Sáng 29/11, TAND TP.HCM tuyên án đối với ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, cùng 12 bị cáo khác liên quan đến sai phạm tại công ty này.
Theo nhận định của tòa, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Bà Mai Thị Hồng Hạnh đã trực tiếp chỉ đạo nhân viên Công ty Xuyên Việt Oil thực hiện việc đưa hối lộ trong bối cảnh công ty không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Những hành động này không chỉ vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động công bằng của các cơ quan, tổ chức mà còn gây tổn hại đến an ninh năng lượng quốc gia.
Đối với các bị cáo từng giữ chức vụ tại Tỉnh ủy Bến Tre, Bộ Công Thương và một số cơ quan khác, tòa cho rằng họ đã nhận hối lộ từ bà Mai Thị Hồng Hạnh, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ. Điều này làm ảnh hưởng đến tính minh bạch trong hoạt động công vụ, gây thiệt hại cho lợi ích nhà nước và làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Theo bản án, trong quá trình Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn và xin cấp hạn mức tín dụng, từ năm 2019 đến tháng 1/2020, bị cáo Lê Đức Thọ đã nhận hối lộ hai lần với tổng số tiền 600.000 USD (tương đương 13,8 tỷ đồng) từ bà Mai Thị Hồng Hạnh.
Từ năm 2021, ông Thọ còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để tác động, gây ảnh hưởng, giúp Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn thuận lợi. Công ty này được cấp hạn mức tín dụng lên đến 400 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay 40%. Trong thời gian này, bà Hạnh đã tặng ông Thọ nhiều tài sản giá trị. Tổng cộng, ông Thọ đã nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ để trục lợi hơn 33 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử xác định ông Lê Đức Thọ là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, do đó cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, các sai phạm xảy ra trong thời gian ông làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre được tòa xem xét dưới góc độ ông muốn tận dụng mối quan hệ với Công ty Xuyên Việt Oil để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân. Việc ông đã nộp lại toàn bộ số tiền 34 tỷ đồng hưởng lợi cũng được coi là tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình.
Tòa tuyên phạt ông Lê Đức Thọ 15 năm tù về tội Nhận hối lộ và 13 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng để trục lợi, tổng hợp hình phạt là 28 năm tù. Ngoài ra, ông Thọ còn bị phạt bổ sung 100 triệu đồng cho mỗi tội danh.
Hội đồng xét xử xác định bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh giữ vai trò chủ mưu trong vụ án. Theo tài liệu và kết quả thẩm vấn, Công ty Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện được cấp giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu. Từ năm 2016 đến 2022, bà Hạnh đã tiếp cận và nhờ sự hỗ trợ của các quan chức phụ trách chuyên môn tại Bộ Công Thương. Trong thời gian này, bà đã thực hiện 22 lần đưa hối lộ cho 8 cá nhân, với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng.
Quá trình điều hành Công ty Xuyên Việt Oil, bà Hạnh đã chỉ đạo cấp phó Nguyễn Thị Như Phương và nhân viên không thực hiện nghĩa vụ trích lập và nộp quỹ bình ổn giá xăng dầu, gây thất thoát 219 tỷ đồng. Đồng thời, bà cũng chỉ đạo lập báo cáo đầy đủ về khoản 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường, nhưng không nộp mà sử dụng cho mục đích cá nhân, gây thất thoát nghiêm trọng.
"Bị cáo Hạnh là người đề ra chủ trương và chỉ đạo trực tiếp, do đó phải chịu trách nhiệm chính. Đến nay, Công ty Xuyên Việt Oil không có khả năng khắc phục hậu quả, nên cần áp dụng mức án nghiêm khắc," HĐXX nhấn mạnh.
Tòa tuyên phạt Mai Thị Hồng Hạnh 19 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và 11 năm tù về tội Đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù (mức tối đa của án tù có thời hạn). Ngoài ra, bà Hạnh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại trong vụ án, với số tiền hơn 1.400 tỷ đồng.
Đối với Nguyễn Thị Như Phương, em họ của bà Hạnh và là Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, tòa xét thấy bị cáo làm công ăn lương, không có trình độ về tài chính kế toán, nên giảm nhẹ một phần trách nhiệm. Phương bị tuyên phạt 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Các bị cáo khác, chủ yếu là nhân viên cấp dưới của Công ty Xuyên Việt Oil, được xác định phạm tội với vai trò hạn chế và không có mục đích tư lợi cá nhân. HĐXX đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ để đưa ra mức án phù hợp.
Đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tòa xác định bị cáo cùng các quan chức khác của Bộ, gồm Trần Duy Đông (Vụ trưởng Thị trường trong nước), Nguyễn Lộc An và Hoàng Anh Tuấn (hai Phó Vụ trưởng), đã nhận hối lộ từ bà Mai Thị Hồng Hạnh để cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Nguyễn Lộc An, dù biết rõ Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và không thực hiện kiểm tra thực tế, vẫn lập tờ trình đề nghị cấp trên phê duyệt cấp giấy phép. Mỗi lần gặp bà Hạnh, An đều nhận tiền hối lộ.
Cụ thể, các khoản tiền hối lộ bao gồm: Ông Đỗ Thắng Hải nhận 50.000 USD (khoảng 1,11 tỷ đồng). Trần Duy Đông nhận 250.000 USD (hơn 5,6 tỷ đồng). Nguyễn Lộc An nhận 400 triệu đồng cùng một chiếc đồng hồ Patek Philippe. Hoàng Anh Tuấn nhận 265.000 USD (gần 6 tỷ đồng).
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp nhận hối lộ trên 1 tỷ đồng, mức độ nghiêm trọng cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đối với Đỗ Thắng Hải, tòa cho rằng việc nhận tiền của bị cáo diễn ra một cách bị động, sau khi đã ký quyết định cấp lại giấy phép cho Xuyên Việt Oil hơn một tháng. Trước đó, công ty này đã được cấp phép hoạt động và là một trong những đơn vị lớn cung ứng xăng dầu tại khu vực phía Nam, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu. Hành vi của ông Hải được đánh giá có mức độ vi phạm thấp hơn so với các bị cáo khác, với số tiền nhận hối lộ cũng ít hơn.
Đối với cựu Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Lê Duy Minh, tòa xác định bị cáo đã 5 lần nhận hối lộ từ bà Hạnh với tổng số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Số tiền này nhằm mục đích trì hoãn việc ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi nợ thuế, đồng thời không công bố thông tin về tình trạng nợ thuế của Xuyên Việt Oil trên các phương tiện truyền thông để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh bị tuyên 19 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", 11 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hợp hình phạt 30 năm tù. Cấm bị cáo hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trong 2 năm.
Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (cựu Phó giám đốc Xuyên Việt Oil) bị tuyên 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Bến Tre) bị tuyên 15 năm tù về tội "Nhận hối lộ" và 13 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Tổng hợp hình phạt 28 năm tù.
Nhóm bị cáo bị tuyên án về tội "Nhận hối lộ":
Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) bị tuyên 3 năm tù.
Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) bị tuyên 7 năm tù.
Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) bị tuyên 7 năm tù.
Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục thuế TP.HCM) bị tuyên 6 năm tù.
Phan Kiến Anh (cựu Giám đốc chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn) bị tuyên 4 năm tù.
Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) bị tuyên 4 năm tù.
Đặng Công Khôi (cựu Phó cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính) bị tuyên 2 năm tù.
Nhóm bị cáo bị tuyên án về tội "Đưa hối lộ":
Nguyễn Văn Thắng (cựu Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội - Xuyên Việt Oil) tuyên 4 năm tù.
Đồng Xuân Dũng (lao động tự do) bị tuyên 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Vũ Trung Thành (cựu Giám đốc Vietinbank chi nhánh Thanh Xuân) bị tuyên 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Đinh Tiến Dũng (cựu kế toán Công ty Xuyên Việt Oil) bị tuyên 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Nguyễn Tấn Long (cựu Trưởng phòng kinh doanh Xuyên Việt Oil) bị tuyên 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Bất động sản công nghiệp đang hút dòng vốn đầu tư nhờ thương mại điện tử bùng nổ và tiềm năng lớn trong lĩnh vực logistics.
Tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), depot Long Bình rộng 20ha là nơi tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng và điều hành 17 đoàn tàu khi tuyến Metro số 1 đi vào vận hành thương mại.
Ngày mua sắm khủng "Black Friday" của năm nay rơi vào ngày 29/11. Các thương hiệu thời trang đua nhau khuyến mãi để thu hút khách hàng, kích cầu mua sắm cuối năm.
Ngoài vị trí Tổng Giám đốc (CEO Nguyễn Hải Long vừa nộp đơn từ nhiệm), Ban Tổng giám đốc Thuduc House không còn ai khác nữa.
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo 1 nghị định thay cho Nghị định số 88 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm để được vay vốn sẽ bị phạt nặng.
TPHCM quyết định giảm lãi suất cho vay mua nhà xuống còn 3,2%/năm, áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.