Thứ bảy, 27/04/2024

Đặc sản miền Trung đi máy bay qua Mỹ ăn Tết, mỗi lần ship cả trăm kg

18/01/2024 9:17 AM (GMT+7)

Không cần đi đâu xa, nhiều người sống xa quê có thể tìm thấy đặc sản miền Trung tại chợ Bà Hoa. Nhiều khách du lịch, Việt kiều còn đến tận nơi mua đặc sản mang về nước.

Một khu chợ nằm giữa lòng Sài Gòn có bán tất tần tật những món ăn miền Trung. Đây cũng là nơi thu hút nhiều người con miền Trung đang sống xa quê, hay Việt kiều, khách du lịch.

Đặc sản miền Trung đi máy bay qua Mỹ ăn Tết, mỗi lần ship cả trăm kg- Ảnh 1.

Chợ Bà Hoa phục vụ đa dạng các món ăn đặc sản miền Trung. Ảnh: Hoài Anh


Còn hơn 20 ngày nữa là Tết, thời điểm này nhiều hộ kinh doanh tại chợ Bà Hoa đã tấp nập buôn bán. Nhiều mặt hàng đặc sản miền Trung còn được bà con Việt kiều, khách du lịch ưa chuộng, mua mang về nước.

Bà Tạ Thị Kiều - tiểu thương bán ở chợ Bà Hoa 15 năm cho biết các sản phẩm đặc sản đều được nhập từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng nên mang đúng vị miền Trung. Không chỉ bán lẻ các loại bánh phở, cao lầu, đồ tươi, quầy hàng của bà Kiều còn cung cấp các loại đồ khô nhỏ gọn để tiện đóng gói di chuyển xa.

Trong đó, các loại đặc sản như bánh đa, bánh đa tráng dừa, bánh tráng gạo, cá kho Sông Trà, cá bống khô… là những món ăn mà khách du lịch, Việt Kiều thường mua mang sang nước ngoài. Bánh phở dùng nấu mì quảng, cao lầu cũng được làm khô để phục vụ cho khách mang đi đường xa.

Đặc sản miền Trung đi máy bay qua Mỹ ăn Tết, mỗi lần ship cả trăm kg- Ảnh 2.

Bánh đa nhỏ gọn được gói thành bịch lớn, thuận tiện đóng gói mang ra nước ngoài. Ảnh: Hoài Anh

“Tệp khách mang đi xa chủ yếu tập trung vào dịp hè và trước Tết. Thời điểm đó, khách du lịch, Việt kiều về Việt Nam nhiều, họ thường đến chợ tìm mua đặc sản mang đi. Mỗi tuần, tôi bán được 3-4 đơn hàng mang đi nước ngoài. Mỗi lần mang đi, khách mua rất nhiều, có đơn lên đến 100 kg bánh, đồ khô các loại”, bà Kiều nói.

Hầu như các khách hàng đến chợ Bà Hoa mua đặc sản mang đi đều không thể bỏ qua món bánh tráng. Tùy theo khẩu vị, khách hàng có thể lựa chọn bánh nước cốt dừa, bánh dừa sợi, bánh tráng gạo, bánh tráng gạo có gia vị, bánh tráng chuối. Giá bánh bán theo bịch lớn có giá dao động từ 100.000-250.000 đồng.

Bà Kiều cho biết mặc dù chợ đón nhiều khách du lịch, Việt kiều nhưng giá cả vẫn rất bình dân nên vẫn có nhiều khách địa phương ghé mua. “Có khách Việt kiều liên hệ mua qua điện thoại, tôi tự đóng gói đem đến tận nơi. Hàng nhiều thì khách đi tàu thủy, ít thì khách đóng gói gửi trên máy bay”, bà Kiều nói thêm.

Theo ghi nhận của phóng viên, tiểu thương chợ Bà Hoa đều là người gốc Quảng Ngãi, Quảng Nam hoặc Đà Nẵng, Huế. Họ cùng nhau kinh doanh, đem những món đặc sản đến với người Sài Gòn, người miền Trung sống ở Sài Gòn và thậm chí là người nước ngoài.

So với bánh tráng, các món đóng hộp, đồ khô lại dễ dàng đóng gói và vận chuyển hơn. Chị Nguyễn Thị Diễm Thúy cho biết từ tháng 8, tháng 9 âm lịch đã có nhiều Việt Kiều về mua đặc sản miền Trung đem sang nước ngoài. Khách nước ngoài đến quầy chị Thúy chủ yếu mua các loại mắm, cá đóng hộp, mứt, nấm. 

Đặc sản miền Trung đi máy bay qua Mỹ ăn Tết, mỗi lần ship cả trăm kg- Ảnh 4.

Chị Thúy tự hào mang đặc sản quê hương miền Trung đến với nhiều người. Ảnh: Hoài Anh

Các hộp mắm, cá kho có giá dao động từ 35.000-50.000/hộp. Nấm khô có giá từ 350.000-400.000 đồng. Đây cũng là hai dòng sản phẩm bán “chạy” nhất tại quầy hàng của chị Thúy.

“Nhiều khách đến mua một lần thấy ngon, đúng vị miền Trung nên truyền miệng nhau rồi đến mua mang sang nước ngoài nhiều. Giá cả bình dân, khách Việt hay khách nước ngoài đều mua hàng cùng giá”, chị Thúy nói.

Đặc sản miền Trung đi máy bay qua Mỹ ăn Tết, mỗi lần ship cả trăm kg- Ảnh 5.

Các loại đồ khô đóng thành hộp nhỏ gọn, dễ đóng gói mang đi xa. Ảnh: Hoài Anh

Là người miền Trung sống ở Sài Gòn, chị Nguyễn Hải Yến rất thường xuyên đến chợ Bà Hoa để mua đồ ăn quê mình. “Các món ăn được bán ở chợ này đều được nhập trực tiếp từ miền Trung nên đúng vị quê hơn. Giá cả cũng hợp lý nên tôi thường xuyên ghé lại mua ăn hoặc tặng bạn bè, người thân ở xa”, chị Yến nói.

Dù xa xứ nhiều năm nhưng những người con xứ Quảng vẫn luôn nỗ lực giữ lại bản sắc quê hương, chăm chút từng món ăn để kết nối những người con xa xứ, "viết" nên câu chuyện ẩm thực miền Trung giữa Sài Gòn hoa lệ.

Chợ Bà Hoa được ví như “Quảng Nam thu nhỏ” giữa lòng Sài Gòn. Đây là nơi những người con xa xứ tìm về với hương vị quê nhà và cũng là nơi du khách tìm đến để thưởng thức những món đặc sản cùng nét văn hóa mộc mạc, bình dị của người miền Trung.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Vì sao ghế chủ tịch Bamboo Capital được chuyển cho doanh nhân nước ngoài?

Vì sao ghế chủ tịch Bamboo Capital được chuyển cho doanh nhân nước ngoài?

Doanh nhân Kou Kok Yiow từ Singapore được bầu làm chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital ngày 27/4 để thay ông Nguyễn Hồ Nam, người sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch Hội đồng chiến lược của tập đoàn.

Hướng tới công nghệ AI, TP.HCM hy vọng hợp tác với NVIDIA

Hướng tới công nghệ AI, TP.HCM hy vọng hợp tác với NVIDIA

TP.HCM mong muốn hợp tác với Tập đoàn NVIDIA để phát triển công nghệ Al ứng dụng vào nhiều lĩnh vực tại Thành phố.

Xu hướng quần lửng trẻ trung, tôn dáng

Xu hướng quần lửng trẻ trung, tôn dáng

Chị em nên bổ sung quần lửng cho tủ đồ để phong cách mùa hè thêm mới mẻ.

Đặc sắc Lễ hội Ẩm thực ba miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn

Đặc sắc Lễ hội Ẩm thực ba miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn

Lễ hội Ẩm thực ba miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn, Quận 1, TP.HCM đang thu hút nhiều người dân, du khách đến vui chơi và thưởng thức. Đây là lần đầu tiên Thảo cầm viên Sài Gòn tổ chức lễ hội ẩm thực để thu hút thêm nhiều du khách đến đây vui chơi vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Người dân TP.HCM thong thả vui chơi, tận hưởng ngày đầu nghỉ lễ 30/4

Người dân TP.HCM thong thả vui chơi, tận hưởng ngày đầu nghỉ lễ 30/4

Đường phố, điểm tham quan, vui chơi tại TP.HCM không quá đông đúc trong ngày 27/4. Nhờ vậy, người dân có thể tận hưởng không khí và thong thả trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Lần đầu tiên, ngành đường sắt đưa tàu có thiết kế "chống say xe" phục vụ hành khách

Lần đầu tiên, ngành đường sắt đưa tàu có thiết kế "chống say xe" phục vụ hành khách

Ngành đường sắt lần đầu tiên đưa loại ghế có thể xoay 180 độ vào khai thác phục vụ hành khách trên tàu SE21/22. Vì vậy, hành khách có thể thoải mái tự điều chỉnh hướng ngồi cho phù hợp, không còn phải lo bị say xe do ngồi ngược chiều khi tàu chạy.