Hầu hết các ngân hàng tư nhân tại Việt Nam hiện nay vẫn do những doanh nhân thế hệ F1, những người sáng lập ra công ty điều hành, quản lý. Tuy nhiên, một số nhà băng cũng đã bắt đầu thực hiện chuyển giao quyền lực cho con cái, hay còn gọi là thế hệ F2. Có người dù trẻ tuổi nhưng đã đảm nhiệm tốt “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT.
Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT ACB
Trong lớp thế hệ F2 doanh nhân ngân hàng, ông Trần Hùng Huy (sinh năm 1978) – Chủ tịch HĐQT ACB luôn thu hút sự chú ý lớn từ dư luận. Đây cũng là vị chủ tịch ngân hàng duy nhất công khai tài khoản Facebook, thường xuyên cập nhật và chia sẻ cuộc sống trên trang cá nhân.
Cho đến thời điểm này, ông Trần Hùng Huy vẫn là người đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng vào độ tuổi trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Ông Trần Hùng Huy sinh ra trong gia đình có truyền thống làm ngân hàng với ông Trần Mộng Hùng, cha của ông Huy, là người sáng lập ACB, và mẹ của ông Huy là bà Đặng Thị Thu Thuỷ vẫn đang là thành viên HĐQT ngân hàng.
Vừa qua, ông Hùng Huy gây sốt mạng xã hội với màn biểu diễn đàn, hát, nhảy trong tiệc kỷ niệm 30 năm thành lập ACB. Theo thống kê của YouNet SocialTrend, màn trình diễn của Chủ tịch ACB đứng thứ 1 trong bảng xếp hạng chủ đề âm nhạc hot nhất trên mạng xã hội trong 24 giờ trước (tính tới 13h ngày 6/6/2023).
Không chỉ có ngoại hình điển trai và học vấn “khủng”, ông Trần Hùng Huy còn là một trong 40 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ước tính số cổ phiếu ACB do Chủ tịch Trần Hùng Huy nắm giữ hiện có giá trị hơn 2.900 tỷ đồng.
Dương Nhất Nguyên – Chủ tịch HĐQT Vietbank
Bên cạnh ông Hùng Huy, một doanh nhân thế hệ F2 khác cũng đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng là ông Dương Nhất Nguyên (sinh năm 1983), hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank – VBB). Ông được bầu vào vị trí này hồi cuối tháng 4/2021.
Được biết, ông Dương Nhất Nguyên là cử nhân trường Greenwich University (Anh), có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Devry (Mỹ).
Ông Nguyên bắt đầu vào Ban Điều hành Vietbank từ tháng 1/2013 với vị trí Phó Tổng giám đốc. Từ năm 2013 đến nay, ông đã kinh qua nhiều chức vụ lớn khác tại Vietbank như: Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Ông Dương Nhất Nguyên cũng sinh ra trong gia đình truyền thống làm ngân hàng, là con trai của nguyên Chủ tịch HĐQT Vietbank Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.
Ông Dương Nhất Nguyên từng là cử nhân ngành Dược và bắt đầu làm việc tại Dược phẩm Hoa Lâm trước khi chuyển sang ngành ngân hàng. Trước khi về VietBank, ông Nguyên từng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Giám đốc đầu tư Công ty CP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm; Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Lâm.
Vietbank hiện là một trong những ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ trong hệ thống với vốn điều lệ hơn 4.700 tỷ đồng, tổng tài sản gần 107 nghìn tỷ.
Đỗ Quang Vinh – Phó Chủ tịch HĐQT SHB
Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, là con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) - người đặt nền móng xây dựng SHB và đang là chủ tịch ngân hàng. Đỗ Quang vinh học ngành tài chính ngân hàng tại đại học Middlesex (Anh) và có nhiều năm làm trong doanh nghiệp, ngân hàng ở nước ngoài trước khi trở về Việt Nam năm 2019.
Năm 2021, Đỗ Quang Vinh trở thành Phó Tổng Giám đốc trẻ tuổi nhất SHB. Con trai bầu Hiển cũng đảm nhiệm vị trí quan trọng Giám đốc Khối Ngân hàng số, với kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá cho SHB trong thời đại công nghệ 4.0.
Năm 2022, Đỗ Quang Vinh được bầu vào HĐQT và tháng 4/2023 vừa qua được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT.
"Thiếu gia" nhà bầu Hiển được biết đến là một người tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Anh từng quyết định tự đi du học Singapore từ năm 15 tuổi. Trong thời gian học tập tại nước ngoài, Vinh cũng đi làm thêm trong nhà hàng, làm phục vụ bàn với thù lao 60 USD mỗi buổi.
Sau khi tốt nghiệp đại học ở Singapore, Đỗ Quang Vinh về SHB làm việc với vị trí chuyên viên kiểm toán nội bộ rồi luân chuyển qua nhiều phòng ban tại đây trước khi sang Anh học tiếp thạc sỹ. Tốt nghiệp Thạc sỹ, Vinh làm việc tại một ngân hàng lớn của nước ngoài. Sau đó, anh sang Mỹ và bắt đầu với lĩnh vực bất động sản, thủy sản, đảm nhiệm vị trí CEO T&T chi nhánh Mỹ.
Trên trang cá nhân facebook, hình ảnh của Đồ Quang Vinh có phần chỉn chu theo phong cách doanh nhân. Anh cũng thường đăng tải hình ảnh du lịch, những khoảnh khắc đời thường bên cạnh bố mẹ, em trai và hai thiên thần sinh đôi một trai, một gái của mình.
Một điểm nhấn lớn trong sự nghiệp của Đỗ Quang Vinh là vai trò lãnh đạo tại SHB Finance - Công ty con của SHB hoạt động lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Năm 2021, SHB đã khiến thị trường tài chính "dậy sóng" khi ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri). Giá trị thương vụ được phía Krungsri tiết lộ lên tới gần 156 triệu USD, tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng. Sau 2 năm, lộ trình chuyển nhượng này đang ở những bước cuối cùng.
Dù nắm giữ vị trí cao tại ngân hàng, Đỗ Quang Vinh lại không sở hữu nhiều cổ phiếu SHB như người em trai Đỗ Vinh Quang. Hiện Đỗ Quang Vinh chỉ sở hữu 736.000 cổ phiếu SHB và 7,5 triệu cổ phiếu SHS, giá trị tổng cộng hơn 100 tỷ đồng.
Lê Thu Thủy – Phó Chủ tịch HĐQT SeABank
Con gái của nhiều đại gia ngân hàng Việt cũng được giao trọng trách kế tiếp sự nghiệp kinh doanh ngân hàng. Trong đó, nhắc đến ái nữ của đại gia ngân hàng không thể không nhắc đến Lê Thu Thủy (sinh năm 1983)– con gái của doanh nhân Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG và Phó Chủ tịch thường trực SeABank).
Được biết, bà Lê Thu Thủy làm Ủy viên thường trực HĐQT SeABank từ năm 2009, lúc mới chỉ 26 tuổi. Hai năm sau, bà nắm chức quyền Tổng giám đốc SeABank rồi lại rời cương vị này năm 2013, giữ cương vị Phó Tổng giám đốc rồi trở lại làm Tổng giám đốc SeABank từ năm 2018.
Con gái của Madam Nga là một doanh nhân nữ tài giỏi, nhận được nhiều giải thưởng từ trong nước đến quốc tế. Lê Thu Thủy từng là Doanh nhân nữ tiêu biểu ASEAN (trao bởi Mảng lưới doanh nhân ASEAN), Nhà lãnh đạo ngân hàng trẻ triển vọng Việt Nam (trao bởi The Asian Banker), Nữ lãnh đạo ngân hàng trẻ xuất sắc (trao bởi International Finance Magazine), Chiến sỹ thi đua ngành ngân hàng (trao bởi Ngân hàng Nhà nước)...
Tháng 7/2022, Lê Thu Thủy thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc sau nhiệm kỳ 5 năm và tiếp tục tham gia công tác quản trị ngân hàng với vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Bà Lê Thu Thủy tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh và cử nhân Tài chính ngân hàng tại Đại học George Mason, Mỹ. Trước khi về Việt Nam, bà có thời gian làm việc ở ngân hàng nước ngoài và lấy chồng người Mỹ. Bà từng chia sẻ rằng lúc đầu, việc trở về làm việc tại SeABank "thuần túy là bởi vì gia đình tôi mong muốn như vậy", tuy nhiên tại đây, sau rất nhiều trải nghiệm, bà đã khám phá ra được khát vọng bản thân.
Về khối tài sản trên sàn chứng khoán, bà Thủy hiện sở hữu hơn 48 triệu cổ phiếu SSB của SeABank, giá trị ước tính hơn 1.500 tỷ đồng.
Trịnh Thị Mai Anh – Thành viên HĐQT OCB
Ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB có 4 người con gái. Trong đó, Trịnh Thị Mai Anh (sinh năm 1992) đang là thành viên HĐQT của ngân hàng này. Mai Anh là nữ thành viên duy nhất trong HĐQT của OCB, cũng là 9x duy nhất được tham gia vào HĐQT của một ngân hàng Việt hiện nay.
Trịnh Thị Mai Anh cũng sở hữu profile ấn tượng, dù trẻ tuổi nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng trong và ngoài nước.
Được biết, con gái Chủ tịch OCB tốt nghiệp Cử nhân Khoa Khoa học – London School of Economics and Political Science (Vương quốc Anh). Mai Anh có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Ngân hàng HSBC London, Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam, Tập đoàn VinaCapital, Tập đoàn Temasek Singapore. Tháng 6/2020, Mai Anh được bầu làm thành viên HĐQT OCB nhiệm kỳ 2020-2025.
Hiện Mai Anh sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu OCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,94%. Số cổ phiếu này có giá trị ước tính hơn 750 tỷ đồng.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cột mốc 100.000 USD/1 Bitcoin đã đến rất gần vì giá loại tiền điện tử này tăng vô cùng chóng mặt thời gian gần đây trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn Mỹ trở thành trung tâm tiền số của thế giới.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.