Thứ sáu, 22/11/2024

Những con chip tý hon nhưng giá trị tỷ đô cho Việt Nam

11/09/2023 9:38 AM (GMT+7)

Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư mới của các công ty bán dẫn và chip (bộ vi xử lý) toàn cầu khi Mỹ đang liên tục có những động thái nhằm giảm mức độ rủi ro của ngành bán dẫn liên quan đến căng thẳng thương mại với Trung Quốc.

Amkor Technology Inc., công ty bán dẫn hàng đầu thế giới có trụ sở ở bang Arizona, đến nay đã đầu tư 1,6 tỷ USD vào nhà máy ở Bắc Ninh. Amkor chuẩn bị khai trương nhà máy hiện đại này cuối năm nay, với kế hoạch chạy thử nghiệm vào tháng 10 sau khi hoàn thành xây dựng trong tháng 9.

Với diện tích khoảng 23 ha tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C tại Bắc Ninh, đây sẽ là một trong những nhà máy lớn nhất của Amkor trên toàn cầu.

Những con chip tý hon nhưng giá trị tỷ đô cho Việt Nam - Ảnh 1.

Hình vẽ 3D của nhà máy Amkor Technology Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong II-C tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Amkor Technology Việt Nam.

Intel có nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD trong Khu Công Nghệ Cao TP.HCM (SHTP). Đây là nhà máy chip lớn nhất của Intel, chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu của tập đoàn. Intel có kế hoạch tăng vốn đầu tư ở Việt Nam nhưng chưa chính thức công bố vốn đầu tư mới trong khi các công ty bán dẫn đa quốc gia đang tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc lục địa và các công ty từ Đài Loan (Trung Quốc).

Việt Nam, trung tâm sản xuất toàn cầu mới, có những điểm mạnh cho các công ty đa quốc gia như chính trị ổn định, chi phí lao động thấp, nguồn nhân lực dồi dào và vị trí ở gần các chuỗi cung ứng công nghệ cao ở châu Á.

Hiện nay, Chính phủ Mỹ của Tổng thống Joe Biden chi 100 triệu USD mỗi năm trong 5 năm theo Đạo luật Khoa học và CHIPS để hỗ trợ các chuỗi cung ứng bán dẫn trên toàn cầu. Chương trình này bắt đầu vào tháng 8/2022.

Những con chip tý hon nhưng giá trị tỷ đô cho Việt Nam - Ảnh 2.

Các công ty đa quốc gia đang nhắm đến Việt Nam để đẩy mạnh sản xuất chip và bán dẫn.

Marvell, công ty bán dẫn lớn của Mỹ, vào tháng 5 công bố dự án thành lập một trung tâm thiết kế chip mang tầm thế giới tại TP.HCM. Theo Marvell, trung tâm sẽ là nơi nghiên cứu và phát triển các công nghệ chip tiên tiến nhất, và là nơi làm việc lý tưởng cho các kỹ sư Việt Nam, giúp họ trau dồi các kỹ năng chuyên môn và mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu nhân lực thiết kế chip, Marvell sẽ chú trọng đầu tư phát triển các kỹ năng công nghệ thiết yếu thông qua chương trình học bổng ưu tú Marvell Việt Nam. Chương trình sẽ hỗ trợ các sinh viên tài năng chuyên ngành kỹ thuật và khoa học máy tính tại các trường đại học Việt Nam.

Marvell cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức để thu hút nhân tài làm việc tại trung tâm thiết kế này nhằm góp phần phát triển các cơ hội việc làm, sự nghiệp và hệ sinh thái chip giá trị cao tại Việt Nam.

Hanmi Semiconductor, công ty sản xuất chip lớn của Hàn Quốc, cuối tháng 5 vừa qua công bố chính thức đưa Chi nhánh Hanmi Việt Nam có trụ sở tại TP. Bắc Ninh đi vào hoạt động. Giám đốc điều hành Hanmi Semiconductor, ông Kwak Dong-shin, nhấn mạnh cam kết của công ty trong việc cung cấp các dịch vụ phù hợp cho người tiêu dùng Việt Nam thông qua công ty con này và đội ngũ kỹ sư dịch vụ, bán hàng chuyên nghiệp.

"Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang nổi lên với vai trò trung tâm sản xuất của nhiều công ty bán dẫn, nên việc thâm nhập thị trường Việt Nam của Hanmi Semiconductor là rất đúng lúc", ông Kwak cho biết.

Đầu tháng 6/2023, Infineon Technologies AG (công ty chuyên về giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và Internet vạn vật – IoT lớn nhất nước Đức) thông báo mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, và thành lập đội ngũ phát triển chip làm việc tại Hà Nội. Infineon ra thông báo này nhân dịp Infineon khai trương văn phòng mới tại Hà Nội với quy mô lớn hơn: sức chứa lên đến 80 nhân viên, tập trung chủ yếu ở các bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) chip, bán hàng và tiếp thị.

Những con chip tý hon nhưng giá trị tỷ đô cho Việt Nam - Ảnh 3.

Infineon Technologies khai trương văn phòng mới tại Hà Nội ngày 31/5/2023.

Ông C.S. Chua, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Infineon Technologies châu Á - Thái Bình Dương cho biết với dân số 100 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang là thị trường trọng điểm và địa chỉ ưu tiên của các công ty đa quốc gia trong việc tìm kiếm nhân lực trong các ngành kỹ thuật.

Cũng trong tháng 6, SKC – một công ty con của SK Group là tập đoàn đa ngành lớn thứ hai của Hàn Quôc – đã ký thỏa thuận sơ bộ với TP. Hải Phòng để tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực vật liệu tiên tiến cho bán dẫn, pin và các lĩnh vực phát triển xanh khác. SKC cho biết có khả năng sẽ chọn Hải Phòng để mở rộng hoạt động sang ngành vật liệu công nghệ cao.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (Bank of Korea - BOK) ra cuối tháng 5 vừa qua nhấn mạnh: Việt Nam là một thị trường quan trọng cho các công ty bán dẫn của Hàn Quốc trong bối cảnh họ phải đối mặt với nhu cầu đang giảm ở Trung Quốc do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Báo cáo này có các đánh giá lạc quan về tiềm năng của thị trường Việt Nam, là nơi có lực lượng lao động dồi dào với mức lương còn thấp, và thuận lợi về vị trí địa lý nhờ ở gần thị trường Trung Quốc. Vì vậy, các công ty đa quốc gia, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc, chọn Việt Nam làm nơi đầu tư để đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong số các công ty bán dẫn Mỹ, Synopsys đang đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam.

Tháng 10/2022, Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), khánh thành Trung tâm thiết kế chip có tên SCDC trong chương trình hợp tác với Synopsys và ra mắt Phòng thiết kế vi mạch mang tên Chip Design Lab.

Trước đó, trong tháng 8/2022, Synopsys ký thỏa thuận hỗ trợ Ban Quản lý SHTP thành lập trung tâm này thông qua chương trình tài trợ phần mềm và hỗ trợ đào tạo tài năng thiết kế chip. Hợp tác giữa SHTP và Synopsys nhằm mục đích trau dồi tài năng thiết kế chip tiên tiến và tạo điều kiện phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Synopsys cho biết họ chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là cuộc chiến bán dẫn, trong đó Mỹ gắng kiềm chế sự phát triển của ngành chip và bán dẫn của Trung Quốc.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.