Cần nỗ lực hơn để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm châu Âu
Quang Dương
02/08/2024 1:44 PM (GMT+7)
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 57 cảnh báo của EU về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo.
Sáng 2/8, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP.
Thông tin tại hội nghị, ông Ngô Xuân Nam - Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, thông báo thay đổi và dự thảo các biện pháp SPS của EU trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam. Ngược lại, một số thị trường như Trung Quốc gần như không có thông báo nào.
Trong 6 tháng đầu năm số lượng cảnh báo từ EU tăng bất thường. Cụ thể, Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, TP.HCM chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo.
Việc EU tăng số lượng cảnh báo góp phần khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Hiện Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra biên giới: thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%).
Tại hội nghị, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết, ngành hàng hồ tiêu nói riêng và gia vị nói chung còn tồn tại một số hạn chế.
Bà Liên kiến nghị doanh nghiệp trong lĩnh vực bên cạnh việc theo dõi, cập nhật thông tin trên các website của cơ quan quản lý dữ liệu Nhà nước cũng cần quan tâm đến website của SPS từ EU để cập nhật thông tin về mọi mặt hàng. Từ đó, doanh nghiệp có thể tham khảo các lô hàng có cùng lợi thế cạnh tranh từ các nước bị cảnh báo để rút kinh nghiệm.
Với số liệu về những lô hàng bị cảnh báo trong ngành hàng gia vị, bà Liên chỉ ra 3 vấn đề mà ngành hàng này đang gặp phải khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu như: chỉ tiêu MIL, dư lượng thuốc, vi sinh vật, kim loại nặng…
Bà Liên đề xuất cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa cơ quan quản lý đầu mối, doanh nghiệp, hiệp hội để xử lý các vấn đề như lô hàng bị trả lại, khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến SPS.
Qua theo dõi những năm vừa qua, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận xét, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng có xu hướng tăng.
Nhật Bản và Hàn Quốc cùng là thành viên của Hiệp định RCEP. Doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics khi xuất sang những thị trường xa như EU, Hoa Kỳ.
Dự báo về tình hình đến cuối năm 2024, ông Nguyên kỳ vọng ngành hàng rau quả có thể xuất khẩu đạt 7 tỷ USD.
“Mỗi khi mở cửa một thị trường mới, doanh nghiệp đa phần lúng túng và cần một đầu mối để thông tin, hướng dẫn. Văn phòng SPS Việt Nam đã làm rất tốt, giống như người dẫn đường cho nông sản Việt ra nước ngoài”, ông Nguyên nói.
Nửa năm 2024, Việt Nam nhận 57 cảnh báo của EU về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đối với nông sản Việt nhập khẩu vào khu vực này. Ảnh minh họa: T.T
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá, nhận thức về xuất khẩu của doanh nghiệp đôi lúc còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, người dân còn nhiều khâu chưa kiểm soát được 100%.
Ông Hòa lấy ví dụ, nguồn nước tưới, đất, bình tưới… tất cả đều có thể là nguy cơ lây nhiễm, tồn dư thuốc BVTV. Trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, ông Hòa thừa nhận, không ít cơ sở định lấy chứng nhận HACCP nhưng nhà xưởng chưa thiết kế theo kiểu một cửa, hoặc để chó, mèo xuất hiện xung quanh khu vực nhà máy.
Chính vì những nhận thức chưa sâu sắc này đã góp phần khiến số lượng cảnh báo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng bất thường.
Ông Hòa đề xuất các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm, tìm hiểu thông tin liên quan đến các vấn đề SPS, đồng thời kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn tới cơ quan quản lý.
“Văn phòng SPS Việt Nam cam kết hỗ trợ vấn đề thông tin về kiểm dịch, an toàn thực vật, giúp doanh nghiệp đáp ứng một cách tốt nhất các quy định trong các FTA thế hệ mới, trong đó có RCEP và EVFTA", ông Hòa khẳng định.
Hàng không tăng tốc bổ sung tàu bay phục vụ cao điểm Tết
Cao điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu đi lại của người dân bị kiến tăng cao khiến các hãng hàng không phải gấp rút tìm cách bổ sung đội tàu bay, tăng tải phục vụ.