Thứ hai, 07/10/2024

"Ước mình cùng bay" - phim của người Việt, cho người Việt

28/03/2024 9:00 AM (GMT+7)

Ngay cách gọi tên "phim của người Việt, cho người Việt" đã cho thấy bao trùm là một sự bảo thủ của người viết. Là vì giữa thời buổi hội nhập, giao thoa văn hóa và phương thức sáng tác càng hiện đại, càng góp phần đưa xã hội đi về phía tương lai mà bảo thủ là coi bộ hơi kì rồi, nhưng xin phép một lần vậy.

Câu chuyện của không gian sống

Trong phim có một xóm gồm mấy gia đình: Gia đình ông bà Nga, gia đình bà Hoa và con trai là Tuân, gia đình hai bà cháu - bà và Hoàng, gia đình Viễn Hằng - cái tiệm sửa xe và cô gội đầu massage, cô gái bán nước mía, một quán rượu, một chiếc xe bán cà rem của anh chàng mù và một cái sân chung của mấy cái nhà… cùng ở trong một góc rừng cao su. Tất cả đều ở tứ xứ trôi dạt tới.

"Ước mình cùng bay" - phim của người Việt, cho người Việt- Ảnh 1.

Poster giới thiệu phim "Ước mình cùng bay"

Họ có một điểm chung nhìn là biết: Họ ít tiền, nếu không muốn nói là nghèo và rất nghèo. Họ mộc mạc, xù xì và có vẻ không có trình độ học vấn và tri thức. Kéo theo đó là họ ăn nói bồ bã, thẳng tuột, quần áo thì sờn cũ như chính vị trí tài chính của họ. Còn thực phẩm trong bếp nhà họ thì nhiều khi chỉ tương, chao, trái ớt, trái bầu tự trồng. Nhưng mà cái nồi trên bếp thì lại là ngồi gang, nồi đất, nấu củi nên cơm, thức ăn thường giữ ngọt thơm nguyên chất. 

Đó là chưa kể có những căn bếp như căn bếp nhà bà Hoa còn để một cái ô vừa có thể chui lọt một cái đầu vào để xin trái ớt, hạt tiêu, để mỗi khi người lớn hai nhà hiềm khích thì tụi nhóc hai nhà có thể chui qua chui lại chơi với nhau, thả một chút tư tình hồn nhiên với nhà bất chấp cửa nhà bà Hoa có khoá hay mở (cảnh Nhi xin ớt rồi chui vào nhà chơi với Tuân) thì cái tự nhiên, tình làng nghĩa xóm cứ tự nhiên có, tự nhiên còn, bất chấp cái chuyện giàu nghèo lỗi thời hay phát triển của một xã hội.

Và ai cũng sẽ thích: Ở chỗ chiếc xe bán kem của anh chàng mù… vì chỉ có cái ngọt ngào mát lạnh. Và ngược lại, ở cái sân chung ai cũng xả tất cả khi mà họ túm tụm may vá gia công, coi bói, nói chuyện con cái nhà bà Nga theo chồng giàu Đài Loan, Hồng Kông… ngọt ngào có, bới móc có nhưng rồi cũng phải mượn gạo, xin muối, bệnh hoạn cũng phải vác nhau, chở nhau đi chữa trị…

"Ước mình cùng bay" - phim của người Việt, cho người Việt- Ảnh 2.

Trịnh Thảo (trái) và Thùy Dung trong phim

Bối cảnh phim của đạo diễn Phan Đăng Di vì vậy không phải chỉ là bối cảnh để quay một bộ phim mà là cái không gian sống, là nơi cất giữ lịch sử niềm vui và nỗi buồn của những phận người. Chỉ có người yêu cái quê, cái xứ của mình mới nhìn ra phía sau lớp áo cũ của "những người nhỏ bé" những giá trị này, và cho người xem phim một cảm giác thực sự xúc động với cái xóm của người tứ xứ trong "Ước mình cùng bay".

Chuyện của những cái rẻ quạt

Ở cái xóm như ốc đảo trong phim tưởng như rất cô độc với thế giới bên ngoài đó, bỗng có những tơ vương với bên ngoài khá thú vị. Đó là chuyện cô con gái đẹp nhất xóm bị ông cha già ép gả cho Đài Loan… Tạm coi đây là cái rẻ quạt thứ nhất. Là vì có dang díu với con người bên ngoài cái xóm nhỏ rồi. 

Bối cảnh phim của đạo diễn Phan Đăng Di vì vậy không phải chỉ là bối cảnh để quay một bộ phim mà là cái không gian sống, là nơi cất giữ lịch sử niềm vui và nỗi buồn của những phận người.

Chuyện thứ hai là chuyện chàng hoàng tử cháu nội bà giáo "hay giáo điều" tên Hoàng. Anh ta có học, là thầy giáo dạy tiếng Anh trong xóm đồng thời là một nhà báo nên anh có phong thái của một chàng trai trưởng thành, hiểu nhiều chuyện. Bên ngoài cái xã hội rộng lớn hơn, cái xóm nhỏ anh đang sống, có cô chị yêu anh và cô em anh yêu… Tạm coi đây là cái rẻ quạt thứ hai.

Và cái thứ ba chính là giấc mơ của cô gái hạt tiêu, lùn tè mà muốn trở thành một tiếp viên hàng không được bay bao la trên trời. Cô kết nối với bạn học ở trường hàng không, con cái của thế giới nhà giàu, nhiều tiền và nhiều trò chơi pha màu lạnh lùng, vô cảm trước nỗi khổ cực của người khác. Đó là chưa kể cái sự kết nối của chiếc xe hơi sang màu trắng ngược ngược xuôi xuôi trên đó, có tên giám đốc tên Chao ai nấy tưởng dân xứ Đài, ai ngờ là chính cống dân Việt trôi dạt. Anh ta rất đáng ghét với các chàng trai trong xóm nhưng lại là sự cám dỗ với các cô gái quê.

"Ước mình cùng bay" - phim của người Việt, cho người Việt- Ảnh 3.

Lê Hải (vai Chao) và Trịnh Thảo (Nhi)

Ba, bốn cái rẻ quạt, nói cho dễ thấy, dễ hình dung vậy thôi nhưng nó chính là năng lực sống của mỗi người, của tuổi trẻ, để tồn tại một cách hiển nhiên như những mắc xích giao thoa của xã hội, để vươn ra khỏi tù túng, để tồn tại và đi về phía ngày mai. Cho dù những năng lực ấy, giấc mơ của những người trẻ ấy không hề dễ dàng. Như Nhi thì vừa thiếu tiền, thiếu chiều cao (với một tiếp viên hàng không là chuyện lớn), thiếu năng lực cảnh giác trước cái xấu mà quanh Nhi lại quá nhiều chàng trai muốn che chở cho Nhi, khiến nhức mắt những đứa bạn cùng ngành cùng trang lứa, thiếu năng lực yêu thương lại dư thừa lòng đố kỵ... tưởng Nhi đã bỏ cuộc. Nhưng không, thần may mắn luôn công bằng với ước mơ cháy bỏng và sự nỗ lực tột cùng của Nhi…

Những cái rẻ quạt, vươn tìm sự sống từ cái xóm nghèo như giấc mơ của Nhi vẫn phe phẩy, thử sức mình trước mọi thử thách. Trịnh Thảo diễn sự đón nhận thử thách của Nhi với đúng một giọt nước mắt sắp rơi, không mềm yếu, không ca thán, lu loa, làm cho cá tính nơi Nhi vốn trong trẻo lại còn thêm lì lợm đáng tin hơn, dù khi đó là Nhi đang cuốn gói về nhà (vì bị cô giáo đuổi sau tiếng chuông điện thoại của một người con trai đang ve vãn, che chở và yêu thương Nhi, đã vang lên giữa giờ thi).

"Ước mình cùng bay" - phim của người Việt, cho người Việt- Ảnh 4.

Trịnh Thảo (vai Nhi) và Lãng Thanh (Tuân)

Bởi vậy mới nói, quá đê mê với cảm giác, nhắm mắt lại để nhìn rõ hơn những cái rẻ quạt mang theo câu chuyện ước mơ vươn ra khỏi cái xóm nghèo, đi tìm sự sống, nhưng vẫn kết nối với nơi gốc rễ của nhân thân chính mình.

Chưa từng thấy có một chuyện tình tay bốn

Trong "Ước mình cùng bay" có một chuyện tình tay bốn. Đó là Tuân (Lãnh Thanh), là Hoàng (Quang Đại) và Chao (Lê Hải) chung quanh Nhi hậu đậu, hạt tiêu, lùn tè mắt bự (Trịnh Thảo). Ba chàng trai rất đẹp trai chung quanh một cô gái xinh, duyên và năng động… họ tạo cho phim hấp dẫn vì tay ba tay tư là lẽ đương nhiên rồi.

Nhưng trên hết là sức hấp dẫn từ cái màu tính cách của nhân vật. Như Tuân của Lãnh Thanh thì chân chất hồn hậu như thể sinh ra là cứ ở bên cạnh Nhi một cách vô điều kiện. Như Hoàng của Quang Đại thì cứ nghiễm nhiên là chàng hoàng tử dạy Nhi học, góp phần nâng đỡ cho giấc mơ như quá tầm với, như xa vời của Nhi. Còn cái màu của giám đốc Chao của Lê Hải mới kì. Anh ta gắn với chiếc xe hơi sang, những bộ vét đep, mái tóc chải chuốt và trên hết nụ cười đẹp ngất ngây của anh ta giống như một bản vẽ lỗi của thượng đế khi bỗng dưng để anh ta xuất hiện ở cái xóm nhà Nhi, để ý Nhi, che chở, thậm chí cung phụng Nhi. Ngược lại, cô ta gây cho anh ta bao nhiêu là trở ngại, nhất là sự phản ứng thái quá trước sự quan tâm của anh ta đối với cô. Xa hơn, với cô anh ta như một thằng cha chèo kéo để ba cô bắt chị cô gả cho Đài Loan nên Nhi bất chấp phải quấy, tự cho phép mình câu mâu, quát nạt giám đốc Chao.

"Ước mình cùng bay" - phim của người Việt, cho người Việt- Ảnh 5.

Một cảnh trong phim

Cho nên Nhi không chỉ không ghi nhận ở ông Chao có một chút chuyện tình cảm giữa hai người khác giới, giữa người con trai và người con gái. Cho dù anh ta có âm thầm đóng tiền cho cô thi trường hàng không, xách từng thùng nước cho cô rửa cái mặt thúi mùi cứt ngỗng, rồi chở cô trốn ba cho kịp giờ thi, hay thích thú nhìn cô ngốn ổ bánh mì như con trẻ tham ăn… thì với Nhi ông Chao vẫn chưa bao giờ được cô ân sủng một chút dịu dàng như với anh thầy Hoàng và Tuân. Trừ một lần cô làm cái chuyện lấy tình đổi tiền vụng về trơ trẽn, không chuyên nghiệp bị ông Chao lật tẩy và chắc chắn là nếm mùi thất bại. Nhưng mà cái tên đạo diễn làm sao mà ai nấy không những không ghét Nhi mà còn thấy thương Nhi hơn. Nhất là ông Chao, người con trai bị Nhi biến thành đủ các hạng người để Nhi đổ trút mọi cơn giận dữ trên đời vào thì Chao vẫn cứ đường anh ta anh ta đi, anh ta vẫn một mực có trách nhiệm với Nhi và người thân của Nhi hơn.

Còn cái hay nữa trong mối quan hệ tay tư này là: các kình địch cứ mặc nhiên thương Nhi theo cách của riêng mình, không thèm đếm xỉa đến đối phương, rất cao cơ và có thể nói rất đàn ông. Lãnh Thanh, Quang Đại và Lê Hải đang làm cho bộ ba của chuyện tình tay bốn nổi rần rần trên mạng trong thời gian phát sóng phim. Đặc biệt, bản giao hưởng lệch pha Chao - Nhi đang làm náo loạn mọi thể loại mạng hiện hành. Và ít có một bộ phim nào sự quan tâm của khán giả về câu chuyện tình yêu lại lành mạnh và nhiều cảm xúc như khi họ dành cho chuyện tình bộ tứ ở "Ước mình cùng bay".

"Ước mình cùng bay" - phim của người Việt, cho người Việt- Ảnh 6.

Đạo diễn Phan Đăng Di (ngồi bên trái) và các diễn viên

Bởi vậy, muốn gọi tên chuyện tình tay tư ở cái xứ nhà nghèo này là một chuyện tình trong trẻo bất chấp mọi ô nhiễm của thời cuộc. Cho nên kích cỡ và tầm vóc của sự lãng mạn ở tình yêu ấy thì không gì có thể giới hạn, cứ y như con người Nhi, giấc mơ Nhi trong phim… chỉ có thể là rất bao la trên trời. Chuyện đó làm cho chuyện tình tay tư không sến súa rối ren mà chỉ có thể nói là quá đẹp. Là vì nó dịu dàng đằm thắm (như Hoàng giành cho Nhi); nó tự nguyện nhường nhịn như một lẽ tự nhiên (như của Tuân giành cho Nhi): "Tôi chả bao giờ sợ thua Nhi cái gì cả, cho đến khi những thằng con trai khác oách hơn mình xuất hiện"…

Trên hết là một tình yêu thương vô điều kiện, vừa duyên dáng vừa dí dỏm vừa vị tha nuông chiều, vừa trêu đùa đắm say của anh chàng giàu có, đẹp trai không góc chết. Mà đặc biệt là nụ cười cho Nhi, lúc nào cũng đầy cám dỗ cho Nhi mà Nhi không biết nhìn thấy. Chỉ có khán giả nhìn thấy nên sau mỗi tập phim khán giả đều đẩy thuyền "Chao - Nhi" và gọi tên những điều mà Chao đã gây cho họ cảm giác rất "suy". Họ mong ước Nhi nhận ra chân tình mà anh chàng si tình đã dệt quanh cô gái ốc tiêu lem luốc mà duyên dáng, dí dỏm, phá phách, tăng động mà chở theo mình một giấc mơ bự, hơn tất cả bạn bè trang lứa.

Cho nên chính Nhi làm cho tuổi trẻ của cô và bạn bè cô, các anh chàng muốn cô duyệt để được thành tình nhân của cô có một thời tuổi trẻ thật đẹp.Và cho nhận ra "Ước mình cùng bay" là một bộ phim có "đũa thần" khiến khán giả quay cuồng chạy theo một cách không thể chống đỡ.

"Ước mình cùng bay" - phim của người Việt, cho người Việt- Ảnh 7.

Á hậu Thuỳ Dung trong vai (Ngân)

Ở Việt Nam, trong nghệ thuật, cái gì đã chuẩn thì chỉ dành cho những người trên cao, khen nhau, ca tụng, giải thưởng… Một sự sang cả mặc kệ số đông. Đã từng nghĩ về đạo diễn Phan Đăng Di như vậy. Nên nghe Phan Đăng Di làm phim truyền hình, nhất là khi nơi anh làm không phải vũ trụ phim VTV mà của một kênh tư nhân thì có chút xét đoán về cái sự chân thành, về cái sự dốc sức… 

Nhưng may quá, sau gần 30 tập phim được xem thì thấy ở đâu Phan Đăng Di cũng chỉ có một: sâu sắc, tinh tế và hết sức giản dị. Dù là khi anh đào xới nỗi đau ngấm sâu trong đất ở một xóm nghèo đơn độc, với những người mẹ, người bà suốt đời, không đi khỏi bóng dáng những ông chồng sống hay chết đều rất tệ. Hay khi anh vuốt ve những tình yêu lãng mạn của một lớp trẻ cuốn vào nhau trong những tình yêu thơ dại hay trưởng thành "Ước mình cùng bay" xa… anh đều thực sự say.

Anh quá nghiêm túc và anh không làm gì thì người xem phim cũng bị anh làm cho "ngộ độc".

Xem phim một lần. Xem nhiều lần. Xem những lát cắt của khán giả trên Tiktok. Xem diễn viên hầu chuyện khán giả. Và trên hết thật dễ chịu khi chính đạo diễn cũng bị bất ngờ khi thừa nhận: "Các bạn đã làm cho bộ phim hay hơn".

Đã có ý định sẽ đếm thử có bao nhiêu bài hát, ca khúc được khán giả sử dụng cho tâm trạng của nhân vật của nhân vật trong phim mà không thể. Đám đông tạo ra một không khí rần rần trên truyền thông mà gần như không có một câu một chữ nào mang tính tiêu cực. Đạo diễn Phan Đăng Di làm cho khán giả Việt, người trẻ Việt tự hào về một đạo diễn Việt cùng bay cao ước mơ với họ. 

Ước mình cùng bay do kệnh truyền hình VieON sản xuất, biên kịch Nguyễn Khắc Ngân Vi, đạo diễn Phan Đăng Di, cùng dàn diễn viên: Thuỳ Dung, Trịnh Thảo, Gia Huy, Lê Hải, Quang Đại, Lãng Thanh,... Trước đó, đạo diễn Phan Đăng Di từng thành danh với các tác phẩm điện ảnh nghệ thuật Bi, Đừng sợ!, Cha và con và…, Chàng ăn cá nàng dâng hoa, Khi tôi hai mươi,...


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Chìa khoá giúp bất động sản bán lẻ tăng trưởng mạnh

Chìa khoá giúp bất động sản bán lẻ tăng trưởng mạnh

Thời gian qua, giá thuê bất động sản bán lẻ có xu hướng tăng trưởng nhờ tình hình hoạt động tốt của các chuỗi thương hiệu F&B, trung tâm vui chơi trẻ em...

Tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên làm đậm thêm vai trò cung cấp của Việt Nam

Tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên làm đậm thêm vai trò cung cấp của Việt Nam

Là dự án trọng điểm quốc gia, tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) tại Vũng Tàu với tổng đầu tư hơn 5 tỷ USD phục vụ cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Khu vực nào có nhiều gói thầu đầu tư công chỉ 1 đơn vị tham gia?

Khu vực nào có nhiều gói thầu đầu tư công chỉ 1 đơn vị tham gia?

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã ký phê duyệt 105 gói thầu đầu tư công có tỷ lệ tiết kiệm ngân sách ở mức dưới 1%, với nhiều gói trong đó chỉ có 1 đơn vị tham gia.

Doanh nghiệp trong tập đoàn tỷ phú Trần Bá Dương tăng cường vận chuyển xuyên biên giới

Doanh nghiệp trong tập đoàn tỷ phú Trần Bá Dương tăng cường vận chuyển xuyên biên giới

Công ty TNHH Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) thuộc THACO của ông Trần Bá Dương vừa đóng gói lô thiết bị xuất khẩu sang Khu liên hợp Snuol ở Campuchia. THILOGI dự kiến đến hết năm 2024 sẽ vận chuyển xuyên biên giới hơn 38.000 con bò và gần 44.000 tấn thức ăn chăn nuôi.

Nhiều quỹ mở giúp nhà đầu tư ấm túi

Nhiều quỹ mở giúp nhà đầu tư ấm túi

Nhiều quỹ mở đang đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt hiệu suất cao hơn nhiều so "thước đo" VN-Index của thị trường. Đặc biệt, có quỹ ghi nhận cao gấp đôi mức tăng của VN-Index.

Bão lũ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9, ảnh hưởng sức mua

Bão lũ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9, ảnh hưởng sức mua

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng 8. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính là do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu của siêu bão Yagi (bão số 3).