Thứ bảy, 06/07/2024

Nguy hại từ việc mua bán các sinh vật ngoại lai

03/07/2024 6:00 PM (GMT+7)

Gần đây, tôm càng đỏ còn gọi là tôm hùm đất, được rao bán giá khá đắt, giống như món ăn cao cấp của nhà giàu. Thế nhưng loài sinh vật này đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục cấm nhập khẩu từ 10 năm nay. Việc mua bán tôm càng đỏ là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy hại.

Sôi động chợ mạng

Tôm càng đỏ, tên gọi khác của tôm hùm đất, là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao. Chính vì vậy, từ năm 2013, tôm hùm đất đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu.

Nguy hại từ việc mua bán các sinh vật ngoại lai- Ảnh 1.

Nguy hại từ việc mua bán các sinh vật ngoại lai- Ảnh 2.

Tôm càng đỏ bán tràn lan trên mạng.

Mặc dù bị cấm nhập khẩu nhưng tôm hùm đất hiện tại đang bán tràn lan trên chợ mạng với giá từ 280.000 – 400.000 đồng/kg tùy loại.

Dạo qua một vòng chợ mạng có thể thấy hoạt động mua bán tôm hùm đất có nguồn gốc từ Trung Quốc diễn ra khá sôi động. Từ hàng nhập cấp đông đến hàng tươi sống, thậm chí là chế biến sẵn, chỉ cần thực khách có nhu cầu, thì loại gì cũng có. Điều đáng nói, dù loại sinh vật này đã bị cấm nhập khẩu nhưng lại đang được rao bán như một món ăn đặc sản và cao cấp của các thực khách có tiền.

“Tôm hùm đất sống. Nhắc lại là sống nhé. Vào mùa vừa rẻ vừa ngon. Siêu béo mà nhiều gạch luôn, nhìn là mê, ăn là phê. Giá 339k/kg. Tôm bao chắc bao ngọt. Đảm bảo ăn sẽ gây nghiện gây thèm. Món này nhậu tốn bia lắm ạ”, một nick T.H rao bán trong một nhóm cư dân.

Liên hệ với tài khoản Facebook N.M đăng bài kèm theo hình ảnh, clip “tôm hùm đất giá siêu rẻ”, phóng viên được người bán giới thiệu, đây là món hàng “độc quyền” đặc sản xứ Trung, hiếm trên thị trường và được bán với giá 329.000 đồng/kg tươi sống. Cũng theo N.M, hiện tôm hùm đất đang vào mùa nên vừa rẻ vừa ngon, loại tôm này có thịt trắng nõn, có độ dai, bùi, ngọt thịt, giá thành lại rẻ hơn so với những loại tôm hùm cỡ lớn khác. “Thị trường đang bán gần 400.000 đồng/kg, nhưng nhờ nhập trực tiếp với số lượng lớn nên giá của cửa hàng chỉ 329.000 đồng/kg. Nếu mua sỉ số lượng lớn thì giá càng siêu đẹp, nếu khách có nhu cầu chế biến sẵn theo khẩu vị thì món gì cũng có”, N.M cho biết.

Tương tự, tài khoản Facebook H.V cũng báo giá tôm hùm đất size 35 - 40 con/kg giá 340.000 đồng/kg, loại xịn hơn size 30 - 35 con/kg có giá 380.000 đồng/kg. Nếu khách mua từ 10 kg trở lên sẽ được tính giá sỉ, khoảng 280.000 - 300.000 đồng/kg. “Hàng hiếm nhé ạ. Ngon ngọt đỉnh luôn - gạch béo ngậy. Giao sống tận tay. Nếu khách muốn giao tận nhà ở nội thành Hà Nội chúng tôi hỗ trợ đặt giao hàng và chi phí khách tự trả. Còn khách ở tỉnh lân cận, thì phải mua ít nhất 10 kg, bên này không chỉ tính giá sỉ mà còn bao luôn tiền gửi hàng qua xe khách”, H.V cho hay.

Ngoài bán tôm sống, nhiều người rao bán set chế biến sẵn và khẳng định chắc chắn, hàng được nhập khẩu tươi từ nước ngoài về, hút chân không và không có chất bảo quản, có giá 120.000 - 140.000 đồng/hộp 700 gram. Mỗi set tôm hùm đất sốt bơ tỏi giá bán dao động 129.000 – 260.000 đồng/set (nặng tầm 700 – 800 gram).

Theo người bán quảng cáo, loại chế biến sẵn này là tôm hùm đất đã trải qua quy trình chế biến, tẩm vị, hút chân không đóng gói an toàn, chất lượng, nói không với chất bảo quản. Mỗi gói tôm có khoảng 20-22 con tôm, đều có phụ đề tiếng Việt cho mọi người dễ đọc. Khi mua gói chế biến sẵn về, khách hàng chỉ cần sử dụng lò vi sóng để hâm nóng hoặc chiên, xào lên là có thể ăn được.

Nguy hại từ việc mua bán các sinh vật ngoại lai- Ảnh 3.

Sản phẩm chế biến từ tôm càng đỏ được quảng cáo nhập về từ nước ngoài không tem mác.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, những hộp thực phẩm đựng tôm hùm đất chế biến sẵn được người bán quảng cáo là “hàng hiếm, nhập khẩu nguyên đai nguyên kiện” đều có chữ Trung Quốc, không có tem mác, hay hướng dẫn sử dụng, phụ đề tiếng Việt.

Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, loại tôm này cực kỳ nguy hiểm, chúng sống rất dai, sống trong môi trường có nước cũng được và trên cạn cũng được. Chúng ăn các loại cá nhỏ và rác tạp bản địa sẽ làm mất đi sự cân bằng sinh thái. Đặc biệt là chúng có hai cái càng cực sắc và khỏe. Chúng đào hang có thể là từ 80cm đến 1 mét, gây sạt lở bờ và kênh mương. Tốc độ phá hoại của chúng nguy hiểm hơn ốc bươu vàng rất nhiều. Nếu chúng thoát ra môi trường sống tự do thì con người không thể ngăn chặn kịp được. Nghiêm trọng hơn nữa chúng mang nhiều mầm bệnh vi rút gây hại cho con người.

Thế nhưng đa số người bán hàng đều không hề hay biết ở Việt Nam cấm mua bán tôm hùm đất. Chủ một tài khoản Facebook T.V - chuyên bán hải sản cho biết: “Tôi thấy mối bán buôn mời chào vì tôm hùm đất là loại đang được ưa chuộng, ăn ngon nên cứ có khách đặt là tôi lấy hàng để bán. Tôi không biết đây là hàng cấm”. Thậm chí người này còn rao bán như một loại hải sản cao cấp và còn tuyển cả cộng tác viên sỉ lẻ. Theo lời quảng cáo của T.V trên một hội nhóm thì “Món đang hot trend ai muốn lấy sỉ bán nhanh tay nhắn tin đặt hàng kẻo hết. Hàng sẽ gửi được 64 tỉnh thành, giá cực tốt, cực cạnh tranh”.

Quan trọng vẫn là ý thức

Câu chuyện tôm hùm đất khiến nhiều người liên tưởng đến cách đây vài năm, nhiều sinh vật ngoại lai bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam nhưng không hiểu sao vẫn được thổi giá, tạo thành cơn sốt chưa từng có. Nhưng sau những cơn sốt ấy thì người chịu thiệt thòi nhất vẫn là những thương lái Việt khi trót ôm cả đống hàng rồi phải đổ bỏ.

Có khoảng thời gian thương lái Trung Quốc về Đồng bằng sông Cửu Long mua ốc bươu vàng. Loại ốc phá hoại mùa màng rất dễ sinh sôi nảy nở trên đồng ruộng miền Tây. Tại thời điểm đó, giá 1kg ốc còn cao hơn cả 3kg thóc.Món lợi trước mắt khá lớn, khiến nhà nhà người người thi nhau đi bắt ốc. Đỉnh điểm, khi cơn sốt ốc bươu vàng lan rộng, vì hám lợi trước mắt, bất chấp những cảnh báo từ cơ quan chức năng, thay vì phải tận diệt thì đã có không ít hộ dân lại đào ao nuôi loại ốc này. Và hậu quả là chính nông dân bị ảnh hưởng nặng nhất do ốc bươu vàng phá hoại mùa màng. Đến thời điểm hiện tại, có thể nói ốc bươu vàng đang là loài động vật gây hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp Việt Nam do chúng có tốc độ sinh trưởng và sinh sản nhanh.

Hay những năm trước, nuôi rùa tai đỏ, cá dọn bể làm cảnh trở thành phong trào của người Hà Nội khiến nhiều nơi nhập về bán tràn lan. Tại một số chợ trên địa bàn và các lễ hội chùa, đình, người dân bán rùa tai đỏ với mục đích thương mại hóa và như một món đồ chơi đã thu hút hàng trăm người đặc biệt là trẻ nhỏ vốn dĩ tò mò. Tuy nhiên những người bán cũng như những người mua cũng không hề biết tác hại của loài sinh vật này mà vẫn vô tư mua bán. Sức tàn phá của rùa tai đỏ đối với môi trường nghiêm trọng hơn nhiều so với các loại động, thực vật du nhập trước đây như ốc bươu vàng, bèo tây, cây mai dương… Khi thoát ra tự nhiên, rùa tai đỏ sẽ cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa, dẫn đến lấn át, tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, đưa đến phá vỡ cân bằng sinh thái.

Nguy hại từ việc mua bán các sinh vật ngoại lai- Ảnh 4.

Ốc bươu vàng từng được nuôi thả đã ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp.

Không chỉ gây hại cho các loài thủy sinh bản địa và phá vỡ cân bằng sinh thái, loài rùa tai đỏ còn là hiểm họa lớn đối với ngành nông nghiệp. Nó gây hại cả về mặt thủy sản và trồng trọt, bởi nó ăn cả động vật cả thực vật dưới nước. Chưa kể, đây còn là loại động vật có thể lây truyền vi khuẩn salmonella gây tiêu chảy và thương hàn cho người, nhất là những người sống ở vùng sông nước.

Cá dọn bể hay còn gọi là cá lau kính có nguồn gốc từ Nam Mỹ du nhập vào Việt Nam với mục đích làm vệ sinh bể cá. Ở trong bể, loại cá này khá hiền lành và hầu như không thấy lớn, nhưng khi thoát ra môi trường tự nhiên, nó sinh sản nhanh và tăng trưởng về kích cỡ, trọng lượng. Theo các nhà nghiên cứu, loại cá này ăn tạp. Nó không chỉ tranh thức ăn mà còn theo các loài cá khác hút nhớt. Đã có khoảng thời gian, người dân các tỉnh thành từ Bắc vào Nam khốn khổ vì loại cá này sinh sôi nảy nở trên sông ngòi, khiến việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề.

Tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, kiểm soát sự phát triển của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại là một trong những nhiệm vụ đang được các cấp, các ngành liên quan chú trọng thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, biện pháp phòng ngừa được ưu tiên hàng đầu, vì một khi sinh vật ngoại lai xâm hại đã thích nghi và phát triển thì chi phí để tiêu diệt chúng là rất lớn và hầu như rất khó tiêu diệt hoàn toàn.

Thực tế cho thấy, việc ngăn chặn hiệu quả phát triển của các loài sinh vật ngoại lai phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và sự tham gia chủ động của người dân. Các tổ chức, cá nhân, phải có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý các loài ngoại lai, loài ngoại lai xâm hại, nâng cao nhận thức và ý thức về tác động của sinh vật ngoại lai đến đời sống, kinh tế, xã hội, môi trường; trong kiểm soát, diệt trừ sinh vật ngoại lai xâm hại; khi phát hiện loài sinh vật ngoại lai xâm hại phải thông báo ngay tới cơ quan chức năng gần nhất để có biện pháp xử lý và kiểm soát kịp thời. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân không được nuôi trồng, sử dụng sinh vật ngoại lai xâm hại vào các mục đích có thể gây nguy cơ phát tán như: làm cảnh, làm thực phẩm…

Trước tình tôm càng đỏ (hay còn gọi là tôm hùm đất) sôi động trên chợ mạng, mới đây, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) yêu cầu hải các quan địa phương tăng cường kiểm soát tôm hùm đất. Để kịp thời ngăn chặn và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng tôm hùm đất bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan, đội kiểm soát hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất. Cùng với đó, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này vào Việt Nam.

Tổng cục Hải quan cũng dẫn căn cứ khoản 7, Điều 7 và Điều 50 Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 quy định những hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có bao gồm hành vi nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại (bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại).

Căn cứ Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Thủy sản thì tôm hùm đất không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; căn cứ Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tôm hùm đất thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Theo ANTG

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Triển khai các chương trình trợ giúp người Việt Nam ở nước ngoài

Triển khai các chương trình trợ giúp người Việt Nam ở nước ngoài

6 tháng đầu năm, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã hỗ trợ nhiều kiều bào tìm hiểu về thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư, kinh doanh, lao động, nhà đất…, đồng thời tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp, phát triển kinh tế.

Nhiều tên tuổi điện tử, công nghệ cao thế giới tiếp tục gọi tên Việt Nam

Nhiều tên tuổi điện tử, công nghệ cao thế giới tiếp tục gọi tên Việt Nam

Công ty bán dẫn hàng đầu thế giới Amkor Technology, Inc. đặt nhà máy lớn nhất thế giới tại Bắc Ninh với vốn 530 triệu USD. Số vốn đăng ký của Amkor tại Việt Nam mới tăng vọt lên 1,6 tỷ USD, tiếp tục làm nóng cuộc đua trong lĩnh vực điện tử.

Công thức thành công khó sao chép của Vincom Shophouse Royal Park Quảng Trị

Công thức thành công khó sao chép của Vincom Shophouse Royal Park Quảng Trị

Là giỏ hàng “hot” nhất trên thị trường Quảng Trị, Vincom Shophouse Royal Park sở hữu công thức thành công khó sao chép của dòng sản phẩm shophouse “2 trong 1” do thương hiệu bất động sản số 1 Việt Nam phát triển, mang đến giá trị an cư tiện nghi và kinh doanh, đầu tư giàu tiềm năng cho khách hàng và nhà đầu tư.

Thay pin xe máy điện có cần dùng pin chính hãng?

Thay pin xe máy điện có cần dùng pin chính hãng?

Theo chuyên gia, việc ham rẻ và phớt lờ cảnh báo của nhà sản xuất trong việc dùng pin độ, chế sẽ mang tới nhiều rủi ro khó lường.

Cần nghiên cứu kỹ trước khi bỏ số đếm lùi đèn tín hiệu giao thông

Cần nghiên cứu kỹ trước khi bỏ số đếm lùi đèn tín hiệu giao thông

Tiến sĩ Dương Như Hùng, Trường Đại học Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay ông không phản đối việc bỏ đếm số ngược tín hiệu đèn giao thông đang thí điểm ở TP.HCM. Tuy nhiên ông cho rằng cần có thời gian nghiên cứu kỹ, không nên thí điểm đại trà.

Vì sao nhiều người dùng điện thoại Vertu cả trăm triệu đồng bỗng bị khóa sim, khóa sóng?

Vì sao nhiều người dùng điện thoại Vertu cả trăm triệu đồng bỗng bị khóa sim, khóa sóng?

Nhiều người sử dụng điện thoại Vertu cầu cứu vì chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng thì bị khóa sim, khóa sóng, biến thành "cục gạch". Vì sao lại như vậy?