Khoảng 16h, chúng tôi ghé quán bò kho Gánh ở chung cư Ngô Gia Tự, quận 10 sau trận mưa tầm tã. Lúc này, quán còn vắng khách. Trời vừa chập tối, thực khách đồng loạt kéo đến, lấp đầy không gian đèn vàng ấm cúng.
Bò kho Gánh được Michelin vinh danh ở hạng mục Bib Gourmand (nhà hàng phục vụ món ăn ngon với giá cả phải chăng). Đây cũng là địa chỉ ẩm thực được rất đông người dân và du khách quốc tế ghé thăm khi đến TP.HCM.
Bước vào bên trong quán, khách khó lòng rời mắt khỏi khu vực chế biến bởi chiếc quang gánh to trên bàn, đựng đầy những vắt mì, hủ tiếu, chén sành. Đằng sau quang gánh, hơi nóng từ nồi bò kho bốc lên nghi ngút mỗi lần chị Nguyên mở nắp. Từ nơi đó phả ra mùi thơm đặc trưng của món bò kho.
Bánh mì bò kho là món bán chạy nhất của quán. Bánh mì nóng giòn chấm với nước dùng bò kho nóng hổi trong thố đất làm ấm lòng thực khách những ngày trời đổ cơn mưa. Đây là món ăn được rất nhiều thực khách tại TP.HCM yêu thích.
Chị Phạm Thị Minh Nguyên - chủ quán bò kho Gánh, cho biết bí quyết của quán là từ 5 hương liệu để ướp thịt được ông ngoại truyền lại, chị tự mày mò thêm 3 hương liệu nữa để tạo ra món bò kho "danh bất hư truyền" như ngày hôm nay.
Về nước chấm, quán có chuẩn bị muối ớt chanh theo vị người Sài Gòn và tương, sa tế theo vị của người Hoa.
Ngoài bánh mì, khách cũng rất thích ăn nhiều món khác như mì tươi bò kho, hủ tiếu bò kho... Cùng với bánh mì, các món ăn gắn với bò kho đều có mức giá 50.000 đồng. Tất cả đều đậm đà hương vị quen thuộc của người miền Nam.
Đôi quang gánh to ngay từ cửa ra vào là điểm đặc biệt mà bất cứ thực khách nào cũng ấn tượng và tò mò mỗi khi bước vào bò kho Gánh. Phần thúng bị nứt những lỗ to, đòn gánh tre được gia cố lại bằng dây ở 2 đầu cho chắc chắn… Theo chị Nguyên, đây là kỷ vật do ông ngoại để lại, có từ năm 1975.
Đôi quang gánh đã hư hao dần theo thời gian. Duy chỉ hương vị truyền thống, "cái hồn" của món bò kho truyền từ đời ông sang đời cháu vẫn còn nguyên vẹn theo năm tháng.
Được thừa hưởng gen buôn bán từ ông bà ngoại và mẹ của mình, chị Nguyên nối nghiệp bán bò kho từ quang gánh ấy.
"Ông bà tôi xoay xở rất nhiều việc để mưu sinh nhưng chủ yếu là buôn bán. Bán chè, bún riêu, bò kho… tất cả đều nằm gọn trong một quang gánh. Các bác, các cậu và cả mẹ tôi thấy bán bò kho vất vả quá nên không ai theo. Khi ấy, món bò kho của ông ngoại tưởng chừng đã bị lãng quên…", chị Minh Nguyên nhớ lại.
Tuy không nối nghiệp bò kho nhưng mẹ của chị Nguyên lại có duyên với hàng chè ba màu, hàng sâm bổ lượng. Chị theo bán với mẹ, chật vật mưu sinh. Chị Nguyên tâm sự rằng chị có niềm đam mê dạt dào với bếp núc. Nhất là món bò kho mẹ hay nấu cho chị ăn những ngày còn nhỏ.
"Thấy mẹ nấu món bò kho ngon quá nên tôi quyết tâm mở bán song song với hàng chè. Khác với hàng chè, gánh bò kho ngày càng được nhiều người biết hơn. Buổi sáng bán bò kho nhưng cốt là để nuôi hàng chè chiều tối, nuôi niềm đam mê bán chè đang mạnh mẽ trong tôi khi ấy", chị Nguyên cười nói.
Khách hàng của bò kho Gánh ngày hầu hết là dân lao động. Giá mỗi tô khi ấy chỉ 25.000 đồng, mỗi ngày bán được 3 - 5kg.
"Mấy năm mới mở, tôi đâu có dư dả gì, từ từ gầy dựng đến ngày hôm nay. Không cần phải chạy đua với người ta. Đừng so sánh mình với họ mà hãy giỏi hơn mình của hôm qua. Làm việc gì cũng vậy, tôi cứ đặt hết tâm huyết của mình trong đó…", chị Nguyên nói và cho biết, nhờ luôn chú trọng chất lượng, bò kho Gánh thu hút ngày càng nhiều thực khách.
Chị Nguyên chia sẻ, ở thời điểm nào chị cũng đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu. Tiếp theo là giá cả phải phù hợp với nhóm khách hàng hướng đến.
"Có như vậy mới, mình giữ chân khách hàng lâu dài được", chị Nguyên nói.
Khi được hỏi về nguyên tắc đặt ra cho người tiếp nối để giữ bò kho Gánh vẹn nguyên giá trị mà bản thân đã gầy dựng suốt bao năm qua, chủ quán cho biết luôn nhắc nhở con nếu đã làm thì hãy làm một "ngọn lửa bùng cháy mãnh liệt", làm cho tới, dù hành trình phía trước có gian nan như thế nào.
"Sau tất cả, tôi muốn để lại trong lòng thực khách của bò kho Gánh một sự ấm cúng. Cuộc sống bây giờ rất vội vã, thời gian sẽ chậm lại ở nơi này khi họ nhìn những tấm bảng đen có các dòng phấn trắng được viết nắn nót, cái bàn, cái chén sành... Chúng tôi muốn xoa dịu khách, ngay trong giây phút họ ăn tô bò kho", chị Nguyên trải lòng.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.