Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 vừa được UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM hôm 19-5 xác định 12 khu vực trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất mà TP có thể phát triển.
“Địa chất của TP.HCM chủ yếu hình thành từ nền phù sa cổ có cấu tạo đất sét, sỏi, cát và cuội. Đất có độ nén cao phù hợp cho việc chịu tải nhưng không quá cứng cho việc khai quật, cấu thành phù hợp cho việc phát triển không gian ngầm, phù hợp nhất tại vùng trung tâm với cấu tạo nền đất cổ” - đồ án nói về tiềm năng phát triển không gian ngầm ở TP.HCM.
Theo đó, đồ án đề xuất chia TP.HCM thành 4 khu vực trọng điểm cần nghiên cứu phát triển không gian ngầm gồm: Trung tâm TP hiện hữu (930 ha), trung tâm Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), trung tâm Chợ Lớn – Phú Thọ (khu quận 5 – 10) và trung tâm Hòa Hưng – Cộng Hòa (ga Hòa Hưng quận 3 và khu Cộng Hòa quận Tân Bình).
Không gian ngầm ở 4 khu vực trọng điểm này có tổng cộng 23 khu vực phát triển không gian ngầm gồm 12 không gian ngầm thương mại, 7 không gian ngầm nhà ga và 4 không gian ngầm đặc thù.
Ngoài 23 không gian ngầm ở 4 khu trọng điểm, TP có thể nghiên cứu thêm 3 không gian ngầm bên ngoài là hầm tích hợp mở rộng cầu Phú Mỹ (quận 7), khu vực nhà ga Trường Chinh – Âu Cơ (quận Tân Bình), khu vực nhà ga công viên Gia Định (quận Gò Vấp).
Cụ thể, với riêng khu vực trung tâm TP.HCM hiện hữu có tổng cộng 8 khu vực phát triển không gian ngầm: 5 không gian ngầm thương mại (khu vực đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ, công viên Lê Văn Tám, công viên 23/9, khu ga Ba Son của Metro 1, ga Tân Cảng và khu dân cư), 3 không gian ngầm đặc thù (bến Bạch Đằng và đường Tôn Đức Thắng, ga Bến Thành và Đường Hàm Nghi, cảng Sài Gòn ).
Trung tâm Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) có 2 không gian ngầm thương mại và 2 khu vực ngầm đặc thù. Trung tâm Chợ Lớn – Phú Thọ có 3 khu ngầm thương mại (trung tâm phức hợp thể thao Phú Thọ, khu vực Đường Lê Hồng Phong – Hùng Vương, khu vực đại học đường Nguyễn Văn Cừ), 1 không gian ngầm nhà ga là nhà ga Chợ Lớn gần công viên Văn Lang, 1 không gian ngầm đặc thù là khu y tế tập trung Chợ Lớn.
Trung tâm Hòa Hưng – Cộng Hòa có 2 khu ngầm thương mại là khu vực đô thị C30 (gần Đại học Bách Khoa) và khu vực đường Tô Hiến Thành, 3 khu ngầm nhà ga là nhà ga Hòa Hưng, nhà ga Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa và một khu ngầm đặc thù là khu kết nối sân bay Tân Sơn Nhất.
Đồ án nêu không gian ngầm thương mại là không gian tạo liên kết trực tiếp dành cho người đi bộ, giảm sự ảnh hưởng của phương tiện cơ giới, tăng lưu lượng người qua lại nhằm phát triển thương mại cho các doanh nghiệp trong khu vực.
“Không gian này cần được định hướng quy mô và chi tiết chức năng bởi cơ quan quản lý các chức năng đô thị với sự góp ý, hợp tác tham gia của các doanh nghiệp và các bên có thể đấu nối vào không gian ngầm” - đồ án nêu về không gian ngầm thương mại.
Thường các không gian trung tâm thương mại ngầm này sẽ có cửa hàng (kiosk), lối đi ngầm và không gian công cộng, khu thương mại…
Đồ án cũng nêu ví dụ minh họa không gian trung tâm thương mại ngầm ở Marina Link bay mall (Singapore) là khu phức hợp thương mại với khoảng 16.600 m 2 sàn thương mại cho thuê liên kết 2 ga metro và 3 line MRT (hệ thống tàu điện ngầm). Đồng thời nó cũng liên kết với các trung tâm văn hóa , dịch vụ của thành phố.
“Mạng lưới đường dành cho người đi bộ dưới lòng đất với 32 km trải dài với diện tích 1,77 km 2 tại TP Montreal (Canada) liên kết các loại hình dịch vụ đô thị của thành phố. Các trung tâm thương mại ngầm thành công ở đây không chỉ đón lượt khách ghé thăm mà còn tận dụng lưu lượng khách đi lại bằng phương tiện công cộng” - đồ án nêu ví dụ mà TP.HCM cần tham khảo khi phát triển không gian ngầm thương mại của mình.
Khu vực trung tâm thành phố 930 ha và khu vực Thủ Thiêm được xác định là trung tâm của TP.HCM với nhu cầu xây dựng rất cao và ngày càng tăng, tỉ lệ thuận với sự gia tăng giá trị sử dụng đất và sự khan hiếm diện tích mặt đất để bố trí xây dựng công trình.
“Khu vực này cần được đẩy mạnh kết nối giữa các không gian ngầm tư nhân và không gian ngầm công cộng như kết nối giữa các công trình cao ốc thương mại và các tuyến đường đi bộ ngầm, các ga tàu giao thông công cộng” - đồ án phân tích.
Sở QH&KT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM để báo cáo Bộ Xây dựng về quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm trên địa bàn. Theo đó, Sở QH&KT TP đề xuất nhà của hộ gia đình, cá nhân được xây dựng tối đa một tầng hầm nhưng không dùng làm phòng ở.
Sở QH&KT TP cũng cho biết ngoài nhu cầu xây dựng tầng hầm tại các khu trung tâm thương mại, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật... người dân trên địa bàn có nhu cầu xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ có tầng hầm là rất lớn, đặc biệt các quận trung tâm thành phố. Từ 2004 đến quý I năm nay, TP đã cấp giấy phép 1.600 công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ có tầng hầm.
Theo plo.vn
Bamboo Airways sẽ khai thác trở lại đường bay thường lệ tới Bangkok. Đây là động thái đầu tiên của hãng này sau một năm dừng bay thường lệ quốc tế, để tập trung tái cơ cấu.
Bộ Công an khởi tố, bắt giam ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM và 1 trưởng ban điều hành Dự án 4 thuộc ban này.
"Phố Nhật Bản" giữa lòng TP.HCM - đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1 sẽ được cải tạo, chuyển thành phố đi bộ trong thời gian 19h-23h, tương tự như đường Nguyễn Huệ.
UBND TP.HCM vừa chốt thời gian để các đơn vị hoàn thiện thẩm định bảng giá đất trên địa bàn. Theo đó, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị trình bảng giá đất trước 14h ngày 16/10.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM băn khoăn TP chưa thể đăng cai SEA Games, chưa được lựa chọn là nơi tổ chức các sự kiện của khu vực, châu lục và thế giới; các thiết chế văn hóa - thể thao của thành phố chưa được đầu tư, phát triển ngang tầm với kinh tế.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của siêu bão số 3 (Yagi) nhưng chỉ số doanh thu bán lẻ, du lịch của nhiều tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng đáng kể.