Kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4, theo báo cáo du lịch của tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc đã đón 112.635 lượt khách, giảm 11,5 % so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số gây bất ngờ bởi trước đó, Phú Quốc luôn nằm trong danh sách những điểm đến thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của nhiều khách hàng, một trong những nguyên nhân khiến Phú Quốc vắng khách là vì giá cả "trên trời". Trên một nhóm cộng đồng về du lịch, anh K.B.B (ngụ TP.HCM) đã chia sẻ hóa đơn của mình tại nhà hàng thuộc Bãi Sao, Phú Quốc có giá 3,6 triệu đồng. Các món ăn bao gồm bún, cá nhám, cơm trắng, gà, kèm dừa tươi và khăn lạnh. Đáng chú ý, gà được bán với giá 600.000 đồng/kg. Nhóm anh đã dùng 2,6kg gà thành tiền hơn 1,5 triệu đồng.
Trước tình huống này, anh B. chỉ biết cảm thán: "Chắc ăn phải "con gà vàng". Hóa đơn này từ 2019, tức cách đây 4 năm. Phú Quốc như ngày hôm nay cũng có lý do".
Anh Lâm Ngọc Hải (SN 1995, ngụ TP.HCM) cho biết, ngay từ lần đầu tiên đến Phú Quốc, anh đã cảm nhận đảo ngọc không dành cho du lịch giá rẻ. Phần ăn sáng tại khu vực trung tâm thành phố có giá 50.000-80.000 đồng, bằng giá tại TPHCM. Đặc biệt, thức ăn tại hòn Móng Tay, hòn Mây Rút rất đắt đỏ, quả dừa khoảng 80.000 đồng.
"Mình không thể nói họ chặt chém vì giá đã niêm yết, sử dụng hay không tùy khách hàng. Tuy nhiên, theo mình cảm nhận, cả khách sạn và thức ăn tại Phú Quốc đều rất đắt", anh chia sẻ trải nghiệm.
Chàng trai này cũng cho biết, một chuyến đi 3 ngày 2 đêm ở Phú Quý chỉ khoảng 3-4 triệu đồng, Lý Sơn 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, riêng Phú Quốc phải dành khoảng 6-8 triệu đồng, với điều kiện phải săn được vé máy bay giá rẻ. Theo anh, mỗi hòn đảo đều có vẻ đẹp riêng nhưng giá cả cũng đóng vai trò quyết định.
Trước luồng ý kiến về giá cả tại Phú Quốc, một số chủ nhà hàng, quán ăn đã lên tiếng. Họ cho rằng giá cả đắt đỏ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vận chuyển, thời giá và những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải sau dịch Covid-19.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Tuyết Thu, chủ một nhà hàng tại Hàm Ninh, Phú Quốc cho biết, giá cả cao nhưng có niêm yết rõ ràng, khách du lịch là những người rất thông minh và có sự lựa chọn riêng của họ.
Vừa qua, do quá "tức mình" trước phản ánh Phú Quốc đắt đỏ, chị đã tự mình kiểm tra, so sánh giá. Chị Thu dò trên google map và tìm ngẫu nhiên nhà hàng hải sản tươi sống tại Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu. Theo kết quả nhận được, giá cá mú, ốc hương, ốc nhảy, ghẹ, cua… tại Phú Quốc không chênh lệch nhiều với nơi khác.
Chị cho biết, những thông tin, bài viết Phú Quốc đắt đỏ đã khiến các nhà hàng "ế càng thêm ế". Sau hai năm dịch Covid-19, hạ tầng cơ sở xuống cấp phải sửa sang, đầu tư lại. Khi khách quốc tế chưa đến, nhà hàng phải "gồng mình" chịu lỗ 200-300 triệu/tháng.
"Khoảng 5 năm trước, ghẹ Phú Quốc đầu vào chỉ khoảng 120.000-150.000 đồng/kg, bán ra 300.000-350.000 đồng/kg đã có lời. Hiện tại, giá ghẹ nhập vào đã 450.000-500.000 đồng/kg, nhà hàng buộc phải bán 800.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí nhân viên, điện nước, mặt bằng đã rơi vào khoảng 12-15 triệu đồng/ngày. Đáng buồn, khách không so sánh giá các nhà hàng hải sản tươi sống với nhau mà lại đi so với vựa hải sản", chị nói.
Chủ nhà hàng ở Phú Quốc cho rằng kinh doanh hải sản tươi sống như ghẹ, tôm tích, tôm sú… rất rủi ro, do hao hụt và hải sản chết. Vì thế, hải sản tại Phú Quốc không thể nhập từ đất liền.
Theo chị, để phát triển du lịch, khách tin tưởng đến nhà hàng nhiều lần, cơ sở phải trung thực về giá cả. Người này ăn ngon chia sẻ người khác đến, nếu chặt chém họ sẽ "một đi không trở lại".
Anh Hồng Tấn (SN 1994) thuộc một công ty du lịch cho biết, mức giá tour tại Phú Quốc luôn cao hơn Nha Trang. Đơn vị anh chuyên tour cho khách Trung Quốc, gói tour Phú Quốc bao giờ cũng khó bán hơn các thành phố khác, vì giá cả là một trong những yếu tố quan trọng nhất.
Bản thân là người đã sống ở Phú Quốc 4 năm, anh cho biết sự đắt đỏ của Phú Quốc có thể do khu vực biển đảo vận chuyển khó khăn, chi phí bị đội lên. Anh cũng đã từng ăn ở một quán ăn trên hòn Móng Tay giá gấp đôi khu vực trung tâm đảo, đĩa cơm chiên hải sản có giá 250.000 đồng.
Tuy nhiên, Phú Quốc vẫn có những khu chợ dân sinh, các quán ăn bình dân xa trung tâm một chút, có giá 30.000-35.000 đồng/phần. Theo anh, ngoại trừ vé máy bay, các dịch vụ khác về ăn uống, lưu trú… tại đảo ngọc đều có thể kiểm soát giá cả, tùy theo nhu cầu chi tiêu của khách.
Theo Dân trí
Quý 3 vừa qua, giá căn hộ chung cư mở bán mới tại TP.HCM trung bình giảm 12% xuống còn 68 triệu đồng/m2.
Một số hãng xe Trung Quốc cho thấy sự quyết tâm và nghiêm túc trong việc chinh phục thị trường Việt bằng các hành động xây dựng nhà máy, mở rộng đại lý phân phối sản phẩm và các linh kiện, phụ tùng.
Với thiết kế nhẹ nhàng, đa năng và thanh lịch, cardigan mỏng không chỉ giúp bạn giữ ấm mà còn nâng tầm phong cách của bạn lên một cấp độ mới.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) tiếp tục khuyến cáo người dân sử dụng camera giám sát đảm bảo quy chuẩn Việt Nam để được đảm bảo an toàn thông tin.
Huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang trở thành đảo xanh trong mắt du khách. Với mô hình “Xách giỏ đi chợ thay túi ni lông”, người dân nơi đây đang chung tay làm kinh tế tuần hoàn, môi trường xanh giúp ngành “kinh tế không khói” nơi đây phát triển.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công đề xuất, Chính phủ có chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể, hiệu quả thông qua voucher mua sắm. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đề xuất, phát hành trái phiếu để huy động vốn trong dân làm đường sắt cao tốc.