Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng chỉ ra nhiều lợi ích khi Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực thi hành. Trong đó, Luật Đất đai 2024 có nhiều chính sách có lợi cho người dân, doanh nghiệp, khơi dậy nguồn lực đất đai để phục vụ phát triển của đất nước.
Ví dụ như chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, trong đó đưa ra những quy định đầy đủ, cụ thể với tinh thần thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết 18 của Trung ương là nơi ở mới phải bằng, hoặc hơn nơi ở cũ. Theo đó, Luật đã cụ thể hoá các tiêu chí cụ thể như tái định cư ở đô thị thì phải đạt tiêu chí của đô thị, tái định cư ở nông thôn phải đạt tiêu chí của nông thôn mới, nơi tái định cư phải đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…
Về nội dung đánh giá tác động, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan được giao là Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ Xây dựng đã có các bộ hồ sơ đánh giá tác động đầy đủ, tác động tốt, hiệu quả nếu luật có hiệu lực sớm. Vì luật có hiệu lực sớm sẽ giải quyết các tồn đọng, vướng mắc. Như việc người dân đang rất mong chờ Luật có hiệu lực để được cấp giấy sử dụng đất với những thửa đất không tranh chấp, vi phạm pháp luật từ 1/7/2014 trở về trước, làm sớm ngày nào, người dân được hưởng lợi ngày đó.
Cùng với đó, nhiều địa phương xin thí điểm việc phân cấp phân quyền, chuyển đất lúa, đất rừng từ 10ha phải trình lên Chính phủ còn giờ phân cấp cho địa phương, thủ tục hành chính được rút ngắn và trong thẩm quyền cho địa phương. Quy định này tạo thuận lợi cho việc thu hút, giải quyết các dự án đầu tư và khơi dậy được nguồn lực đất đai.
Đứng ở góc độ các doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng từ thời điểm Luật Đất đai 2024 thông qua đến ngày 1/8/2024 là đủ thời gian để đưa các quy định luật đến với nhân dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, giúp họ hiểu và nắm được tinh thần của Luật Đất đai 2024.
"Căn cứ vào tình hình kinh tế đất nước cũng như các vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính và những thủ tục pháp lý còn vướng đối với thị trường bất động sản thì chúng ta cần áp dụng Luật Đất đai 2024 sớm hơn. Cùng với đó, chúng ta cũng cần áp dụng đồng bộ với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản để sớm tháo gỡ khó khăn và đưa thị trường bất động sản phát triển ổn định", ông Quê chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đánh giá, nếu Luật Đất đai 2024 được áp dụng sớm từ ngày 1/8/2024 sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn của thị trường bất động sản. Bởi có một Nghị quyết rất quan trọng mà Chính phủ đã giao các bộ, ngành thực hiện để trình Quốc hội là cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác.
"Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận được đất đai thuận lợi hơn, phát triển dự án nhanh hơn; góp phần giải được bài toán thiếu nguồn cung nhà ở trên thị trường. Đáng chú ý, cả hàng ngàn dự án bất động sản, nhà ở thương mại đang bị vướng sẽ được gỡ rối. Khi nguồn cung không quá thiếu hụt so với nhu cầu thì cũng góp phần kéo giá nhà ở đi xuống", ông Châu nhận định.
Còn theo ông Lê Bảo Long, Giám đốc Chiến lược của Batdongsan.com.vn cho rằng khi Luật Đất đai 2024 cùng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực, giá bất động sản sẽ được kiểm soát tốt hơn, tạo ra sự minh bạch cho thị trường.
"Những điều khoản mới từ 3 bộ luật giúp thúc đẩy mức độ chính xác trong việc cập nhật giá đất, góp phần đưa giá đất sát với giá thị trường theo quy định bỏ khung giá đất và yêu cầu bảng giá đất cập nhật hàng năm, thay vì 5 năm/lần trong luật mới", ông Long nhấn mạnh.
Về những quy định mới, nhiều chuyên gia nhận định có 3 vấn đề quan trọng tác động trực tiếp và sâu rộng nhất đến thị trường bất động sản. Thứ nhất, Chính phủ quy định việc xác định Bảng giá đất do UBND tỉnh (so với trước là phải tham khảo Khung giá đất) được cập nhật hàng năm, trao quyền và trách nhiệm xuống địa phương. Điều này sẽ giúp giá đất được cập nhật sát với tình hình thực tế của từng địa phương hơn trước đây.
Thứ hai, về phương pháp định giá đất, trước đây thị trường có 5 phương pháp định giá đất, còn theo Luật Đất đai 2024 thì loại bỏ phương pháp chiết trừ và 4 phương pháp còn lại như so sánh, thu nhập, thặng dư và theo hệ số giá đất cũng đã có quy định chi tiết hơn rất nhiều về việc thực hiện cụ thể. Những quy định cụ thể hơn sẽ giúp việc định giá đất minh bạch, rõ ràng hơn.
Thứ ba, luật mới sửa đổi có bổ sung chi tiết về các điều kiện để cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho các lô đất đang sử dụng chưa có sổ, không vướng tranh chấp. Số lượng sản phẩm đất thuộc diện này trên thị trường hiện tồn đọng rất nhiều và một khi được khơi thông pháp lý, chắc chắn cũng mang đến cơ hội thanh khoản tốt hơn cho những sản phẩm đất thuộc diện này và các loại hình bất động sản khác ở cùng khu vực.
Đa số các ĐBQH đều ủng hộ chủ trương để các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 sớm đi vào cuộc sống.
Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho biết, nhiều điểm mới của Luật Đất đai 2024 khi ban hành sẽ giúp địa phương tháo gỡ được nhiều vướng mắc, thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ trước đến nay đối với đồng bào dân tộc thiểu số hầu như đất ở hay đất sản xuất đều không được cấp sổ đỏ cũng như chứng nhận của chính quyền địa phương. Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực ngày nào sẽ sớm giải quyết được cho đồng bào về đất ở, đất sản xuất,... đây là điều đồng bảo rất mong mỏi.
Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) tán thành sự cần thiết để các luật sớm có hiệu lực, đồng thời kiến nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động một cách toàn diện khi các luật có hiệu lực thi hành sớm, trong đó cần tập trung làm rõ những tác động, ảnh hưởng và có giải pháp hướng tới đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật kịp thời, đầy đủ; chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo thực hiện liên quan đến tổ chức, nhân lực, nguồn lực,...
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.