YouNet ECI - công ty phân tích và tư vấn tăng trưởng kênh thương mại điện tử, vừa công bố báo cáo doanh thu các sàn thương mại điện tử quý II/2024.
4 sàn thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki mang về tổng cộng 87.370 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với quý trước đó.
Shopee tiếp tục dẫn đầu với 62.380 tỷ đồng, tương ứng 71,4% thị phần. Thống kê cũng cho thấy sàn này đồng thời chiếm trên 50% thị phần cho tất cả các nhóm ngành hàng thương mại điện tử.
Xếp thứ hai về thị phần giao dịch tiếp tục là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, chiếm 22% thị phần. Kể từ tháng 11/2024, TikTok Shop đã liên tục duy trì được vị trí thứ hai thị trường về thị phần doanh số bán ra.
Nếu nhìn tổng thể, chỉ riêng Shopee và TikTok Shop đã chiếm đến 93,4% thị phần giao dịch của các sàn thương mại điện tử trong quý II/2024.
Miếng bánh rất nhỏ còn lại được chia cho Lazada và Tiki. Lazada thu được 5.160 tỷ đồng, trong khi doanh số của Tiki chưa đến 600 tỷ đồng.
Báo cáo đưa ra những phân tích cụ thể đối với hai "ông lớn" đang dẫn đầu đường đua là Shopee và TikTok Shop.
Cụ thể, giữa hai nền tảng, tốc độ tăng trưởng của Shopee trong quý II so với quý I vượt trội so với TikTok Shop. Nếu như tổng doanh số TikTok Shop tăng trưởng 4,8% so với quý trước thì tổng doanh số Shopee tăng trưởng đến 16,1%, giúp sàn này chiếm thêm 3,5 điểm thị phần.
Theo YouNet ECI, nguyên nhân chính cho sự chênh lệch này nằm ở mức độ phụ thuộc vào nhóm ngành hàng thời trang và phụ kiện của Shopee và TikTok Shop. Theo đó, thị phần ngành hàng này của TikTok Shop cao hơn so với Shopee, và khi nhu cầu thời trang giảm trong quý II (quý I có Tết Nguyên đán, cao điểm của ngành hàng thời trang) thì TikTok Shop đã chịu ảnh hưởng nhiều hơn Shopee.
Giải thích sự tăng trưởng vượt bậc của TikTok Shop và Shopee bất chấp thị trường, báo cáo cho rằng cả hai đều đặt trọng tâm vào các hoạt động Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí).
Đặc biệt trong tháng 6, nếu như TikTok Shop tạo dấu ấn với các phiên livestream trăm tỷ thì Shopee cũng không kém cạnh với chuỗi sự kiện siêu nhạc hội. Nhờ lực đẩy này mà toàn thị trường tháng 6 đã chạm mức 33.800 tỷ đồng/tháng, mức cao nhất từ đầu năm tới nay.
Ông Nguyễn Phương Lâm - Giám đốc Phân tích thị trường của YouNet ECI, dự báo 3 xu hướng chủ đạo sẽ là nguồn động lực tăng trưởng chính cho thương mại điện tử Việt Nam từ 3 đến 5 năm tới là thói quen mua sắm trực tuyến mỗi ngày, các mặt hàng giá trị cao và sự phát triển cực kỳ mạnh mẽ của xu hướng shoppertainment.
Các yếu tố này đã là động lực cho kênh thương mại điện tử tăng trưởng bất chấp khó khăn chung của thị trường bán lẻ.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.