Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, đơn vị này vừa đưa ra so sánh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Kết quả cho thấy, 5 tháng đầu năm, TP.HCM là nơi có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cao nhất, gấp gần chục lần so với vị trí thứ ba.
Tổng cục Thống kê cho biết tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TP.HCM đạt 458.100 tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 277.600 tỷ đồng, chiếm 60,6% tổng mức và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng 24,7%, hàng may mặc tăng 6,1%, ô tô tăng 25,3%, xăng dầu tăng 8%).
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41.300 tỷ đồng, chiếm 9% và tăng 34,8%, trong đó: Dịch vụ ăn uống tăng 33,7%, dịch vụ lưu trú tăng 46%.
Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 3.800 tỷ đồng, chiếm 0,8% và tăng 78,7%.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 136,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,6 và giảm 6,5%, trong đó: Kinh doanh bất động sản giảm 11,4% (chiếm 59,9%); hoạt động vui chơi giải trí giảm 12,8%.
Đáng chú ý, chỉ tính riêng tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 99.100 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 10,1% so với tháng 5/2022.
Theo Tổng cục Thống kê, TP.HCM đã tổ chức nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm kích thích tiêu dùng của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5; nhờ đó các hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí trở nên sôi động.
Bên cạnh đó, một số dự án bất động sản được tháo gỡ về mặt pháp lý đã làm thị trường bất động sản khởi sắc… góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu trên địa bàn thành phố trong 5 tháng đầu năm 2023.
Hà Nội xếp sau TP.HCM về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tuy nhiên, về mức độ tăng trưởng so với cùng kỳ, Hà Nội lại nhỉnh hơn.
Cụ thể, tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 307.600 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước (TP.HCM tăng trưởng 6,2%).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 197.200 tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng mức và tăng 11,2%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 38.400 tỷ đồng, chiếm 12,5% và tăng 11,9% (dịch vụ lưu trú tăng 40,5%; dịch vụ ăn uống tăng 9,7%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 7.200 tỷ đồng, chiếm 2,3% và gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 64.800 tỷ đồng, chiếm 21,1% và tăng 5,1%.
Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn này, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức phát động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”, tổ chức hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng, thu hút người dân tham gia mua sắm.
Tháng 5, ngành du lịch Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch, phát triển nhóm sản phẩm du lịch mới, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến hấp dẫn tới du khách.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Hà Nội gấp 7,9 lần cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa tăng 19,3%. Đó là một số những nhân tố quan trọng, đóng góp nhiều vào tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội.
Đà Nẵng tuy chỉ ghi nhận 50.700 tỷ đồng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2023 nhưng lại là nơi có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ, tăng đến 40,3%.
Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 9.400 tỷ đồng, tăng 64,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 318,6% (là một trong những nhóm ngành có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước).
Thời gian qua, các hoạt động sự kiện phong phú, hấp dẫn đã thu hút đông đảo lượng khách du lịch trở lại Đà Nẵng, đặc biệt là lượng khách quốc tế.
Tốc độ tăng lượt khách du lịch quốc tế đến theo tour của thành phố trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 129.500 lượt khách, gấp hơn 160 lần cùng kỳ năm trước; khách trong nước đạt 301.200 lượt, gấp 5,1 lần.
Sự hoạt động nhộn nhịp của ngành du lịch đã tác động tích cực tới các nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng khác phát triển trở lại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ấn tượng.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của một số thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đã đóng góp tích cực cho chỉ số này của cả nước. Đây là những địa phương có nhu cầu tiêu dùng lớn; lượng khách du lịch đến tăng cao, tác động lan tỏa đến các hoạt động vận tải, mua sắm, lưu trú, ăn uống…
Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest đã bị xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng trong năm nay vì nhiều vi phạm trong hoạt động công bố thông tin, lưu giữ hồ sở, cho vay...
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gừng, một loại gia vị phổ biến trong nhà bếp, đang trở nên phổ biến vì nhiều lợi ích sức khỏe. Nó có thể làm giảm buồn nôn, hỗ trợ giảm cân, điều chỉnh lượng đường trong máu và cholesterol, thậm chí giúp giảm đau đầu.
Khu vực đỉnh Fansipan ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhiệt độ xuống rất thấp vào sáng sớm nay 23/11 nên đã xuất hiện lớp băng mỏng khiến du khách thích thú. Đây là các du khách thích săn mây và trải nghiệm cảm giác lạnh.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Công ty chứng khoán SSI đã nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước hơn 7,33 tỷ đồng. Đây là tổng số thuế bị truy thu, tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế cho năm 2022 và 2023.