Cuộc hẹn phỏng vấn của chúng tôi với bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Kim Oanh Group, diễn ra vào cuối ngày khi bà đã xong các cuộc họp theo kế hoạch, tại trụ sở Kim Oanh Group ngay khu vực Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Đây là trụ sở mới của Kim Oanh Group, thay thế cho trụ sở tại tỉnh Bình Dương.
Dời trụ sở từ Bình Dương lên TP.HCM, bà Oanh nói rằng đây có thể xem là bước ngoặc mới, đánh dấu sự thay đổi và bứt phá của Kim Oanh giai đoạn tới, dần thay đổi quan niệm của nhiều người rằng Kim Oanh chỉ "phân lô bán nền", làm nhà cấp thấp.
Bà Oanh quyết liệt và đầy mạnh mẽ khi chia sẻ về cuộc đời, về doanh nghiệp bất động sản do chính mình sáng lập và cả những áp lực khiến bà phải rơi nước mắt trong vài năm qua. Nhưng sau tất cả, bà cảm thấy hài lòng với những gì Kim Oanh Group đang có. Phía sau một nữ doanh nhân là một gia đình hạnh phúc, một người chồng chia sẻ công việc và con cái đã trưởng thành, từng bước kế nghiệp gia đình.
Từ quán cà phê ra bất động sản
- Kim Oanh là một doanh nghiệp bất động sản có tiếng, nhất là tại Bình Dương, Đồng Nai. Bà là người sáng lập Kim Oanh và trước đây cũng từng bắt đầu công việc môi giới bất động sản. Quá trình đó như thế nào, có khó khăn gì với một người phụ nữ không?
CEO Đặng Thị Kim Oanh: Đó là một câu chuyện dài, chắc phải nói cả ngày mới hết. Tôi đi lên từ khó khăn, rất vất vả mới có được những gì hôm nay. Quá trình đó cũng rất thăng trầm. Nói chung người Huế, đặc biệt là phụ nữ Huế, có sức chịu đựng, chịu khó rất cao, từ làm dâu, làm vợ, làm mẹ, tôi cũng không khác. Và tôi thấy trong kinh doanh, mình cũng có đức tính như vậy.
Tôi bắt đầu vào TP.HCM năm 2001, lúc đó đi bằng tàu, con mới được 3 tháng, còn phải ẵm trên tay. Tôi vào và bắt đầu buôn bán tạp hóa, đồ gia dụng như nồi cơm điện, máy xay sinh tố tại Thủ Đức. Công nhân cần gì là mình có hết. Với niềm vui mua bán, nhiệt tình, chịu khó đi lấy hàng, chở hàng về mỗi ngày nên kinh doanh tốt. Nhưng cuối cùng do bị canh tranh không lành mạnh, xảy ra chuyện. Khi đó, tôi cũng sợ lắm nhưng không lẽ mình lại trở về quê nên cuộc đời đưa đẩy thế nào, tôi về Bến Cát, Bình Dương.
Lên Bến Cát cũng thăng trầm, mở cửa hàng nhưng bán không được. Tôi chuyển qua bán cà phê. Bán cà phê không đủ sống, tôi chuyển qua bán bún bò, bánh bèo, nậm lọc... Cuối cùng phải quay về bán lại cà phê. Từ quán cà phê đó mới ra cái nghề bất động sản.
- Vì sao từ bán cà phê lại ra bất động sản, bà có thể giải thích rõ hơn?
Thời gian đó, nhiều người ở miền Tây lên mua đất, họ vào uống cà phê hỏi có biết ai bán đất không. Thực tế tôi đâu có biết đất đai gì nhưng có mấy người chủ đất tại khu vực đó, nhờ mình có ai tới thì giới thiệu giúp. Tôi lanh lẹ, giới thiệu bán được cả chục miếng đất nhưng tư vấn xong, họ dắt nhau đi luôn. Mình đâu có điện thoại mà tìm lại được. Ức quá, lúc đó tôi mới bắt đầu nghĩ sẽ tự mình ra làm bất động sản cho coi.
Rồi, có một chị ở Thủ Đức lên nhà tôi để tìm mua đất. Tôi chở đi chở về cả tháng trời chỉ người ta mua đất của một văn phòng bất động sản. Người bán đất cho chị ấy có 2 lô, giá 300 triệu mà bán tới 700 triệu, họ gửi tôi 10 triệu nhưng cuối cùng bị méc vì "tội" nhận hoa hồng. Chị ấy không hài lòng. Do quá kẹt nên tôi đã sử dụng hết một nửa, còn một nửa tôi quyết trả lại. Vì ức quá, tôi quyết định làm bất động sản. Đó là cái duyên.
Giai đoạn 2001 - 2005, tôi bắt đầu ra làm, ban đầu chỉ là "cò" đất thôi. Văn phòng chỉ 10m2 với mỗi một cái bàn. Mua bán hồi đó dưới dạng viết tay, đất đai là dự án thật. Tôi nhớ, khi đó bên kia đường đối diện văn phòng có cái quán nước, mọi người chờ ở quán đến lượt vào mua. Mình cứ xếp lịch 8 người là vào một lần, mua rồi lăn tay, liên tục như vậy.
Sau thời gian thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, tháng 4/2009, tôi quyết định lập công ty với số vốn 24 tỷ đồng cùng 8 người. Khi lập công ty, kinh doanh bài bản, chúng tôi mua đất nền để phân phối, bán lẻ, bao tiêu và rất thành công do "mát tay". Lúc cao điểm, Kim Oanh có hơn 100 nhân viên bán bất động sản.
Nhưng rồi sau đó cũng gặp khó khăn về vấn đề pháp lý do mình chỉ làm môi giới thôi. Tôi nghĩ đến việc chủ động để không bị lệ thuộc vào doanh nghiệp cung cấp. Năm 2014, chúng tôi ra lập công ty, bắt đầu làm chủ đầu tư luôn và phát triển nhiều dự án tới bây giờ.
"Có lúc tôi khóc nhiều lắm..."
- Không thể phủ nhận sự phát triển của Kim Oanh nhưng vài năm qua, doanh nghiệp của bà cũng không ít lần lùm xùm, tai tiếng. Giai đoạn đó, với bà như thế nào?
Đúng vậy, tôi rất vất vả mấy năm qua, tôi phải gọi đó là những "cuộc chiến" thương trường. Chúng tôi đối mặt và phải giải quyết 9 vụ tố cáo, nhưng đến nay Kim Oanh đã vượt qua được.
Điều gì khiến tôi vượt qua? Tôi nghĩ, bởi tôi luôn tin ở chính bản thân mình, lúc nào cũng phải thật cứng rắn và bản lĩnh. Tôi từng nói sợ mình làm sai chứ không sợ mình nói sai. Tôi luôn chọn cách không đối đầu mà chọn đối thoại, gặp gỡ để giải thích cho họ, khiến họ hiểu mình bằng lời, bằng văn bản và những gì mình đã có.
Là lãnh đạo Kim Oanh Group, tôi luôn kiềm chế và suy nghĩ tích cực. Khi áp lực quá, tôi phải tự cho rằng đó là nghiệp kiếp trước của mình để áp lực vơi đi. Nhiều người nói chị Oanh sao mạnh mẽ vậy nhưng có những lúc tôi khóc nhiều lắm. Nhưng khi về tới nhà, tôi lau nước mắt không để chồng con biết. Lắm lúc doanh nghiệp cô đơn, áp lực chứ không phải chỉ nhìn bên ngoài. Tôi đâu phải là sắt là thép.
Bản tính của tôi là suy nghĩ tích cực và kiềm chế tốt. Vượt qua những khó khăn, tôi tự hào vì người thương tôi nhiều hơn người ghét. Tôi chọn đối thoại chứ không đối đầu, thậm chí tôi cùng họ tháo gỡ khó khăn, làm sao để không tổn thương nhau.
- Sau 2 năm khó khăn vì dịch Covid-19 và sau những "cuộc chiến" như bà nói, cùng với những thay đổi gần đây của Kim Oanh, sắp tới doanh nghiệp sẽ phát triển theo hướng nào, bà có thể chia sẻ thêm?
Sắp tới đây, chúng tôi phát triển các dự án thương mại, dịch vụ theo tiêu chuẩn cao cấp hơn, hiện đại và quốc tế chứ không phải tư tưởng Kim Oanh là phân nền, bán nhà thấp cấp nữa. Việc phát triển này sẽ tùy theo dự án, vị trí.
Chúng tôi đi theo hướng khép kín, xây dựng các công trình theo hướng phát triển kinh tế, có đầy đủ chức năng giáo dục, y tế, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Hiện chúng tôi chưa có kinh nghiệm thì đồng hành cùng các doanh nghiệp khác để phát triển các dự án này.
Tôi vừa có cuộc họp, thống nhất đầu năm mới 2023 sẽ xây 5.000 căn nhà ở xã hội ở Đồng Nai và 5.000 ở Bình Dương, gồm dự án thấp tầng và cao tầng. Tuy làm nhà ở xã hội nhưng chúng tôi vẫn luôn đặt cái tâm vào đó, xây nhà ở với đầy đủ tiện ích cho người lao động như trường học, công viên, hồ bơi, dịch vụ... để người lao động bình thường cũng có thể mua được nhà, an cư lạc nghiệp.
Kim Oanh Group là gia đình
- Chúng tôi được biết chính Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Kim Oanh xuống bếp nấu ăn cho nhân viên mỗi tuần, đặc biệt là món bún bò Huế. Công việc nhiều như vậy, vì sao bà vẫn dành thời gian xuống bếp, nó có lạ lùng quá không với một Chủ tịch HĐQT?
Thực ra, tôi rất đam mê nấu ăn. Tại căn-tin của công ty luôn có đồ để tôi nấu. Cố định thứ tư mỗi tuần tôi đều xuống bếp nấu cho nhân viên. Nhân viên bây giờ cũng biết vị đâu là bếp làm, đâu là sếp nấu. Sáng tôi dậy sớm một tí, 6h chuẩn bị đầy đủ, 9h tôi có cuộc họp. Sau đó tôi nêm thử, kiểm tra. Hơn 12h là nhân viên ăn trưa.
Nấu ăn cho toàn bộ nhân viên mình, tôi cảm thấy rất vui. Nhiều nhân viên đi làm, các bạn dậy từ 5h sáng chuẩn bị cơm mang theo, giờ có hẳn bữa trưa tại công ty thì tiện hơn nhiều. Đối với Kim Oanh và các nhân viên, tôi coi như một gia đình. Ước mong của tôi là ngày nào cũng nấu cho nhân viên của mình nhưng không có thời gian nên chỉ duy trì mỗi tuần 1 lần.
Nhiều người cũng hỏi tôi tại sao lại mất thời gian như vậy. Nhưng tôi đâu có mất thời gian của công việc đâu. Tôi vẫn họp đầy đủ mà, công việc theo lịch thì cứ diễn ra mà. Từ những bữa ăn trưa này phát sinh sự cảm thông và thấu hiễu lẫn nhau giữa mình với nhân viên. Đó là sự chia sẻ và trân quý.
Nhiều nhân viên tại công ty, khi thấy họ khó tiếp cận mua được nhà, tôi sẵn sàng hỗ trợ từ vài trăm triệu đồng. Cùng với số tiền đã có, khoản hỗ trợ này giúp nhân viên có được một nửa giá trị căn nhà, chỉ cần phải vay thêm một nửa nữa là có nơi an cư lạc nghiệp. Tôi luôn xem Kim Oanh Group là một gia đình. Người ta hay nói khi giúp ai đó, chỉ nên trao cần câu không nên trao con cá nhưng với tôi, tôi đưa cả hai. Con cá để họ dùng ngay thời điểm đó và cần câu để họ tiếp tục làm chủ cuộc đời mình.
- Còn các hoạt động xã hội bên ngoài của Kim Oanh thì như thế nào? Hồi dịch Covid-19, tôi từng thấy hình ảnh bà Kim Oanh đứng nấu bún bò cho các y bác sĩ, nhân viên y tế, đó là giai đoạn rất khó khăn.
Đối với tôi, sinh ra và lớn lên, trong cái nghèo cái khó, trải qua thăng trầm quá nhiều, mục tiêu bây giờ không phải là làm để sung sướng mà thứ nhất là chăm lo cho cuộc sống nhân viên ổn định. Thứ hai là đóng góp cho xã hội. Nói đóng góp cho xã hội thì nó bao la quá nhưng chúng tôi chọn đi đến những nơi khó khăn, những nơi đang cần giúp đỡ và hỗ trợ nhất.
Tôi làm công tác xã hội 14 năm rồi và làm xuyên suốt nhưng chọn cách âm thầm, không phô trương từ bảo trợ trẻ em, hỗ trợ người dân trong vùng ngập, lũ các tỉnh miền Trung, những chương trình hướng đến Hoàng Sa, Trường Sa. Kim Oanh cũng rất kịp thời hỗ trợ thuốc men trong đợt cao điểm dịch Covid-19 cho các bệnh viện điều trị. Các hoạt động sắp tới của chúng tôi là hướng đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM...
Chúng tôi có quỹ từ thiện để cán bộ nhân viên cùng đồng lòng, kêu gọi tinh thần của anh em là chính, giúp đỡ khó khăn cho người cần giúp đỡ. Tôi làm từ thiện một cách sát sao, chi tiết, kịp thời và hiệu quả. Để làm điều đó, đồng tiền của tôi không phung phí, đưa đến tay, kịp thời, nhanh chóng để người thụ hưởng được nhận.
"Ở công ty lãnh đạo, về nhà phải khác"
- Là lãnh đạo công ty, bà làm thế nào để cân bằng phát triển doanh nghiệp và dành thời gian cho gia đình?
Sẵn nói về tính nữ trong lãnh đạo, theo tôi, phụ nữ chịu đựng, chịu khó, kỹ càng hơn so với nam giới. Đối với tôi là vậy. Nếu một phụ nữ cứng rắn, có niềm tin và chiều sâu thì tôi tin rằng việc điều hành doanh nghiệp rất tốt. Cách điều hành của tôi là sát sao, chi tiết, kịp thời và hiệu quả.
Theo tôi, đối với phụ nữ ngoài làm kinh tế giỏi thì cũng phải làm đẹp, cân bằng gia đình, đúng vai trò một người dâu, người vợ, người mẹ và người lãnh đạo công ty. Tôi ở công ty như vậy đó nhưng về vẫn nấu cơm cho chồng cho con. Có những món ăn phải đúng vị thì tôi phải chịu khó một tí. Không phải ở công ty mình lãnh đạo thì về mình cũng áp lãnh đạo, như vậy không mang lại hạnh phúc, mà chỉ tổn thương nhau. Về nhà, mình vẫn phải làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ.
- Chồng và các con có chia sẻ với công việc của bà?
Tôi nghĩ trồng cây ngọt thì sẽ hái được quả ngọt. Tôi hạnh phúc với gia đình khi chồng và các con rất chia sẻ. Nhiều người nói rằng không phải doanh nghiệp nào vợ chồng cũng cùng làm với nhau được và con cái ngoan ngoãn nhưng tôi hạnh phúc vì có được điều đó.
Chồng là người giữ vai trò cố vấn cho tôi. Hai người không thể chung một công việc. Ảnh là người rất giỏi thiết kế, chi tiết nhà cửa, khoản này rất hay. Chúng tôi chia sẻ mỗi người một việc theo sở trường. Tôi hạnh phúc khi con cái ngoan ngoãn, biết quý trọng đồng tiền. Các con đi học nước ngoài rất tự lập. Ngoài giờ học ở trường thì đều đi làm thêm từ bưng bê làm nhà hàng, đứa đi dạy thêm, không phụ thuộc vào mẹ.
- Thế hệ F2 của nhiều doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam đã bắt đầu lãnh đạo, bà đã tính đến chuyện để các con kế nghiệp gia đình chưa?
Nói thật là trong tình hình kinh tế, bật động sản hiện nay thì tôi vẫn chưa hoàn toàn yên tâm. Tôi nghĩ phải 3 năm nữa, chúng tôi xử lý xong cái cũ để lại trước. Định hướng sắp tới đây, tôi sẽ cấu trúc lại hệ thống, hướng về mục tiêu sản xuất, giáo dục, công nghiệp. Tôi muốn mỗi đứa con một ngành nghề. Do đó, giai đoạn này các con vẫn phải tiếp tục tăng thêm kinh nghiệm để có thể quán xuyến công việc trong tương lai.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!