Phòng CSGT Đường bộ Đường sắt (PC08) Công an TP.HCM được phân công thực hiện nhiệm vụ tại 12 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ thành phố.
Đây là các chốt, trạm trọng điểm nằm trên các tuyến đường huyết mạch nối liền TP.HCM với các tỉnh lân cận bao gồm Tây Ninh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Làm tốt công tác kiểm soát dịch tại đây chính là làm tốt việc ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh từ bên ngoài đi vào thành phố và ngược lại.
Những người gác cổng thầm lặng
Kể từ ngày 12/5, ngay sau khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện trở lại TP.HCM, 12 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ được đưa vào hoạt động. Tại đây, các chiến sĩ CSGT được phân công túc trực 24/24, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát phương tiện, người lưu thông ra vào thành phố.
Ngoài ra, lực lượng trực chiến cũng phải đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và xử lý các trường hợp vi phạm an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt phòng chống dịch bệnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, kể từ khi thiết lập, các chốt kiểm soát này đã hoạt động hết công suất bất kể giờ nào. Các hoạt động được thực hiện theo từng giai đoạn đúng như yêu cầu của thành phố như: Kiểm soát phương tiện ra/vào, kiểm tra khai báo y tế, kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19, kiểm soát người dân di chuyển khỏi địa bàn cư trú, kiểm tra mã QR, QR di biến động dân cư…
Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ giữa cái nắng cực kỳ khó chịu của TP.HCM trong tháng 8, một chiến sĩ CSGT tại chốt cầu Vĩnh Bình (QL1A giáp tỉnh Bình Dương) cho biết, mỗi lần hoàn thành ca trực là như muốn khụy gối.
Trời đã nắng gắt, sức nóng từ đường nhựa bốc lên cộng với bộ đồ bảo hộ bít bùng khiến các anh chiến sĩ trực chốt lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Thế nhưng, ai cũng phải gồng mình để kiểm soát một cách nhanh chóng, giúp phương tiện kịp thời lưu thông, tránh ùn ứ...
Ngoài ra, với tính chất công việc phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều luồng phương tiện khác nhau, trong đó có rất nhiều phương tiện chở các ca F0 đi cách ly nên các chiến sĩ thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao. Để tránh rủi ro cho người thân, họ phải chọn cách ở lại đơn vị, hoặc nếu về nhà thì sẽ tự cách ly, không tiếp xúc gần.
"Mặc dù cứ 7 ngày chúng tôi xét nghiệm Covid-19 một lần để đảm bảo an toàn, tuy nhiên nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao nên không ai dám chủ quan. Để thực hiện nhiệm vụ, ai cũng phải gạt hết việc riêng, gia đình, vợ con tự chăm sóc… Nhiều người có con ốm, bố mẹ bệnh phải đi cấp cứu nhưng vẫn bấm bụng chịu đựng, tất cả mọi việc người thân tự xoay xở. Cũng nhiều khi nhớ và thèm lắm một bữa cơm gia đình, muốn được ôm và cưng nựng con… nhưng đều không được", một chiến sĩ trực chốt tại cổng KCN Sóng Thần (QL1A, giáp tỉnh Bình Dương) cho biết.
San sẻ yêu thương với người gặp khó
Ngoài việc đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát phương tiện và người điều khiển ra vào tại cửa ngõ thành phố, thời gian qua, lực lượng CSGT còn để lại những dấu ấn tốt đẹp bởi hành động sẻ chia, giúp đỡ người dân kịp thời trong cơn đại dịch.
Ngày 3/8, tại chốt kiểm soát tuyến quốc lộ 22, huyện Củ Chi (giáp ranh với tỉnh Tây Ninh), đại úy Huỳnh Quốc Đại - cán bộ Đội CSGT Tân Sơn Nhất và đại úy Nguyễn Hoài Phong - cán bộ Trạm CSGT Tây Bắc (PC08) đã linh động hỗ trợ, đưa 2 người phụ nữ cùng phương tiện từ TP.HCM về Tây Ninh. Đây là trường hợp trên đường đi chạy thận về nhà thì phương tiện hư hỏng.
23h đêm 7/8, tại chốt quốc lộ 22 + KCN Tân Phú Trung (hướng từ Tây Ninh về TP.HCM), đại úy Phạm Văn Sang và Lê Nguyễn Hoàng Sơn (PC08) đã giúp hai người lớn tuổi đi bộ trở về nhà sau khi chích ngừa vaccine.
Ngày 10/8, trong lúc làm nhiệm vụ tại vòng xoay Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh, TP.HCM), Đại úy Phan Thành Nghĩa (thuộc Trạm CSGT Tân Túc - PC08) cũng giúp đỡ một trường hợp bị nhồi máu cơ tim vào bệnh viện cấp cứu kịp thời...
Ngoài ra, các chiến sĩ CSGT cũng san sẻ với người khó khăn bằng những hành động gần gũi, thiết thực như nhường lại suất cơm của mình cho những người khó khăn.
Trong đó, có thể kể đến như Đại úy Phan Thành Nghĩa (thuộc trạm CSGT Tân Túc) nhường suất cơm tối cho một em nhỏ lang thang đi kiếm thức ăn ở đường Nguyễn Văn Linh - QL1A (Bình Chánh); Chiến sĩ CSGT tại chốt QL1K (giáp tỉnh Bình Dương) nhường hơn 10 phần cơm trưa cho người dân bị mắc kẹt lại giữa hai tỉnh vì lệnh cấm di chuyển khỏi nơi cư trú; Trung tá Đỗ Trung Hiếu - Phó Đội trưởng Đội CSGT Tân Sơn Nhất Đội CSGT Tân Sơn Nhất nhường suất cơm trưa cho hai cha con đã nhịn đói mấy ngày...
Trao đổi với phóng viên, anh Lê Thanh Hòa (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, anh thường xuyên đi qua các chốt kiểm soát cửa ngõ để giao hàng. Bất kể thời gian nào, dù mờ sáng hay giữa đêm khuya, các chiến sĩ vẫn thực hiện kiểm soát tại chốt nghiêm túc. Đồng thời, hướng dẫn, nhắc nhở người điều khiển phương tiện khi giấy tờ sắp tới hạn hoặc giữ an toàn...
"Ngoài lực lượng y tế, tôi thấy Công an Nhân dân, CSGT là lực lượng cực khổ nhất hiện nay. Ai cũng được khuyến cáo ở yên trong nhà để đảm bảo an toàn, nhưng họ lại phải dãi nắng dầm mưa, ngày đêm làm nhiệm vụ và đối diện với nguy hiểm", anh Hòa nói.
Lãnh đạo TP.HCM vừa hủy quyết định duyệt dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tức phương thức đối tác công tư, để chuyển sang đầu tư công.
Bà Nguyễn Thị Thơm, người đã có kinh nghiệm làm việc hơn 13 năm tại Tập đoàn 911, đã trở thành Chủ tịch HĐQT mới tại tập đoàn sau khi Chủ tịch HĐQT Lưu Đình Tuấn từ trần.
Từ ngày 1/1/2025, tất cả các ứng dụng ngân hàng không được có chức năng ghi nhớ mật khẩu đăng nhập tài khoản của người dùng, theo Thông tư 50 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Nhu cầu mua vé máy bay về quê đón Tết của người dân liên tục tăng khiến một số đường bay "vàng" từ TP.HCM đi các địa phương đang khan hiếm vé giá rẻ.
Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.