Thứ năm, 21/11/2024

Hàng siêu rẻ trên sàn Temu, thực hư ra sao?

22/10/2024 9:21 AM (GMT+7)

Nhiều sản phẩm trên Temu được sản xuất từ các nhà máy ở Trung Quốc, nơi chi phí lao động và sản xuất thấp; Temu cũng không đầu tư vào quảng cáo. Tuy nhiên, đã có cảnh báo "tiền mất, tật mang" nếu tham hàng siêu rẻ từ Temu.

Sàn bán hàng online giá rẻ xuyên biên giới Temu đang “âm thầm” tiến vào thị trường Việt. Hiện phiên bản ra mắt của website Temu Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng và thanh toán bằng Google Pay, Visa, MasterCard....

Sự xuất hiện của Temu nối dài cuộc đổ bộ của các sàn thương mại điện tử bán lẻ xuyên biên giới đến Việt Nam thời gian qua. (Ảnh minh họa)

Theo ghi nhận của phóng viên, trên website của Temu Việt Nam, giá các sản phẩm đã được hiện thị bằng đồng Việt Nam và được khách hàng gắn “sao” để đánh giá. Quá trình giao hàng đến Việt Nam cũng chỉ mất 4-7 ngày và được miễn phí vận chuyển tất cả đơn hàng.

Temu nhanh chóng thu hút người tiêu dùng Việt nhờ cung cấp các sản phẩm có giá rẻ ở nhiều danh mục, từ đồ điện tử đến đồ gia dụng, thời trang… Điều đáng chú ý là nhiều mặt hàng rao bán trên Temu có giá rất rẻ, có sản phẩm được giảm giá 2-3 lần so với gia thành, hoặc được khuyến mại tới 90%. Ví dụ sản phẩm ủng đi mưa bằng cao su chống nước có giá bán giảm chỉ còn 24.530 đồng so với giá gốc là 109.340 đồng.

Người tiêu dùng thắc mắc: "Tại sao Temu lại rẻ như vậy?", “Chất lượng hàng hóa ra sao?”, “Liệu đó có phải là nền tảng hợp pháp hay không?”, “Đây có phải là trang lừa đảo hay không?”…

Vì sao hàng trên Temu lại rẻ như vậy?

Chia sẻ trên trang zqdropshipping.com, ông Sam Xia – chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cho biết, Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings (công ty mẹ của Pinduoduo, một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.

Trang web Temu này kết nối người tiêu dùng, chủ yếu ở Mỹ, với các nhà sản xuất ở Trung Quốc, cho phép họ mua sản phẩm với mức giá thấp nhất.

Pinduoduo, công ty mẹ của Temu, có hơn 730 triệu người mua tích cực vào năm 2022, khiến nó trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Temu được hưởng lợi từ mạng lưới rộng lớn này, tận dụng chuỗi cung ứng hiện có của mình để cung cấp mức giá thấp cho người mua hàng quốc tế.

Chuyên gia Sam Xia cho hay, một trong những lý do chính khiến Temu có thể đưa ra mức giá cực kỳ thấp là cách tiếp cận độc đáo nhằm trợ cấp chi phí vận chuyển. Không giống như nhiều nền tảng thương mại điện tử khác, Temu chịu chi phí vận chuyển cho khách hàng của mình, đặc biệt là giao hàng quốc tế. Điều này cho phép người mua được hưởng mức giá thấp mà không có phí ẩn, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Temu tự trợ cấp chi phí vận chuyển để đảm bảo khách hàng không phải chịu gánh nặng vận chuyển quốc tế, điều này vốn là trở ngại lớn đối với người mua hàng trực tuyến. Bằng cách này, Temu giảm tổng chi phí mua hàng một cách có chiến lược, thúc đẩy doanh số bán hàng cao hơn trong khi vẫn giữ giá sản phẩm ở mức thấp cạnh tranh.

Mô hình mới M2C

Temu loại bỏ các khâu trung gian truyền thống như nhà nhập khẩu và nhà phân phối, tìm nguồn cung ứng trực tiếp từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Mô hình Nhà sản xuất đến Người tiêu dùng (M2C) này giúp giảm đáng kể chi phí sản phẩm, tránh chênh lệch giá bán lẻ và chi phí trung gian.

Với khả năng tiếp cận hàng triệu nhà cung cấp trên nền tảng chị em Pinduoduo, Temu thương lượng giá số lượng lớn và các điều khoản có lợi. Các nhà cung cấp được hưởng lợi từ khối lượng đơn đặt hàng lớn, cho phép họ cung cấp sản phẩm với mức giá thấp hơn so với các đối thủ như Amazon hay Walmart.

Thay vì đầu tư mạnh vào quảng cáo, Temu dựa vào tăng trưởng tự nhiên thông qua tiếp thị truyền miệng và lan truyền. Điều này giảm thiểu chi phí thu hút khách hàng của họ, vốn thường tiêu tốn một lượng lớn ngân sách thương mại điện tử.

Thêm vào đó, nhiều sản phẩm trên Temu được sản xuất trực tiếp từ các nhà máy ở Trung Quốc, nơi chi phí lao động và sản xuất thấp. Khả năng tiếp cận trực tiếp của Temu với các nhà máy Trung Quốc cho phép công ty cung cấp sản phẩm với mức giá cực thấp mà không ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận.

Ông Sam Xia lưu ý: Do tính chất vận chuyển quốc tế và chất lượng sản phẩm khác nhau, một số người mua hàng có thể cho rằng Temu không đáng tin cậy mặc dù nền tảng này luôn kiểm tra đánh giá và xếp hạng của người bán để tránh thất vọng.

Khách hàng nói gì về Temu?

Đánh giá của khách hàng về Temu hiện rất khác nhau, phần lớn tùy thuộc vào trải nghiệm cá nhân về thời gian vận chuyển, chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng.

Có khách hàng khen ngợi Temu vì giá cả phải chăng và nhiều lựa chọn sản phẩm, đặc biệt đối với những người mua sắm có ngân sách tiết kiệm đang tìm kiếm hàng hóa hàng ngày với mức giảm giá mạnh.

Song cũng có những đánh giá tiêu cực khi người mua hàng cho biết thời gian vận chuyển lâu hơn dự kiến vì nhiều mặt hàng được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc. Những phàn nàn khác liên quan đến chất lượng sản phẩm thấp hơn mong đợi vì Temu là thị trường dành cho người bán bên thứ ba.

Cảnh báo "tiền mất, tật mang"

Trên thực tế, việc mua hàng giá rẻ trên Temu cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Hiện tại, Temu chưa cho phép người dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng, nghĩa là người dùng phải thanh toán ngay khi đặt hàng, sau đó mới nhận sản phẩm. Temu chỉ hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay, chưa hỗ trợ các loại ví điện tử phổ biến khác.

Chính vì không cho phép thanh toán khi nhận hàng, người dùng sẽ đối mặt với rủi ro mua hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng không đúng mô tả dù đã thanh toán từ trước. Do lượng người bán và sản phẩm trên Temu rất lớn nên sàn thương mại điện tử này không kiểm soát được chất lượng của các sản phẩm bán ra.

Bên cạnh đó cũng không loại trừ khả năng hàng giả hàng nhái "thâm nhập" vào Temu với nhiều mức giá khác nhau. Do vậy, người dùng có thể mua nhầm hàng giả, kém chất lượng mà không hay biết.

Khách hàng cũng nên lưu ý rằng mặc dù Temu có chính sách đổi trả sản phẩm và hoàn tiền, nhưng do đây là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, với đa số người bán đều từ Trung Quốc, nên quá trình đổi trả sản phẩm và hoàn tiền diễn ra không dễ dàng, mất nhiều thời gian.

Nhiều người dùng sau khi nhận ra mình mua hàng không đúng như mô tả, hàng giả, kém chất lượng, nhưng vì giá trị món hàng không quá lớn, lại ngại quá trình đổi trả hàng phức tạp nên đành chấp nhận mất tiền, thay vì tìm cách hoàn trả món hàng.

Theo VOV


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.