Thứ ba, 17/09/2024

Giá chung cư ở TP.HCM tăng đến 25% so với năm 2023

03/09/2024 8:10 AM (GMT+7)

Thời điểm hiện tại, giá nhà chung cư ở TP.HCM đã tăng thêm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, giá căn hộ chung cư tăng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở cả những căn hộ cũ đã qua sử dụng nhiều năm.

Rất nhiều lo ngại về việc giá nhà không ngừng tăng sẽ ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội trong thời gian tới.

Giá căn hộ chung cư tiếp tục leo thang

Từ đầu năm 2024 đến nay, nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản (BĐS) trên thị trường đã có sự cải thiện rõ rệt, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư. Theo số liệu báo cáo thị trường từ Bộ Xây dựng, tính riêng trong quý II/2024, cả nước có 9 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, bằng 128,5% so với cùng kỳ năm 2023; 19 dự án được cấp phép mới và 50 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, lần lượt tăng 126,6% và 131,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù nguồn cung đã có sự cải thiện nhưng giá bán vẫn tiếp tục leo thang, một số dự án còn ghi nhận tăng đến 33%. 

Tại TP.HCM, biến động giá rao bán căn hộ trung cấp (từ 35 - 55 triệu đồng/m2) tăng thêm 2%; cao cấp (trên 55 triệu đồng/m2) tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, giá bán nhiều dự án chung cư đã qua sử dụng có xu hướng tăng mạnh, nhất là ở khu vực nội thành. Đơn cử như dự án City Garden (quận Bình Thạnh) rao bán trung bình 85 triệu đồng/m2, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái; dự án Antonia (quận 7), Masteri Thảo Điền (quận 2) lần lượt tăng 11% và 10%.

Giá chung cư ở TP.HCM tăng đến 25% so với năm 2023 - Ảnh 1.

Giá chung cư ở TP.HCM tăng đến 25% so với năm 2023

"Theo khảo sát và tổng hợp báo cáo, giá căn hộ chung cư TP.HCM tăng trung bình khoảng từ tăng 5 - 6,5% trong quý II/2024 và 25% so với cùng kỳ năm 2023 tùy từng khu vực và vị trí. Đặc biệt, mức giá không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở cả căn hộ cũ, qua sử dụng nhiều năm. Theo nhận định, giá căn hộ chung cư có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nguồn cung mới đưa ra thị trường đang khan hiếm" - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho hay.

Cần động thái tích cực hơn từ phía Nhà nước

Với việc giá bán nhà liên tục leo thang trong thời gian gần đây sẽ làm cơ hội sở hữu nhà ở của nhóm người có thu nhập thấp - trung bình ở các đô thị ngày càng trở nên khó khăn hơn và tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần phải nhanh chóng có giải pháp để bình ổn giá nhà, trong đó Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò quan trọng.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, muốn giá bán nhà được sớm bình ổn, Nhà nước cần phải có chính sách để tăng nguồn cung các sản phẩm nhà ở từ việc cải tạo chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH).

Theo đó, đối với công tác cải tạo chung cư cũ, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP thì công việc này đã có sự cải thiện rõ rệt, nhưng đến nay chỉ mới có một số chung cư cũ nguy hiểm cấp D có kế hoạch cải tạo, xây dựng lại còn hầu hết vẫn đang phải chờ đợi. Nếu được triển khai theo đúng kế hoạch đây chắc chắn sẽ là nguồn cung lớn cho nhà ở phân khúc vừa túi tiền với người dân, đồng thời góp phần cải tạo chỉnh trang bộ mặt đô thị.

"Đối với Đề án phát triển 1 triệu căn NƠXH thì cần có một quỹ đầu tư riêng, nhưng không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án mà nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án NƠXH. Kèm theo đó là đơn giản hóa tối đa trình tự, quy trình thủ tục triển khai các dự án" - ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu, muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, DN phải có vốn, nhưng hiện nay việc tiếp cận tín dụng của DN BĐS rất khó, nên dẫn đến tình trạng DN BĐS thiếu tiền mặt, thiếu thanh khoản nghiêm trọng, tài sản lớn nhưng không bán được. Nhiều DN đã tái cấu trúc, cấu sản phẩm, giảm giá bán, dừng triển khai xây dựng, ngừng kinh doanh.

"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để DN có các khoản nợ tín dụng sắp đến hạn thì giữ nguyên nhóm nợ, cho phép tái cấu trúc không thành nhóm nợ xấu hơn. Đồng thời chỉ cho vay đối với những dự án đủ điều kiện như dự án có tài sản bảo đảm, điều kiện pháp lý rõ ràng và tính khả thi được ngân hàng đánh giá là có khả năng trả nợ" - ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Đồng quan điểm, theo GS. TS Hoàng Văn Cường - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đối với những dự án BĐS đang triển khai dở dang, nếu hoàn thành sẽ có khả năng đưa vào sử dụng, có khả năng thanh khoản ngay. Ngân hàng nên khoanh các khoản nợ cũ của DN và tiếp tục tài trợ vốn để hoàn thành dự án, đưa sản phẩm ra thị trường; đồng thời phải kiểm soát dòng vốn vay giải ngân vào đúng hoạt động hoàn thiện dự án và quản lý dòng tiền bán hàng để thu hồi các khoản nợ ngân hàng đã tài trợ.

"Việc làm như trên không chỉ giúp các hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường BĐS được tái lập mà các nguồn vốn vay của ngân hàng đã đổ vào dự án sẽ được thu hồi. Cần kiểm soát chặt chẽ, không để dòng vốn tín dụng đổ vào những dự án không có khả năng hoàn thành, khó tiêu thụ hoặc đảo nợ các khoản vay cũ đến hạn. Đây chính là việc thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, mở rộng đối với dự án có triển vọng, nhưng thắt chặt đối với DN "xác chết" và mua BĐS đầu cơ" - GS. TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng Nhà nước nên tăng cường sử dụng công cụ thuế để tránh tình trạng đầu cơ BĐS. Vì đầu cơ BĐS là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá BĐS tăng nhanh. Ngoài ra, để mang lại hiệu quả tối đa cho công tác huy động vốn đầu tư của DN, cũng nên nghiên cứu biện pháp để hạn chế hoặc không cho phép DN BĐS tham gia đầu tư vào ngân hàng và ngược lại, bởi dòng vốn khi đó chỉ xoay quanh hoạt động của DN đó mà không có nhiều tác dụng với xã hội.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đề xuất sửa đổi dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng

Đề xuất sửa đổi dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) hôm nay 16/9 vừa có văn bản để góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng.

Chỉ đạo mới về cải tạo tuyến đường thuộc khu trung tâm

Chỉ đạo mới về cải tạo tuyến đường thuộc khu trung tâm

Chủ tịch UBND TP.HCM vừa chỉ đạo thí điểm cải thiện giao thông, cải tạo không gian đường phố trên đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Quận 1.

HoREA kiến nghị miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp các khoản hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai

HoREA kiến nghị miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp các khoản hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa góp ý nhiều vấn đề liên quan đến việc tính thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Tổ chức thi hoa hậu có lãi lắm sao?!

Tổ chức thi hoa hậu có lãi lắm sao?!

Khéo thu vén, nắm trong tay bản quyền nhiều cuộc thi, tổ chức nhiều cuộc thi, nôm na gọi là bà lớn trong ngành thì sức chi phối càng lớn và càng lãi nhiều

Hưng Thịnh Land đối mặt với khó khăn tài chính

Hưng Thịnh Land đối mặt với khó khăn tài chính

Trong nửa đầu năm 2024, Hưng Thịnh Land đã ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 538 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ hơn 88 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Khi nào Việt Nam sẽ vô nhóm 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Khi nào Việt Nam sẽ vô nhóm 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, Việt Nam sẽ vào nhóm 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2024. Chính phủ cũng đặt mục tiêu nước ta sẽ thuộc nhóm từ 30 đến 35 nền kinh tế lớn trên thế giới, nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.