Làng văn hóa - du lịch Tân Triều cũng được kỳ vọng sẽ là sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng đầu tiên của Đồng Nai.
Do đặc tính thơm ngon nổi tiếng, lại thích nghi tốt nhiều loại thổ nhưỡng, giống bưởi đường lá cam trồng được ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng, trong niềm tự hào của người dân Đồng Nai, bưởi đường lá cam ngon nhất phải được trồng ngay cù lao Tân Triều.
Muốn thưởng thức hương vị đặc trưng cũng như cách làm kinh tế hiệu quả từ bưởi đường lá cam, có lẽ không có nơi nào thích hợp hơn Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều Năm Huệ do ông Huỳnh Đức Huệ quản lý.
Gia đình ông Năm Huệ vốn là dân cố cựu, đã qua 6 đời tại ấp cù lao. Ông Huệ bảo, để trồng ra trái bưởi ngon thì người trồng phải cứng tay nghề. "Nhất là phải trồng đúng giống bưởi này, trên đất phù sa này thì mới ra được cái chất, cái vị của quê hương Tân Triều", ông Huệ nói.
Có giai đoạn, bưởi da xanh được thị trường ưa chuộng vì trái lớn, giá bán cao. Nhiều người khuyên ông trồng thêm bưởi da xanh để tăng thu nhập. Ông chỉ khẽ cười rồi bỏ ngoài tai. Ông không ham trái lớn, giá cao mà nỡ quay lưng với giống bưởi đặc sản của quê hương.
Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều bắt đầu mở cửa đón khách đến nay đã hơn 20 năm rồi. Ông Huệ kể, lúc đầu, thấy ông dựng cái chòi trong vườn bưởi, nhiều người không hiểu nên cười chê dữ lắm.
Ông cứ âm thầm làm logo, đăng ký nhãn hàng rồi tự mình lên ý tưởng từ hình dáng cái mái lá, đến cái kệ trưng bày sản phẩm.
Người làng bưởi vẫn giữ truyền thống tính một chục 12 trái. Ông mời khách đến ăn bưởi, uống trà. Khách mua chục trái ông cũng mời trà, mua 1 trái cũng vậy. Rồi ông mở thêm gian bếp, chế biến vài món ngon từ bưởi cho người ta thưởng thức.
Ông Năm Huệ lưu ý, bưởi đường lá cam là loại cây đặc hữu của đất Tân Triều, cũng không phải là loại trái chỉ dùng để chấm muối ớt ăn cho... đỡ lạt miệng. Gà, vịt thì thả trong vườn; tôm, cá có sẵn dưới sông. Thế là các món kỳ công như gà nấu bưởi, ốc hấp bưởi, lươn nướng lá bưởi… cứ thế ra đời.
Riêng món gỏi bưởi có vị rất riêng nhờ được làm bằng công thức và nguyên liệu truyền thống. Các tép bưởi đường phải vừa chín tới, đem trộn với tôm bắt dưới sông còn tươi nguyên, và ít lát ớt trái, hành tây, ngò, đậu phộng.
Thực khách lấy bánh tráng hoặc bánh phồng xúc gỏi bưởi đưa lên miệng, rồi nhấp thêm một miếng rượu bưởi thơm nồng. Giữa vườn bưởi lồng lộng gió sông, cứ nhẩn nha nhấm nháp, thú vị vô cùng.
Trong tổng diện tích hơn 10.000ha đất trồng bưởi ở Đồng Nai, bưởi đường lá cam của vùng đất cù lao Tân Triều chỉ chiếm 5%, còn lại là giống bưởi da xanh và một số giống bưởi khác. Con số trên cho thấy, chỉ có ở khu vực cù lao Tân Triều mới có đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu, phù hợp cho đặc sản bưởi đường lá cam phát triển tốt nhất.
Bưởi đường lá cam xứ Tân Triều đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Nhiều nhà vườn khác cũng đã kết hợp sản xuất nông nghiệp với làm du lịch hiệu quả. Họ khai thác mô hình du lịch sinh thái hoặc mở những quầy hàng bưởi ngay cạnh vườn bưởi để bán cho du khách thập phương.
Đầu tháng 3 vừa qua, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, năm 2024, Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng mô hình Làng văn hóa - du lịch Tân Triều tiêu biểu phía Nam tại cù lao Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Làng văn hóa - du lịch Tân Triều cũng được kỳ vọng sẽ là sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng đầu tiên của Đồng Nai.
Bà Lê Thị Ngọc Loan - Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết, việc xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; hình thành chuỗi điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng gắn với hoạt động canh tác nông nghiệp.
Hoạt động du lịch cộng đồng tại làng bưởi Tân Triều sẽ tập trung vào các giá trị cốt lõi của bưởi như hệ sinh thái cảnh quan vườn; không gian bảo tồn các giống cây trồng bản địa (bưởi ổi, bưởi đường lá cam…)
Hoạt động này cũng nhằm xây dựng cấu trúc không gian sinh thái du lịch nông nghiệp, hình thành và khai thác hiệu quả chuỗi giá trị kép… Du khách sẽ được để dẫn dắt trải nghiệm văn hóa ẩm thực từ nguồn nguyên, vật liệu địa phương.
Thông qua chuyển dịch cơ cấu ngành nghề của địa phương, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, du lịch sẽ phát triển theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc, cảnh quan, môi trường.
PGS TS Nguyễn Thị Nga - Viện trưởng Viện Bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng tại TP.HCM nhận xét, làng bưởi còn nhiều tiềm năng độc đáo rất riêng.
"Tôi tâm đắc với những câu chuyện về con người, những giá trị văn hóa cũng như đặc trưng thổ nhưỡng đã tạo nên sức bật cho du lịch làng bưởi với không gian văn hóa bưởi độc nhất vô nhị tại Việt Nam", TS Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.