Ở Anh và Ireland, hơn 100.000 trẻ nhỏ và thanh thiếu niên đang tạm trú tại các trung tâm xã hội do chính phủ vận hành. Cứ mỗi 15 phút, ước tính có 1 đứa trẻ được đưa vào hệ thống chăm sóc xã hội. Năm 2014, Dave Linton - bấy giờ đang làm việc cho một trung tâm như thế - tình cờ lắng nghe 1 bé gái chia sẻ trải nghiệm sống bấp bênh trong cơ sở bảo trợ. Trẻ em cơ nhỡ khi phải chuyển chỗ ở từ trung tâm này sang trung tâm khác thường không được phát cho vali hay túi đựng đồ. Nhiều đứa trẻ đành phải dùng bao rác để cất giữ toàn bộ tài sản ít ỏi của mình.
Đau lòng khi nghe lời bộc bạch trên, Linton quyết tâm làm gì đó giúp các em. “Càng nghĩ, tôi càng nhận thức rõ rằng bọn trẻ tôi tiếp xúc dẫu thiếu thốn mái nhà thật sự, vẫn có giá trị, có quyền lợi và đáng được trân trọng. Giá như tôi có thể khiến các em cảm thấy mình được quan tâm chu đáo hơn để sống vui vẻ và tự tin hơn... Tôi tạo ra Madlug chính từ trăn trở ấy” - anh tâm sự.
Cất tiếng nói bình đẳng
Madlug - một doanh nghiệp xã hội có trụ sở tại Bắc Ireland - được sáng lập không vì mục đích lợi nhuận mà nhằm “hỗ trợ trẻ em nghèo có được những chiếc túi và cặp bền đẹp”.
“Chúng tôi hoạt động theo phương thức “mua 1, tặng 1”. Nghĩa là với mỗi chiếc túi hoặc ba lô bạn mua từ thương hiệu của chúng tôi, 1 sản phẩm giống hệt sẽ được trao cho 1 đứa trẻ đang thuộc hệ thống phúc lợi xã hội” - Linton giải thích.
Muốn sáng tạo nên mẫu túi thật sự thiết thực, phù hợp với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đội ngũ tại Madlug đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên viên công tác xã hội, tổ chức sức khỏe lẫn quan chức địa phương. Mỗi mẫu túi xách được tạo hình năng động, tiện dụng, dù đến tay người mua hay được gửi cho trẻ cơ nhỡ luôn đính kèm lời động viên truyền cảm hứng: “Bạn thật tuyệt vời”.
“Đứa con tinh thần” Linton tâm đắc phản ánh một nỗ lực tưởng chừng nhỏ bé nhưng rất đáng quý ở những nhà kinh doanh như anh. “Thỉnh thoảng có khách hàng thẳng tính hỏi tôi: “Có thể sửa chữa mặt thiếu sót của hệ thống phúc lợi bằng túi xách sao?”, tôi luôn cho họ cùng một câu trả lời: “Một chiếc túi có thể góp vào viên gạch đầu tiên để dựng xây chặng đường phía trước tiến bộ hơn” - anh nói.
Chủ đề về sự tự do, bình đẳng, lối sống bền vững và tinh thần đoàn kết cộng đồng được minh chứng qua câu chuyện của Madlug dần trở thành định hướng đối với không ít thương hiệu túi xách. Đông đảo nhà thiết kế và doanh nghiệp trẻ hấp dẫn người tiêu dùng hiện đại bằng những sản phẩm ấn tượng từ kiểu dáng bên ngoài đến thông điệp ẩn chứa bên trong.
Góp phần quan trọng mở màn trào lưu túi xách với ý nghĩa xã hội là mẫu túi xách Shopping Bag, tạo ra bởi nhà thiết kế người Mỹ Telfar Clemens. Mẫu túi được xem như hiện tượng ngay khi vừa chính thức xuất xưởng năm 2020. Thương hiệu của Clemens gây bất ngờ với mức giá cực kỳ cạnh tranh - chỉ trên dưới 300 USD (hơn 7 triệu đồng) cho 1 sản phẩm được đánh giá cao ở khía cạnh chất lượng lẫn tạo hình sang trọng. Shopping Bag nổi bật với phong cách cùng sắc màu phi giới tính, thanh lịch nhưng không kém phần trẻ trung, được lòng cả khách hàng ngôi sao như Oprah Winfrey, Beyoncé, Selena Gomez…
“Telfar là hãng túi xách cao cấp với góc nhìn hiếm thấy trên thị trường. Đây là một công ty độc lập đề cao thông điệp bình đẳng dành cho tất cả đối tượng khách hàng và bền vững trong toàn bộ tiến trình sản xuất. Tôi ưa chuộng Shopping Bag vì lẽ đó” - một chuyên viên thẩm định hàng thời trang nhận xét.
Sự bền vững không nhàm chán
Ý tưởng Clemens theo đuổi - sáng tạo những chiếc túi hợp mốt, tiện dụng, giá cả bình dân và đại diện cho tinh thần bình đẳng giữa mọi tầng lớp, giới tính - không chỉ giúp thương hiệu của anh khẳng định được chỗ đứng riêng vững chắc mà còn thúc đẩy nỗ lực đổi mới từ hàng loạt doanh nghiệp cùng thời. Có hướng tiếp cận thú vị không kém là công ty túi xách Anybag, trụ sở tại bang New York (Mỹ).
Thấu hiểu sức ép lớn do ngành phụ kiện thời trang gây ra (thực trạng quá tải rác thải nhựa), nghệ nhân thuộc da Alex Dabagh - nhà sáng lập Anybag - lựa chọn một giải pháp độc đáo.
Sở hữu 1 xưởng sản xuất phụ kiện da thuộc, Dabagh từng thấy chán nản khi thường xuyên chứng kiến cảnh túi rác nhựa dùng 1 lần chất đống quanh khu dân cư nơi anh sống và làm việc. Tận dụng máy móc làm đồ da ngay trong nhà xưởng, anh mày mò sáng tạo quy trình tái chế túi rác chuyên biệt. “Tôi cắt nhỏ bao bì nhựa rồi buộc và tạo hình chúng thành dạng sợi dài, mảnh” - Dabagh cho biết. Lắp đặt số “vải vóc” này vào hệ thống khung dệt khổng lồ, sau cùng, anh tạo ra 1 dạng túi nhựa độc đáo.
Qua vài năm thử nghiệm và kinh doanh hiệu quả, anh không còn đơn thuần xem việc “tái sinh” rác thành túi xách, túi du lịch bền đẹp là nghề tay trái. Dabagh chia sẻ: “Tôi vận động tất cả người thân, bạn bè lẫn doanh nghiệp địa phương mình quen biết để thu thập bao bì nhựa từ họ. Nếu suy ngẫm kỹ hơn, bạn có thể phản ứng giống tôi, cảm thấy khó chịu trước thói quen vứt bừa bãi túi rác nơi công cộng của nhiều người. Đây là chất liệu vàng tôi muốn tận dụng hết khả năng. Lý do trên hết là vì để giữ gìn cảnh quan môi trường”.
Trước Anybag, một doanh nghiệp cũng ở quy mô gia đình đã lan tỏa rộng khắp dấu ấn bền vững theo cách thức gần gũi và sinh động. Baggu nổi danh nhờ những sản phẩm túi xách đa dụng rẻ tiền, tái sử dụng được nhiều lần, không có logo hào nhoáng bên ngoài. Ngược lại, sản phẩm của công ty đến từ bang California (Mỹ) khơi gợi hứng thú với nhiều người bởi màu sắc tươi sáng đặc trưng, lối thiết kế giản dị cùng nền tảng kinh doanh hướng về các giá trị tích cực.
Emily Sugihara - Giám đốc sáng lập thương hiệu - cho hay: “Cách đây 15 năm, Baggu chỉ là một dự án nhỏ tôi bắt tay làm với mẹ và người bạn thân. Hiện giờ, chúng tôi đã thu hút đông thành viên hơn hẳn”.
Nữ doanh nhân nhạy bén nhìn ra những hạn chế vẫn tồn tại ở ngành sản xuất túi xách. Cô lý giải: “Thứ nhất là về giá. Sản phẩm chất lượng tốt thường có giá thành khá đắt, khó tiếp cận đa dạng tầng lớp khách hàng. Thứ hai, ngày càng nhiều người trẻ đề cao nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ưa chuộng chất liệu xanh. Thế nhưng, nơi thị trường thời trang nói chung, tiêu chí bền vững hóa vẫn chưa được đẩy mạnh đúng cách”.
Baggu minh chứng cho nỗ lực dám đổi mới của Sugihara. Công ty cộng tác với chuỗi nhà xưởng uy tín ở châu Á, tuân thủ nghiêm túc các quy định về đạo đức - công bằng cho người lao động và sản xuất bền vững. Sugihara cũng như không ít doanh nhân chung chí hướng đang góp phần đem đến niềm vui thích nhẹ nhàng cho cộng đồng không chỉ từ những chiếc túi xách nhỏ xinh mà còn vì ý nghĩa tích cực phía sau.
Theo Phụ nữ TP.HCM
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.