Bộ Tư pháp đang tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định bổ sung Nghị định số 87/2021 của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020 thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Góp ý vào dự thảo, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho rằng, Nghị định 20/2020 quy định khi xác định đơn giá tiền lương khoán năm 2020, Vietnam Airlines được tính bù chênh lệch tiền lương của phi công là người Việt Nam (PCVN) mà công ty trả thấp hơn so với phi công là người nước ngoài (PCNN).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines không thỏa mãn điều kiện về lợi nhuận để được tính bổ sung phần chênh lệch tiền lương của PCVN và PCNN.
Vì vậy, theo ông Hòa, đã có sự chênh lệch khá lớn về mức tiền lương giữa PCVN và PCNN của Vietnam Airlines (cùng chức danh, đội bay, thực hiện cùng nhiệm vụ) và với phi công của các hãng hàng không trong nước.
Chênh lệch tiền lương với thị trường lao động dẫn đến số PCVN chấm dứt hợp đồng lao động với Vietnam Airlines giai đoạn 2018-2022 lên tới 154 người.
Khi thị trường hàng không phục hồi hậu Covid-19, con số này tiếp tục tăng nếu Vietnam Airlines không có động thái tích cực giữ chân người lao động. Đến hết quý I/2023, đã có thêm 8 PCVN xin chấm dứt hợp đồng lao động với Vietnam Airlines.
"Việc phi công xin thôi việc, chuyển nhà khai thác đặc biệt trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 đe dọa nghiêm trọng đến kế hoạch phát triển đội tàu bay của Vietnam Airlines do khai thác các PCVN xin chấm dứt chủ yếu là những phi công là giáo viên, lái chính có nhiều năm kinh nghiệm", ông Hòa cho hay.
Để đảm bảo giữ chân, thu hút lao động PCVN, góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, ông Đặng Ngọc Hòa khẳng định việc xây dựng cơ chế bù chênh lệch lương giữa PCVN và PCNN bay cho Vietnam Airlines là cấp thiết.
"Việc ban hành Nghị định bổ sung Nghị định 87/2021 của Chính phủ rất quan trọng và cần thiết đối với Vietnam Airlines", ông Hòa nêu rõ trong văn bản góp ý.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng dẫn báo cáo số 497/2023 của Vietnam Airlines cho thấy từ năm 2020, doanh nghiệp này đã phấn đấu chi trả tiền lương PCVN tiệm cận mức chi trả đối với PCNN (tối đa 90%). PCNN được thuê qua dịch vụ của công ty cung ứng nhân lực khác và chi phí nhân công của một PCNN bao gồm lương, phí dịch vụ, bảo hiểm, đào tạo,.., chưa nêu rõ được tiền lương bình quân thực tế của PCNN.
Do đó, để có cơ sở xác định việc bổ sung tiền lương trả thêm cho PCVN, Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung vào dự thảo tờ trình Chính phủ làm rõ tiền lương bình quân thực tế của PCNN tại Vietnam Airlines và trên thị trường lao động hiện nay, thu nhập bình quân (gồm tiền lương và tiền thưởng) của PCVN theo Nghị định số 87/2021 và Nghị định số 20/2020.
"Trên cơ sở đó, đề nghị tỷ lệ chi trả tiền lương phi công Việt Nam so với phi công nước ngoài cho phù hợp", ông Thăng góp ý.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, trước khi thực hiện thí điểm tiền lương theo Nghị định số 20 thì tiền lương của PCVN đã rất bất cập, thấp hơn nhiều so với PCNN cùng làm việc cho hãng này.
Cụ thể, tiền lương bình quân của PCVN năm 2018 là 124 triệu đồng/tháng, bằng 50% tiền lương của phi công nước ngoài là 249,69 triệu đồng/tháng.
Năm 2019, tiền lương của PCVN là 135,4 triệu đồng/người/tháng, bằng 48% tiền lương của PCNN là 281,68 triệu đồng/người/tháng.
Tổng số lao động làm việc cho Vietnam Airlines năm 2022 là 6.028 người, trong đó có 4.417 người do hãng bay trả lương từ quỹ tiền lương theo đơn giá khoán và 152 PCNN ký hợp đồng với đối tác cung ứng nhân lực.
Tổng quỹ tiền lương theo đơn giá năm 2022 của Vietnam Airlines gần 1.700 tỷ đồng, mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng, tiếp viên và lao động chuyên môn còn lại là 19,5 triệu đồng/tháng.
Theo Dân trí
Để phục vụ nhu cầu người dân, ngành đường sắt sẽ bổ sung nhiều đoàn tàu kết nối TP.HCM và các tỉnh miền Trung trong cao điểm Tết Nguyên đán.
Phần lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết của SATRA giảm mạnh phần nào cho thấy sự khó khăn của liên doanh Heineken tại thị trường Việt Nam. Hồi tháng 6, Heineken cũng vừa đóng cửa một nhà máy tại Quảng Nam.
Giá gạo ST25 thời gian qua liên tục tăng. Ngay cả thương hiệu gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua trước đây ít bị tác động trong những đợt tăng giá nhưng cũng đã điều chỉnh 2 lần trong tháng 9. Vì sao vậy?
Nếu chào bán thành công gần 50 triệu cổ phiếu, Đồng Tâm Group sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 995 tỷ đồng lên gần 1.493 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị - dịch vụ Long Thành tại huyện Long Thành.
Ngày 2/10, Hội thảo quốc gia “Đất và phân bón” lần thứ nhất năm 2024 do Cục Trồng trọt phối hợp Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) và Công ty CP Phân bón Bình Điền tổ chức đã diễn ra tại TP Cần Thơ