Núi Xuân Vân ở thung lũng Ghềnh Ráng, gần làng phong Quy Hòa, nơi có mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử, là một danh thắng quốc gia nổi tiếng ở Bình Định. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, đã mọc lên một số công trình không phép. Đáng chú ý, trên khu đất lâm nghiệp rộng 700 m2 của ông Phan Phi Hổ - cựu chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định - nghỉ hưu từ 2019, xây công trình đồ sộ nhưng không có giấy phép xây dựng, chính quyền “không hay biết”, cho đến khi báo chí phản ánh.
Khi đó, lãnh đạo Quy Nhơn cho rằng, đây là việc rất nhạy cảm, vì ông Hổ từng nằm trong Thường vụ Tỉnh ủy, mới nghỉ hưu chỉ một năm nay, nên cần xin ý kiến của tỉnh. Sau đó, cựu cán bộ bị xử phạt 4 triệu đồng và buộc khôi phục hiện trạng, do đã tự ý chuyển đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn ngang nhiên tồn tại.
Xây dựng trái phép là vấn đề nóng ở Bình Định vài năm trở lại đây. Con số thống kê của nhà chức trách chỉ ra 8.000 trường hợp xây dựng, lấn chiếm trái phép, nổi cộm là không chỉ người dân, mà nhiều cán bộ, đảng viên cũng tham gia, với quy mô “hoành tráng”. Ngoài ông Hổ, cựu Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Tân cũng xây công trình trái phép; còn cựu Bí thư huyện uỷ Nguyễn Đình Kim thì giả chữ ký, "thâu tóm" 138ha đất rừng phòng hộ.
Chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” trong lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép vốn là vi phạm không mới ở nước ta và xảy ra hầu hết tại các tỉnh, thành. Trong số đó có nhiều “hoàn cảnh” vi phạm khác nhau như: người dân nghèo không có đất ở nên lấn chiếm đất rừng; người dân doanh nghiệp không khó khăn nhưng chiếm đất, xây dựng trái phép để trục lợi; trường hợpmang tính chất côn đồ, sẵn sàng chống trả cán bộ kiểm tra; nhưng nhức nhối nhất là những cán bộ, đảng viên - những người thực thi và hiểu luật pháp nhất lại lợi dụng vị thế, quyền lực và sự cả nể của cấp dưới hay thế hệ lãnh đạo kế nhiệm để lấn chiếm, xây trái phép.
Sự lơi lỏng, du di cho sai phạm trong một thời gian dài dẫn đến hậu quả trước mắt là, nếu làm đúng theo quy định pháp luật, sẽ buộc phải tháo dỡ, gây thiệt hại tài sản cho người dân, nhà nước. Ở góc độ vĩ mô, những sai phạm này phá vỡ quy hoạch tổng thể, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thực hiện những dự án lớn nằm trong quy hoạch.
Tuyến đường chỉ hơn 1km ở Quy Nhơn, nhà nước tốn tiền tỷ mặt bằng vẫn bị tắc, 4 năm chưa thể khởi công, vì trong 200 hộ dân bị giải toả thì có đến 189 hộ tự ý lấn chiếm xây nhà, đất chưa có sổ.
Nhưng nguy hiểm hơn, vi phạm kiểu “mạnh ai nấy chiếm” xảy ra ở quy mô lớn làm xói mòn nền tảng pháp quyền, nơi mọi công dân đều phải tuân thủ quy định pháp luật. Thay vào đó mọi người cùng nhau sai phạm theo hiệu ứng domino, lây lan tiêu cực.
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra, xác minh lần 2, vụ cả khu phố xây không phép trên đất trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thủy sản, đối với dự án khu phố Khang Thị, do Công ty TNHH Địa ốc P&G làm chủ đầu tư.
Lần 1 đã có báo cáo, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm một số cá nhân, tổ chức nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh "chưa đồng ý, vì quá nhẹ".
Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa chỉ ra loạt sai phạm quản lý đất đai tại Phú Quốc, gồm: 774 trường hợp chiếm đất do nhà nước quản lý, hơn 200 khu phân lô bán nền tự phát, gần 1.000 vụ vi phạm đất rừng và kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 10 tập thể, 45 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có 28 lãnh đạo cấp trưởng, phó phòng trở lên, chủ tịch xã qua các thời kỳ và 17 cán bộ địa chính. Hậu buông lỏng quản lý, Phú Quốc “gồng mình” xử lý công trình trái phép.
Huyện Ba Vì cũng ra quyết định phá dỡ 6 biệt thự từ 500-1.000m2 xây trái phép trên đất rừng – giá thị trường mỗi căn 15 đến 17 tỷ đồng, sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thành ủy Hà Nội.
Hay Quảng Ngãi lệnh “đại gia” Nguyễn Hồng Sơn tháo dỡ “biệt phủ” trái phép trên đất lúa, tại Khánh Hoà, Đà Nẵng… doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên (chủ đầu tư dự án khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh) đã "cắt ngọn" tầng xây vượt, tự tháo dỡ 78 căn hộ xây sai phép.
Với sai phạm đất đai, có không ít địa phương yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra vào cuộc, kỷ luật nghiêm sai phạm, thậm chí khởi tố, bắt cán bộ.
Thượng tôn pháp luật là trên hết, xử lý phải công bằng, công tâm và minh bạch. Luật pháp bất vị thân, nếu không xử lý nghiêm cán bộ, lại mang máy ủi đi ủi nhà dân, thì trông rất phản cảm.
Đặc biệt, khi những cán bộ cấp tỉnh, huyện ngang nhiên sai phạm và việc xử lý của chính quyền lại theo kiểu “chỉ mặt đặt tên”, càng khiến những người dân sai phạm bức xúc.
Thực tế việc xử lý của Bình Định thời gian qua chỉ với những công trình nhỏ lẻ, những chiếc máy xúc tháo dỡ công trình trái phép chưa khi nào đến được nhà cán bộ chiếm đất, xây trái phép.
Tôi cho rằng, đã là quy định pháp luật thì mọi công dân đều cần tuân thủ như nhau, nên khi có vi phạm, ai cũng phải chịu trách nhiệm. Với cán bộ, đảng viên vi phạm, cần xử lý trước tiên, để nêu gương. Tương tự, những cá nhân, doanh nghiệp cố tình lấn chiếm, xây trái phép để trục lợi cần phải xử lý răn đe, nghiêm minh.
Mặt khác, việc xử lý cũng cần khéo léo, tránh xung đột lớn giữa người vi phạm và cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời cũng cần đề cao tinh thần nhân văn, chứ không chỉ có phạt và buộc tháo dỡ.
Trong nhiều trường hợp, người vi phạm cần thời gian chuẩn bị và chính quyền cũng cần có giải pháp hậu giải tỏa, đặc biệt là với những người dân có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, không có nhà ở. Nên tháo gỡ theo hướng an sinh xã hội, tạo điều kiện để họ tiếp cận, mua nhà dành cho người thu nhập thấp. Đây là quyết sách căn cơ, tính toán kỹ lưỡng dựa trên cơ sở pháp lý, quy chuẩn pháp luật, tránh trục lợi chính sách.
Một lãnh đạo tỉnh Bình Định kể với tôi, ông nhận được lời cầu cứu từ một xóm nghèo, khi thành phố ra quyết định cưỡng chế nhà không phép. Khi ấy, ông không lệnh cấp dưới kiểm tra báo cáo để quyết định, mà đích thân rời phòng lạnh, về tận nơi đi thực tế.
Khi đến nơi, ông chứng kiến cả xóm đều là dân lao động nghèo, làm nghề xách nước cơm, xe thồ, thợ hồ, bán vé số, bà con cũng là nạn nhân của việc mua bán sang tay. Lãnh đạo này bàn với thành phố, người dân sai rồi nhưng trước mắt, tạm để lại cho bà con có chỗ ở. Nếu đẩy một hộ dân ra đường, sẽ kéo theo con cháu học hành dở dang. Làm như vậy, có tội và hổ thẹn với dân.
Xử lý lấn chiếm và xây dựng trái phép không hề dễ dàng, đặc biệt là những hậu quả do vi phạm trong thời gian dài, có “yếu tố lịch sử”. Nhưng tôi tin chính quyền sẽ thành công khi áp dụng hai điều đã nêu, một là không có vùng cấm, hai là tính nhân văn khi thực thi pháp luật. Chính điều này mới đảm bảo cho một xã hội lành mạnh, thượng tôn pháp quyền, thay vì mạnh ai nấy chiếm, mạnh ai nấy làm.
1.571 hộ sống tại quận 8, TP.HCM bị ảnh hưởng bởi dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi sẽ được bồi thường, bố trí tái định cư đến nơi ở mới, "thoát cảnh" sống chung với ô nhiễm trong thời gian dài.
Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, An Giang vừa được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ngoài lệ phí phải nộp ít hơn so với hình thức trực tiếp, người đổi giấy phép lái xe quốc tế online còn tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại khi có thể thực hiện thủ tục và nhận ngay tại nhà. Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp được công nhận tại 85 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên
Bỗng dưng nhận được thông báo phí SMS Banking tăng gấp nhiều lần, không ít người đã quyết định hủy dịch vụ, chuyển sang lựa chọn miễn phí
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2024 với chủ đề "Chính sách và hướng tiếp cận nhằm đảm bảo quan hệ thương mại mang lại lợi ích chung".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.