Có lẽ với những nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, ngưỡng 1.200 điểm chắc hẳn vẫn mang nhiều nỗi niềm. Trước giai đoạn bùng nổ 2020-2022 (nửa đầu năm 2022) của thị trường chứng khoán Việt Nam, 1.200 điểm gần như được xem là “vùng thánh địa”, khi trong hơn 1 thập kỷ, VN-Index vẫn không vượt được mức này.
Nhìn lại biểu đồ giá của VN-Index, kể từ khi chạm vùng 1.200 điểm vào năm 2007, chỉ số VN-Index đã “ngụp lặn” hơn một thập kỷ, trước khi chạm mốc 1.200 vào tháng 4/2018. Và cũng từ đây, thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến đợt sụt giảm mạnh mẽ.
Mặc dù đã trải qua nhịp tăng hơn 48% vào năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ trong năm 2018. Thời điểm đó, thị trường chứng khoán được bao trùm bởi những thông tin tích cực, từ câu chuyện nâng hạng, chuyện thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước rồi đến cả tình hình kinh tế, vĩ mô cũng vô cùng ủng hộ.
Đúng như kỳ vọng, thị trường tăng trưởng rất tốt trong quý I/2018, khi chỉ số VN-Index vượt đỉnh 1.200 điểm vào tháng 4/2018. Khi ấy, phần lớn nhà đầu tư đều đặt kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ tiếp nối đà tăng và hướng đến vùng giá cao hơn.
Tuy nhiên, trong lúc những nhà đầu tư đang hân hoan trên “đỉnh lịch sử”, VN-Index lại một lần nữa đảo chiều, và phiên giao dịch 11/4/2018 là phiên đầu tiên đánh dấu sự đảo chiều của VN-Index với mức giảm hơn 30 điểm cùng khối lượng giao dịch khủng.
Kết thúc năm 2018, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 892 điểm, giảm hơn 319 điểm kể từ vùng đỉnh tháng 4/2018.
Sau khi điều chỉnh từ đỉnh 1.200, thị trường tiếp tục diễn biến gần như đi ngang trong suốt năm 2019. Thế rồi, COVID-19 xuất hiện vào cuối năm 2019, bên cạnh những tổn thất về sức khỏe, đời sống và tinh thần, dịch bệnh đã giáng một đòn nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Hàng loạt các hoạt động sản xuất, kinh doanh phải ngưng trệ, giãn cách,... Thị trường chứng khoán theo đó cũng lao dốc nhiều tháng trời.
Thời điểm đó, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới gần như đều thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, tích cực “bơm tiền” để hỗ trợ nền kinh tế. Đến tháng 3/2020, VN-Index chính thức tạo đáy quanh vùng giá 65x điểm, và từ đây, kỷ nguyên tiền rẻ đã mở ra “một trang sử mới” với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thời điểm đó, tại thị trường Việt Nam, không chỉ nhà đầu tư cá nhân, mà các doanh nghiệp ngoài ngành cũng “dồn tiền đánh chứng”. Chứng khoán còn trở thành “cứu cánh” của nhiều doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ do COVID-19.
Giai đoạn 2021 đến nửa đầu năm 2022 được ví von với những kỷ lục chưa từng có của thị trường chứng khoán Việt Nam: Số lượng nhà đầu tư mới kỷ lục, thanh khoản kỷ lục, điểm số kỷ lục, hàng loạt con số lợi nhuận kỷ lục của các công ty chứng khoán,...
Xét về chỉ số, ở giai đoạn này VN-Index đã liên tục thiết lập những kỷ lục mới, từ 1.300 điểm, 1.400 điểm rồi 1.500 điểm, trước khi tạo đỉnh và giảm sâu vào tháng 4/2022 quanh mốc 1.530 điểm.
Đợt sụt giảm vào tháng 4/2022, thị trường chứng kiến những cú “Wash out” rất mạnh, thời điểm đó, nhiều mốc hỗ trợ được đưa ra với kỳ vọng VN-Index sẽ có sự phục hồi.
Vốn là vùng kháng cự mạnh trong suốt hơn 1 thập kỷ, vùng giá 1.200 điểm thời điểm đó cũng được kỳ vọng trở thành hỗ trợ mạnh trong đợt điều chỉnh từ vùng 1.500 của VN-Index. Tuy nhiên, VN-Index lần lượt đánh mất các mốc hỗ trợ, để rồi kết thúc đợt điều chỉnh ở vùng 873 điểm vào tháng 11/2022 bằng một cây nến doji với bóng nến thật dài.
Kể từ khi tạo đáy ở vùng giá này đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Kết phiên giao dịch 25/7/2023, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức giá gần 1.196 điểm, với hơn 20.100 tỉ đồng được giao dịch ở sàn HOSE.
Như vậy, chỉ số VN-Index hiện tại đang rất gần với vùng giá 1.200 điểm vùng từng là kháng cự mạnh trong hơn 1 thập kỷ, cũng là vùng được kỳ vọng là hỗ trợ mạnh trong giai đoạn 2021-2022.
Trong lần này, liệu rằng VN-Index có vượt ngưỡng 1.200 điểm để chinh phục những vùng giá cao hơn, hay một lần nữa lại điều chỉnh khi chạm ngưỡng này? Đây là một câu hỏi mang tính xác suất, và kịch bản nào cũng có thể xảy ra.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp tăng của thị trường, nhưng diễn biến có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do cận vùng cản. Hiện tại, có thể tiếp tục nắm giữ hoặc khai thác cơ hội ngắn hạn tại một số cổ phiếu có tín hiệu tốt từ nền tích lũy. Tuy nhiên vẫn cần cân nhắc chốt lời đối với các cổ phiếu đã tăng đến vùng cản để cân đối lại danh mục.
Theo Nhịp cầu Đầu tư
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday - sự kiện mua sắm lớn nhất năm, nhưng nhiều thương hiệu đã triển khai khuyến mãi sớm thu hút sức mua từ người tiêu dùng, nhất là các chị em.
17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đăng kiểm và cấp chứng nhận an toàn sau thời gian chạy thử nghiệm.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest đã bị xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng trong năm nay vì nhiều vi phạm trong hoạt động công bố thông tin, lưu giữ hồ sở, cho vay...
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gừng, một loại gia vị phổ biến trong nhà bếp, đang trở nên phổ biến vì nhiều lợi ích sức khỏe. Nó có thể làm giảm buồn nôn, hỗ trợ giảm cân, điều chỉnh lượng đường trong máu và cholesterol, thậm chí giúp giảm đau đầu.