Lý Bảo Điền được các khán giả Việt Nam biết đến nhiều qua phim truyền hình "Tể Tướng Lưu Gù" mà ông diễn vai chính. Nhưng những vai hay nhất của ông hẳn phải là trong các phim điện ảnh khi ông đóng chung với nữ minh tinh Củng Lợi, như phim "Cúc Đậu" hay "Hội Tam Hoàng Thượng Hải".
Năm 2003, ông lại thành công vang dội với phim truyền hình "Thần Y Hỷ Lai Lạc". Khi bộ phim tạo cơn sốt, ông được nhiều công ty mời quảng cáo thuốc. "Thần y" mà quảng cáo cho thuốc hãng mình sản xuất thì còn gì bằng nữa.
Nhưng Lý Bảo Điền đã tỉnh táo: "Nếu tôi nhận lời đóng quảng cáo, người xem sẽ lẫn lộn giữa hình ảnh của nhân vật tôi đóng trong phim và hình ảnh của nhân vật của tôi trong quảng cáo, như vậy là có lỗi với nhân vật đã đem cho tôi vinh quang và hạnh phúc. Đa phần quảng cáo mời tôi đóng là quảng cáo dược phẩm. Tôi đã bao giờ uống những thuốc ấy đâu, tôi không biết chúng có lợi, có hại thế nào. Tôi không lừa dối khán giả được, họ có thể vì tin tôi nên mới mua thuốc, tôi phải xứng đáng với lòng yêu mến của họ, không thể có lỗi với họ".
Giá lúc đó nếu có ngân hàng, hãng sơn hay hãng taxi mời ông đóng quảng cáo thì chắc ông nhận cũng được, vì những sản phẩm đó không gây nhầm lẫn với hình tượng thần y.
Chứ ông mà đóng quảng cáo dược phẩm, người ta sẽ bảo là thuốc này do "Thần Y Hỷ Lai Lạc" bán chứ không phải Lý Bảo Điền quảng cáo. Thần y bán thuốc mà Lý Bảo Điền thu tiền quảng cáo và công ty sản xuất dược phẩm hốt bạc thì có vẻ không hay lắm.
Ta khen ngợi, tôn vinh những nghệ sĩ "giữ mình" như Lý Bảo Điền, nhưng ta cũng không nên phỉ báng các nghệ sĩ khác tham gia quảng cáo. Đó là nghề của họ, khi có danh, được công chúng yêu mến thì họ phải nhờ vào đó mà kiếm sống chứ.
"Có mài danh ra ăn được đâu?". Câu hỏi tu từ đó không đúng, danh mài ra tiền ăn tốt. Không có danh thì lấy đâu ra các doanh nhân yêu nghệ thuật ái mộ bảo trợ? Không có danh, sao được mời đi làm giám khảo cuộc thi này, được mời đến dự sự kiện khác? Không có danh, ai mời đóng quảng cáo?
Bây giờ xô diễn thì ít, các tụ điểm diễn kịch diễn hài ngày càng teo tóp, thu nhập đóng phim truyền hình bấp bênh. Mấy thứ đó đang bị các nền tảng nội dung khác lấn lướt. Mà các nghệ sĩ cũng phải kiếm sống nữa chứ, họ cũng có vợ réo con gào, tiền học tiền sữa phải lo như ai, chứ họ có phải thiên thần, không cần ăn, suốt ngày chỉ hít gió, gảy đàn lia là hạnh phúc đâu. Nên có ai mời quảng cáo là tốt.
À rồi có người phàn nàn một số nghệ sĩ "bất hạnh" quá, bởi vì nay viêm khớp, mai thận hư, lúc tiểu đường, khi thì mất ngủ… Tức là các nghệ sĩ chuyên đi quảng cáo thực phẩm chức năng đó. Những nghệ sĩ đó vào tuổi trung niên, xế chiều rồi, không nhận quảng cáo các mặt hàng đó, chẳng nhẽ đợi có quảng cáo son môi, nước ngọt, sữa tắm… mới nhận.
Không đâu, những thứ đó làm sao đến tay họ, các nghệ sĩ trẻ trung, nuột nà, mơn mởn còn khó nhận được các quảng cáo nói trên, nữa là các nghệ sĩ luống tuổi. Phần lớn quảng cáo mỹ phẩm, dược phẩm của các hãng lớn đều được thực hiện ở nước ngoài.
Thế còn ở mình là các hãng nho nhỏ mới thuê các nghệ sĩ mình. Các hãng nhỏ thì điều đầu tiên là kinh phí họ không nhiều, thời gian thì gấp gáp, cạnh tranh thì lớn, không có điều kiện để xây dựng kế hoạch hay chiến dịch quảng cáo dài hơi.
Họ quay quảng cáo nhanh, phát lên đủ mọi nền tảng [phát thanh, mạng xã hội, Youtube, không có yêu cầu cao về các thủ tục pháp lý như lên sóng truyền hình quốc gia], nên họ cần tìm những gương mặt quen việc, bởi vậy mới có hiện tượng "sao có nghệ sĩ lắm thứ bệnh thế không biết".
Chứ bây giờ bảo các nghệ sĩ phải điều nghiên kỹ xem thuốc đó có tốt hay không, có thực sự đúng như quảng cáo hay không thì họ mới nhận lời quảng cáo thì… khó quá. Chỉ có ngôi sao hạng A mới được quyền yêu sách đó, mà nước mình thì không có ngôi sao hạng A. Kể cả công ty đại diện cho nghệ sĩ cũng không điều nghiên được. Nếu công ty sản xuất mời nghệ sĩ quảng cáo gặp phải yêu sách đó, họ chỉ còn nước là next, mời người khác.
Việc quảng cáo cũng có nhiều nhưng số lượng nghệ sĩ sẵn sàng đóng quảng cáo còn nhiều hơn. Và bây giờ giới nghệ sĩ còn bị đội streamer bán hàng live trên Facebook, TikTok cạnh tranh rất gắt. Nhiều streamer không có bất kỳ phông nền nghệ thuật, nghệ sĩ nào, cứ ngoại hình tương đối một chút, ăn nói liến thoắng mồm năm miệng mười là có thể trở thành idol của giới trẻ suốt ngày lướt TikTok.
Mà thật ngộ là giới trẻ có rất nhiều người ngày nào cũng dành vài tiếng đồng hồ để xem live bán hàng trên TikTok, trong khi bản thân họ không có nhu cầu mua hàng đó. Xem vì ghiền chăng, hoặc cũng có thể xem để học trở thành một streamer nổi danh trong tương lai. Vâng, chuyện này xảy ra ở một quốc gia mà mỗi người đọc trung bình dưới một cuốn sách trong một năm.
Nghệ sĩ đi quảng cáo vì miếng cơm manh áo. Họ chẳng có sứ mệnh to đến mức "công chúng từ tin tưởng vào nghệ sĩ, chuyển sang hoang mang, nghi ngờ, thậm chí là tẩy chay, bởi đã nhận ra mình đặt niềm tin lầm chỗ" đâu. Cái chính là công chúng phải tự điều chỉnh niềm tin của mình thôi.
Hiện tại các loại thực phẩm chức năng cho gan, khớp, tiểu đường, ho, huyết, trĩ, gi gỉ gì gi, cái gì trên cơ thể nếu có được nhập về bán hoặc cho lưu hành trên thị trường thì đều phải có các loại giấy chứng nhận được quy định bởi các luật, nghị định, thông tư rồi. Nếu sản phẩm không đạt, đến hỏi cơ quan cấp giấy, chứ hỏi nghệ sĩ làm gì.
Mà người ta cũng nói rõ trong quảng cáo "sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nên cứ bắt sản phẩm đó phải có công dụng này khác. Rồi khi không được như ý, xứng với số tiền bỏ ra, lại đổ cho mình tin tưởng vào nghệ sĩ.
Nghệ sĩ đi quảng cáo vì miếng cơm manh áo, họ cũng không biết nhiều về công dụng của sản phẩm đâu. Nên đừng quá tin họ. Nếu đã trót tin rồi thì đừng trách họ, mà tự trách mình, công chúng ơi!
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.