Xe điện Trung Quốc "ồ ạt" đổ bộ thị trường Việt Nam
Thu Lê
02/12/2024 2:44 PM (GMT+7)
Các thương hiệu xe ô tô Trung Quốc như TMT Motors, AION, BYD đều "ồ ạt" đưa nhiều mẫu xe điện vào thị trường Việt Nam để chiếm lĩnh dư địa chưa được khai phá.
Mới đây, TMT Motors chính thức công bố ra mắt mẫu xe điện thứ hai của liên doanh SGMW (Trung Quốc) là Wuling Bingo, với 4 phiên bản. Trong đó, hai phiên bản đầu tiên ra thị trường là Bingo 333km và Bingo 410km, tương ứng với quãng đường di chuyển. Cả hai phiên bản này đều đi kèm bộ sạc cầm tay có công suất 3,3 kW, cho phép sạc pin tại các nguồn điện dân dụng tiếp địa, thời gian sạc từ nguồn điện 220V là 9,5 giờ và 12 giờ…
Trước đó, một thương hiệu Trung Quốc khác là AION (thuộc GAC) cũng đã giới thiệu 2 mẫu xe là ES và Y Plus, với giá bán lần lượt 788 triệu đồng và 888 triệu đồng. Tương tự, BYD "tung" ra ba phiên bản gồm Dolphin, SUV Atto3, Seal có giá bán lần lượt là 659 triệu đồng, 766 - 866 triệu đồng và 1,1 - 1,3 tỷ đồng. Mức giá các mẫu xe điện "made in China" này được cho là khá cao so với các mẫu xe xăng, xe thuần điện cùng phân khúc khác.
Xe điện Trung Quốc "ồ ạt" đổ bộ thị trường Việt Nam
Đáng chú ý, trong khi lượng xe ô tô nhập khẩu có xu hướng giảm do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu sụt giảm, nhưng chỉ tính riêng trong tháng 10/2024 lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc 2.617 chiếc (tăng 9,1%). Dù thực tế, số liệu thống kê những năm trước, số lượng xe Trung Quốc bán sang thị trường Việt Nam không nhiều, chỉ trên dưới 10.000 chiếc/năm. Hiện đã có hơn 10 hãng xe Trung Quốc có mặt tại thị trường Việt Nam như BYD, MG, Chery, Wuling, Haima, Haval, GAC, Aion, Omoda, Jaecoo, Lynk & Co, Hongqi…
Một số chuyên gia cho rằng, với dư địa chưa được khai phá, Việt Nam được xem là một thị trường tiềm năng với nhiều thương hiệu xe nhập ngoại. Cùng với xu hướng phát triển mới, thời gian qua liên tục nhiều hãng xe điện nước ngoài bắt đầu tràn vào nước ta, trong đó có các mẫu xe điện đa dạng về chủng loại, xe có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc chiếm số lượng lớn.
Giám đốc một Công ty tư vấn công nghệ cho rằng, trạm sạc có thể ví như "xương sống" của ngành xe điện, nên phải giải quyết được hạ tầng sạc điện thì mới giải quyết tốt việc phát triển xe điện. Hiện nay, tại Việt Nam hãng xe VinFast đang chiếm vị trí số 1 với 150.000 cổng sạc phủ đều cả nước và hãng này vẫn tiếp tục "rót" ngàn tỷ đồng đầu tư mở rộng trạm sạc trên toàn quốc.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định, các hãng xe Trung Quốc có thể sản xuất ra những dòng xe điện giá rẻ nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam thời gian tới. Do Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng khi lộ trình của Chính phủ đến năm 2040 sẽ hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Như vậy nhu cầu về ô tô điện sẽ tăng mạnh.
Không chỉ xe điện Trung Quốc, sức ép từ xe nhập khẩu lên xe sản xuất lắp ráp trong nước ngày càng lớn ngay sau khi bỏ thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia như Thái Lan và Indonesia. Từ năm 2025, khi thuế nhập khẩu ô tô từ EU và Anh giảm còn 30 - 35% thì lợi thế dành cho xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ càng giảm. Nhất là, ô tô điện giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang càng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô trong nước, đòi hỏi các doanh nghiệp nội phải có sự ứng phó và những bước đi phù hợp.
Vé máy bay Tết cao ngất, nhiều người dân TP.HCM chuyển hướng đi tàu hoả
Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhiều người dân tại TP.HCM lựa chọn về quê bằng tàu hoả để tiết kiệm chi phí trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao.