, kiểm tra thực tế tiến độ thi công dự án của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên ngày 13/6 thì các nhà thầu tham gia dự án hiện nay đã tập trung thiết bị, nhân lực, vật tư và vật liệu để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình. Có những công việc phải thi công 24/24 giờ như đổ bê tông dầm mũ kè, đổ bê tông bản đáy, thân các hạng mục cống cấp 2, sản xuất và vận chuyển cấu kiện đúc sẵn.
Cũng theo ông Lê Thanh Tùng, sau hơn 4 tháng thi công, đến nay dự án đã giải ngân được 236,70 tỷ đồng/1.650 tỷ đồng, đạt 14,35%. Dự kiến trong năm 2023, dự án đạt tỉ lệ 100% theo kế hoạch vốn đã đề ra.
“Trong quá trình triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến của dự án thì có rất nhiều các khó khăn vướng mắc. Tuy nhiên, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với các địa phương, các sở ngành, các đơn vị có liên quan để từng bước tháo gỡ, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công như tại những khu vực bị tái lấn chiếm mặt bằng. Hiện nay một số quận, huyện đang tích cực vận động, đôn đốc người dân tháo dỡ phần tái lấn chiếm để sớm bàn giao mặt bằng trống cho đơn vị thi công”, ông Tùng cho biết thêm.
Một trong những địa phương có dự án đi qua đã làm tốt công tác giải tỏa, bàn giao mặt bằng bị tái lấn chiếm sớm cho dự án, ông Hồ Hoàng Việt, Phó Chủ tịch phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), cho biết: “Tổng chiều dài 2 bên bờ kênh của Dự án đi qua địa bàn phường Bình Hưng Hòa có chiều dài khoảng 8km. Công tác giải phóng mặt bằng đã được thực hiện trong giai đoạn 1 của dự án từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do thời gian nhiều năm chờ đợi không thấy triển khai thi công giai đoạn 2 nên có một số hộ dân có cơi nới thêm lều, bạt để che mưa, kinh doanh, buôn bán. Hiện nay, UBND phường Bình Hưng Hòa đã phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thi công vận động người dân tự tháo dỡ để trả mặt bằng cho dự án. Đến nay, 100% phần mặt bằng bị tái lấn chiếm đã được người dân tháo dỡ bàn giao cho đơn vị thi công”.
Chứng kiến dòng kênh đang dần hồi sinh từng ngày, ông Phan Đăng Hòa (người dân ngụ tại Phường 14, quận Gò Vấp), cho biết: “Giai đoạn 1 của dự án đã thi công đắp bờ kênh đất từ nhiều năm trước nhưng hiện nay tuyến kè bê tông đã được chủ đầu tư và nhà thầu thi công tập trung thiết bị thi công rất nhanh. Ngày nào tôi cũng đều ra đây ngắm tuyến kè để xem tiến độ thi công như thế nào, hôm nay có dài hơn hôm qua được nhiều không. Tôi thấy đội ngũ kỹ sư và công nhân rất là nỗ lực, họ làm việc chia làm ca, ban ngày thì thi công đóng cừ và ban đêm thì tôi thấy vận chuyển cừ về sắp xếp để sáng đóng tiếp, rất khoa học. Tôi rất kỳ vọng đoạn kênh này sẽ được hoàn thành vào 30/4/2025 như đã được thông báo”.
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương qua sông Sài Gòn) đi qua 7 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045 kết hợp cùng các Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Tham Lương - Bến Cát; lưu vực Tây Sài Gòn. Dự án không chỉ là công trình chống ngập, chống ô nhiễm môi trường mà còn mang ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh, tăng cường năng lực giao thông cho tuyến Bắc - Nam của Thành phố và có tính kết nối liên vùng.
Từ ngày 4/10/2024 theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP, cá nhân hoặc tổ chức chuyển nhượng đất đai không có sổ đỏ hoặc tranh chấp sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng tuỳ theo hành vi vi phạm.
Giá vàng liên tục phá đỉnh và đạt ngưỡng cao chưa từng có nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô đi mua vàng. Trước sự việc này, chuyên gia tài chính lên tiếng lý giải.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số, nâng cấp nền kinh tế số ở trình độ cao, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mạnh, có năng lực cạnh tranh toàn cầu…
Tạp chí Fortune (Mỹ) vừa công bố danh sách Những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, qua đó vinh danh 100 nữ doanh nhân hàng đầu các lĩnh vực. Trong đó, Việt Nam có ba đại diện góp mặt trong danh sách này.
93 doanh nghiệp và 84 doanh nhân được UBND TP.HCM công nhận là những doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM tiêu biểu. Họ đóng góp ngân sách tổng cộng 16.429 tỉ đồng, tạo việc làm ổn định cho 58.257 lao động.
UBND TP.HCM vừa quy định hạn mức diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc ở thành phố.