Do nhiều người đang vội tìm mua pháo hoa để chơi dịp Tết, trên các “chợ mạng”, pháo hoa được bán tràn lan với đủ mọi mức giá khác nhau. Chỉ cần gõ từ khóa “pháo hoa 2024”, người tiêu dùng dễ dàng tìm được các hội nhóm, bài đăng rao bán loại pháo hoa của Bộ Quốc phòng.
Trong một hội nhóm mang tên “Pháo hoa Z121”, có gần 60.000 thành viên, hàng loạt bài viết của cả người bán và người tìm mua được đăng tải mỗi ngày.
Một nhóm khác có tên “Hội Chơi Pháo Hoa Z121 Bộ Quốc Phòng” cũng có lượng thành viên lên tới 46.000 người, đăng tải hơn 10 bài viết mỗi ngày.
Ngoài ra, dân buôn pháo còn tìm cách chào hàng trên các nền tảng Tiktok, các hội nhóm Zalo, Telegram. Khách hàng rất dễ dàng tiếp cận được nguồn bán pháo nhưng với giá không hề rẻ.
Theo khảo sát, hiện có 3 loại pháo hoa được bán chủ yếu trên các trang mạng xã hội. Trong đó giàn phun hoa loại 25 và 36 ống có giá từ 350.000 - 500.000 đồng; giàn phun viên đặc biệt 25 ống có giá trên 400.000 đồng.
Trong khi đó, mức giá niêm yết của Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 với giàn phun hoa 25 ống là 330.000 đồng/giàn; giàn phun hoa loại 36 ống có giá 438.000 đồng/giàn; giàn phun viên 36 ống có giá 398.000 đồng/giàn; giàn phun viên đặc biệt 25 ống có giá 330.000 đồng/giàn; giàn phun viên 25 ống có giá 250.000 đồng/giàn.
Một người bán có tài khoản là Mạnh Dương đăng: “Giàn phun viên 36 có giá 460.000 đồng, phun viên đặc biệt là 350.000 đồng, phun hoa 36 có giá 650.000 đồng…”
Như vậy, chỉ tính riêng giàn phun hoa 36 ống đã có mức giá chênh hơn 200.000 đồng so với niêm yết. Không những thế, tài khoản này nhấn mạnh “mua lẻ như giá sỉ, mọi người mua hàng sớm để giá được tốt nhất”.
Nhiều tiểu thương lấy lý do “xả hàng” để đăng tải nhiều loại pháo với giá rẻ bất ngờ, chỉ từ 100.000 đồng/giàn. Dù không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng với mức giá hấp dẫn, bài đăng vẫn thu hút nhiều người tiêu dùng hỏi mua.
Tưởng chừng chỉ loạn giá trên “chợ mạng”, nhưng khi tiếp cận một số cửa hàng được nhà máy Z121 ủy quyền trên địa bàn Hà Nội, phóng viên ghi nhận lượng khách hàng tăng, giá pháo cũng có sự chênh lệch so với bảng giá niêm yết.
Tại cửa hàng pháo hoa ở quận Cầu Giấy, giàn phun viên (loại đặc biệt) có giá 350.000 đồng/giàn. Hai loại giàn phun hoa (loại đặc biệt 2023 D16x25) và giàn phun viên nhấp nháy đồng giá 450.000 đồng/giàn. Khi được hỏi có đúng giá niêm yết không, chủ cửa hàng cho biết “bán giá cửa hàng”.
Người bán cho biết: “Bán lẻ thôi, chẳng còn hàng mấy đâu. Sáng giờ bán được 16 giàn. Bọn anh không giảm giá được, có nhiều hàng để bán đâu mà giảm. Còn có vài giàn để ở đây bán thôi”, chủ cửa hàng chia sẻ.
Di chuyển đến một cửa hàng khác trên đường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), giá các loại pháo hoa tại đây lại được bán với mức giá cao hơn nhiều so với niêm yết. Theo đó, giàn phun viên loại đặc biệt 2023 D16x25 có giá 500.000 đồng/giàn, chênh 150.000 đồng. Hai loại giàn phun viên (25 ống) và giàn phun hoa được bán đúng với giá niêm yết.
Tương tự, chủ cửa hàng pháo hoa số 38 (Hà Nội) cũng nhấn mạnh chỉ giảm 50.000 đồng/giàn cho khách sỉ mua giàn phun hoa đặc biệt 2023 vì không còn hàng, phải nhập ngoài để bán. “Giờ bọn em có mua cả thùng anh cũng chẳng còn”, người bán nói thêm.
Từ “chợ mạng” cho tới các cửa hàng được Z121 ủy quyền đều “nổ” loạn giá pháo hoa, khiến người mua như rơi vào ma trận không lối thoát. Dù đã nắm được giá niêm yết, nhiều người tiêu dùng vẫn gặp không ít khó khăn khi tìm mua pháo tại thời điểm này.
Anh Lê Huy Dũng (23 tuổi, Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi tìm mua pháo ở cửa hàng uy tín nhưng họ vẫn bán chênh giá. Ít thì vài chục, nhiều thì vài trăm nghìn trên một giàn. Thậm chí ngỏ ý mua nhiều họ còn cố ý tăng giá, nói hàng hiếm để ép khách. Trong khi đó lên mạng xã hội mua pháo rất dễ thì lại không đảm bảo về chất lượng hay nguồn gốc”.
Nhiều cửa hàng “tuồn pháo” số lượng lớn, giấy tờ thoải mái
Trong vai một người đang kinh doanh, phóng viên tìm đến một số cửa hàng có tên trong danh sách điểm bán pháo được công khai trên mạng. Tại cửa hàng pháo hoa Z121 tại đường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khi phóng viên đề cập đến việc mua số lượng lớn, chủ cửa hàng chủ cửa hàng lập tức giới thiệu một số loại pháo thịnh hành, đồng thời báo mức giá chiết khấu đối với khách sỉ.
“Nếu như em lấy thì anh sẽ giảm cho 50.000 đồng/giàn. Anh không thể giảm thêm vì thực sự không còn hàng. Đến bọn anh cũng phải nhập hàng từ bên ngoài về bán”, chủ cửa hàng chia sẻ.
Biết việc bán pháo hoa Bộ Quốc phòng số lượng lớn cho các đầu mối kinh doanh là trái quy định, tuy nhiên, các cửa hàng kinh doanh pháo hoa Z121 vẫn dùng nhiều chiêu trò nhằm lách luật, tránh né sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Tại cửa hàng pháo hoa khác, chủ cửa hàng cho biết sẽ cung cấp đủ hóa đơn trống cho khách mua sỉ. Theo quy định, mỗi người dân khi mua pháo hoa sẽ kèm theo hóa đơn đóng dấu đỏ. Thông tin trên hóa đơn bao gồm số điện thoại và căn cước công dân.
Theo lời chủ cửa hàng, người mua cứ việc báo số lượng pháo sẽ được phát số hóa đơn tương ứng. Dân buôn đem về bán lẻ thì tự điền thông tin khách vào. Cách "lách luật" này giúp nhiều khách hàng sở hữu giàn pháo tận tay, vẫn có hóa đơn đỏ trình ra công an mà không cần trực tiếp đi mua pháo.
Tại một ki ốt kinh doanh các loại cây cảnh đá phong thủy trên đường Hoàng Hoa Thám, các loại pháo hoa được trưng bày trên bàn gỗ, đặt ngay trước cửa. Chủ cửa hàng cho biết chỉ còn 10 giàn phun viên đặc biệt (loại năm 2023), nếu lấy tất cả sẽ giảm 200.000 đồng/10 giàn.
“Em chia sẻ cho mỗi người một giàn thì ghi mỗi người một tờ hóa đơn. Anh ở trong thành phố Hồ Chí Minh có tận 2 cái đại lý. Công an hỏi thì em điền vào, còn không thì chả phải điền. Ngày xưa mới nên người ta bắt điền, còn ở Hà Nội thì không cần, bày đầy đường ấy mà”, chủ cửa hàng trình bày.
Trong khi đó, tại cửa hàng số 29 (229 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội), nhân viên tại đây khẳng định việc người dân mua đi bán lại pháo hoa Z121 là trái phép. “Nếu muốn mua hộ, người mua phải có đủ thông tin gồm số điện thoại, căn cước và điền trực tiếp tại cửa hàng. Như vậy chúng tôi mới bán”, nhân viên cửa hàng nói.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.