Tại Hội nghị ký kết cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh, ngày 5/6, Saigon Co.op đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ các sản phẩm của 35 đơn vị cung ứng, là các đơn vị sản xuất đặc sản Tây Ninh.
Đây là các doanh nghiệp làm nông nghiệp của tỉnh, có sản phẩm đạt OCOP, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, và có nhu cầu đưa sản phẩm vào siêu thị.
Các đơn vị này cung ứng 45 mặt hàng khác nhau, trong đó có các loại là đặc sản Tây Ninh như: Rau rừng; bánh tráng; muối ớt, muối tôm; tinh dầu tràm; dế sấy; mãng cầu Bà Đen...
Bằng công nghệ hiện đại, khép kín từ khâu nấu bột, tráng bánh đến sấy bánh bằng lò hồng ngoại, Công ty TNHH Tân Nhiên (TX.Hòa Thành) đã cho ra đời những chiếc bánh tráng phơi sương vừa mềm, vừa mỏng và không phải nhúng nước trước khi ăn.
Hiện nay, dây chuyền sản xuất bánh tráng của Công ty Tân Nhiên có thể đáp ứng 7-8 tấn sản phẩm/ngày. "Tín hiệu tích cực từ thị trường nước ngoài giúp công ty tự tin mở rộng thị trường trong thời gian tới", ông Đặng Khánh Duy – Giám đốc Công ty Tân Nhiên cho biết.
Một trong những nguyên liệu không thể thiếu và là yếu tố góp phần tạo nên sự đặc sắc của ẩm thực bánh tráng phơi sương, đó chính là rau rừng tổng hợp.
Sản phẩm rau rừng được cơ sở Thanh Thúy (TX.Trảng Bàng) trồng theo tiêu chuẩn VietGAP từ nhiều năm nay. Sản phẩm rau rừng tổng hợp cũng được UBND tỉnh Tây Ninh chứng nhận là sản phẩm Ocop 3 sao cấp tỉnh.
Một đặc sản trứ danh khác của Tây Ninh là mãng cầu Bà Đen. Năm 2021, quả mãng cầu Natani của Công ty CP Natani được xếp hạng Occop 4 sao.
Ông Nguyễn Thế Tân - Giám đốc Natani, cho biết đơn vị đang thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, hoàn toàn tự nhiên vào canh tác và phát triển sản phẩm trái mãng cầu.
Con dế mèn đã gắn bó với nông dân từ bao đời nay. Dế mèn không chỉ là trò tiêu khiển của tuổi thơ mà còn được dùng làm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, đậm chất dân dã và bổ dưỡng.
Đó không chỉ là những mẻ dế kho quẹt với nước mắm thơm lừng trong ký ức của một thời cơ cực, mà còn là món khoái khẩu cho những chú, những anh làm đồ nhắm lai rai sau những ngày lao động, hay là món ăn lạ lẫm với người thành thị.
Trại dế Oanh Vĩnh của ông Hồ Đắc Vĩnh ở huyện Tân Châu đang mang đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm độc đáo từ dế, đặc biệt là món dế sấy.
Đất Tây Ninh không có diêm dân. Không ai biết chính xác muối Tây Ninh có từ lúc nào, chỉ biết đặc sản ra đời từ những khó khăn của vùng đất biên viễn. Lại thêm những nhân duyên nâng đỡ, muối Tây Ninh đi vào đời sống văn hóa, ẩm thực theo 1 cách riêng, mang theo hương vị cuộc sống của đất và người Tây Ninh.
Muối Tây Ninh có hai loại căn bản: là muối ớt chay và muối tôm (muối mặn). Cơ sở muối Mỹ Lan (TX.Hòa Thành) muốn giới thiệu đến thực khách sản phẩm muối ớt tôm, làm sống động hương vị ẩm thực từ 2 nguyên liệu chính là muối và ớt.
Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, địa phương có khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm đặc trưng. Song việc phát triển thương hiệu các sản phẩm này còn khó khăn.
Sự hạn chế trong các khâu tiếp thị, quảng bá đang là rào cản với nhiều sản phẩm của Tây Ninh. Các doanh nghiệp vẫn chủ yếu bán sản phẩm thô; nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP do các cơ sở nhỏ lẻ làm nên hầu như không đăng ký bảo hộ.
Trong khi đó, các siêu thị yêu cầu sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo hộ. Vì thế, ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho rằng, việc liên kết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với nhà phân phối là rất cần thiết.
Đầu tư từ năm 2011, Saigon Co.op có 9 siêu thị Co.opmart tại Tây Ninh. Các siêu thị này đóng góp 1.000 tỷ đồng doanh thu trong 2022, chiếm 30% trong tổng số các Co.opmart ở Đông Nam bộ.
Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện có 30 doanh nghiệp của Tây Ninh đang cung cấp sản phẩm cho Saigon Co.op, với sản lượng khoảng 622 tấn/năm, trị giá 51 tỷ đồng. Mức này còn khiêm tốn so với tiềm năng và thế mạnh của Tây Ninh.
Do đó, Saigon Co.op kỳ vọng qua Hội nghị ký kết cung ứng sản phẩm này, năm 2023 sản lượng của doanh nghiệp Tây Ninh cung cấp cho Saigon Co.op sẽ tăng lên 1.300 tấn/năm, đạt giá trị khoảng 100 tỷ đồng, và tới năm 2025 sẽ nâng lên mức 250 tỷ đồng.
Ngay sau buổi lễ ký kết, các mặt hàng đặc sản Tây Ninh nhanh chóng có mặt trên quầy kệ của 800 điểm bán thuộc Saigon Co.op, và được phân phối tận tay người tiêu dùng cả nước.
Ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước và của Vùng Đông Nam bộ còn nhiều khó khăn, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sau đại dịch Covid-19.
Vì thế, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường sự hợp tác, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, giữa người sản xuất với nhà phân phối.
Tỉnh Tây Ninh và Saigon Co.op sẽ tạo nền tảng nhân rộng hoạt động kết nối, bao tiêu sản phẩm thành hoạt động phối hợp thường xuyên để hình thành các chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng bền vững, hiệu quả.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.