Theo Tờ trình Chính phủ trình Quốc hội về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Chính phủ cho rằng việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là rất cần thiết. Bởi theo Chiến lược phát triển Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, thì các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ lực, điều tiết thị trường, tham gia cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Quy mô vốn điều lệ của Agribank hiện nay là 34.328 tỷ đồng. Con số này thấp rất nhiều so với 3 ngân hàng thương mại Nhà nước còn lại và nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần. Do vậy, cần tăng vốn điều lệ cho Agribank, để tăng vai trò chủ lực, đặc biệt là ngân hàng này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, theo Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư số 41 của NHNN, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%. Nhưng tại thời điểm 31/12/2021, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank mới đạt mức 7%.
Cùng với đó, việc đầu tư bổ sung vốn sẽ giúp Agribank cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm, mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư khi thực hiện cổ phần hóa...
Về căn cứ pháp lý, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Agribank thuộc đối tượng, phạm vi được đầu tư bổ sung vốn điều lệ, vì đây là doanh nghiệp 100 % vốn Nhà nước. Ngân hàng hoạt động đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, gắn với hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề xuất Agribank được đầu tư bổ sung vốn điều lệ với số tiền 17.100 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2023, lớn hơn mức vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên của dự án quan trọng quốc gia, theo quy định tại Luật Đầu tư công.
Về thực trạng vốn tự có và nhu cầu vốn tự có của Agribank, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, vốn tự có của Agribank tại thời điểm 31/12/2021 đạt 101.081 tỷ đồng.
Vốn tự có của Agribank xác định dự kiến sẽ giảm trong giai đoạn 2021-2023 là 11.580 tỷ đồng, chủ yếu do giảm giá trị trái phiếu tính vào vốn tự có cấp hai.
Với mục tiêu đưa tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu lên mức trên 8% theo quy định, Agribank đã xác định nhu cầu vốn tự có đến 31/12/2023 là 136.300 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm 31/12/2021, vốn tự có của Agribank còn thiếu 46.798 tỷ đồng.
Đến 31/12/2023, Agribank dự kiến bổ sung một số vốn tự có, một phần bằng nguồn trích lập các quỹ theo chế độ tài chính hiện hành; thu lãi trái phiếu đặc biệt của Chính phủ, trích lập dự phòng chung và phát hành trái phiếu tăng vốn cấp hai… tổng cộng khoảng 29.700 tỷ đồng.
Như vậy, số thiếu hụt còn lại khoảng 17.100 tỷ đồng, Agribank đề xuất được ngân sách cấp bổ sung. Và số tiền này tương đương với số lợi nhuận còn lại sau khi đã trích lập các quỹ của Agribank dự kiến nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2023.
Về nguồn cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội sử dụng các nguồn vốn gồm từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70 ngày 11/11/2022, là 6.753 tỷ đồng.
Phần còn lại là 10.347 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.
Thống đốc cho biết, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ không ảnh hưởng đến cân đối thu, chi ngân sách năm 2023. Do số tiền 6.753 tỷ đồng đã được cân đối, và đã được Quốc hội thông qua.
Đối với phần hơn 10.300 tỷ đồng còn lại, Chính phủ cũng đã dự kiến chi. Tuy nhiên, Agribank dự kiến số lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2023 là 19.057 tỷ đồng, lớn hơn đề xuất cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, nên đề xuất này là khả thi.
Agribank đang là ngân hàng có mạng lưới rộng lớn nhất hệ thống, với 171 chi nhánh loại I và 768 chi nhánh loại II cùng 1.285 phòng giao dịch trên cả nước. Năm 2022, Agribank đạt lợi nhuận trước thuế 22.087 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17.680 tỷ đồng, tăng mạnh 51% so với năm 2021.
Đến cuối tháng 12/2022, ngân hàng này có 39.591 lao động, thu nhập bình quân mỗi tháng của cán bộ nhân viên là 29,14 triệu đồng/người.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.