Thứ sáu, 27/12/2024

4 tháng mất ăn, mất ngủ và cuộc chiến với Covid-19 của doanh nghiệp Việt Nam

14/10/2021 2:00 PM (GMT+7)

4 tháng qua là cuộc chiến "tứ bề thọ địch" của các doanh nghiệp Việt, giữa vòng xoáy khó khăn bủa vây do Covid-19.

Từ hàng nghìn nhân viên, Covid-19 ập đến, số lượng người còn lại để duy trì hoạt động của một doanh nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nơi may mắn hơn, hoạt động "3 tại chỗ" thì cũng chỉ được 30-50% số lượng lao động và công suất sản xuất. 

Mất ăn, mất ngủ vì Covid-19

Để đảm bảo hoạt động sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (quận 12) đã phải sử dụng 2 kho vừa mới xây dựng trong nhà máy làm nơi lưu trú cho công nhân. Người lao động tại mỗi khu không được qua lại để đảm bảo an toàn.

Không riêng Vĩnh Thành Đạt, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi công năng nhà xưởng, bãi giữ xe, xây dựng thêm khu vệ sinh, lấy nhà máy làm nơi vừa sản xuất, vừa là chỗ ăn ngủ và sinh hoạt cho người lao động để thích ứng với "3 tại chỗ" thời gian qua.

4 tháng mất ăn, mất ngủ và cuộc chiến với Covid-19 của doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

"3 tại chỗ" và xét nghiệm Covid-19 là điều cộng đồng doanh nghiệp sản xuất không thể quên. Ảnh: Đại Việt.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp khẳng định đây chính là giai đoạn không thể nào quên trong đời và họ cũng không muốn kéo dài thêm thời gian "3 tại chỗ". Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho hay trong lúc "3 tại chỗ", giám đốc mỗi doanh nghiệp vừa phải chỉ đạo sản xuất, vừa làm công tác dân vận, động viên để giữ ổn định tinh thần công nhân.

Theo bà Chi, đó là chưa kể chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy, trả thêm lương công nhân "3 tại chỗ" và trả lương, chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc… Chủ doanh nghiệp cũng rất đau đầu khi chỉ duy trì được 30-50% người lao động nên sản lượng giảm một nửa so với bình thường.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Rynan Technologies, cho rằng năm 2020, Việt Nam đã chống dịch rất thành công nên phần nào có sự chủ quan. 

"Vì vậy nên không có sự chuẩn bị nhiều. Đến khi xảy ra lại rất lúng túng, bối rối. Sự lúng túng này đến từ nhiều phía, kể cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền, khi mỗi nơi chống dịch theo một kiểu cũng như chính sách thay đổi liên tục. Các thay đổi chính sách quá bất ngờ nên mình phải kiên nhẫn và chịu đựng cho việc vận hành doanh nghiệp", ông Mỹ nói. 

Chẳng hạn, không thể vì tâm lý muốn "Zero Covid-19" mà chỉ một công ty có F0 thì đóng cửa cả khu công nghiệp.

4 tháng mất ăn, mất ngủ và cuộc chiến với Covid-19 của doanh nghiệp Việt - Ảnh 3.

Du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn thiệt hại nặng nề vì Covid-19. Ảnh: Hồng Phúc.

Trong khi ngành sản xuất còn có thể hoạt động thì ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings, cho rằng du lịch, hàng không lại gần như "chết" hẳn trước diễn biến quá nhanh và phức tạp của dịch. Doanh nghiệp của ông có đến 1.700 người lao động nhưng đợt dịch vừa qua, có thời điểm chỉ còn 15-20 người đến văn phòng duy trì công việc hành chính.

Ông Kỳ nói nếu ví ngành du lịch, hàng không như một bệnh nhân của Covid-19, thì ngành này đang thực sự cần chạy ECMO (phương pháp hỗ trợ tuần hoàn cho phổi). 

"SpO2 (nồng độ oxy trong máu) du lịch đang ở mức tiệm cận sự sống và cái chết. Ngành du lịch hiện còn chưa đến 10% hoạt động, con số này nằm ở doanh nghiệp có thể khai thác được lượng khách hồi hương, đi cách ly. Bản chất số doanh nghiệp còn hoạt động rất ít, TP.HCM và Hà Nội gần như đóng cửa hết. Nói 10% đã là khả quan, giờ phải đặt ECMO", ông Kỳ nói.

4 tháng mất ăn, mất ngủ và cuộc chiến với Covid-19 của doanh nghiệp Việt - Ảnh 4.

Doanh nghiệp bán lẻ cũng hoạt động hết công suất trong 4 tháng qua, tưởng chừng "đã có lúc hụt hơi". Ảnh: Hồng Phúc.

"Thời gian qua là giai đoạn quá nhanh, quá nguy hiểm" - ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nói về ngành bán lẻ trong đại dịch. Ông cho biết doanh nghiệp phải liên tục theo dõi tình hình dịch và chính sách, liên tục có nhiều cuộc họp vào thời điểm nửa đêm cho hoạt động ngày hôm sau.

Theo ông, ngành bán lẻ thường bị nhầm tưởng là không thể chết dù có rủi ro trong mấy tháng qua nhưng thực tế, kênh thương mại hiện đại chỉ góp 1/4 thị phần. Khi hình thức mua bán truyền thống bị ảnh hưởng thì siêu thị phải gồng gánh. 

Toàn bộ nhân viên siêu thị phải hoạt động hết công suất 18-20 tiếng mỗi ngày. Có thời điểm đóng cửa 1/4 các siêu thị trong hệ thống, mặt hàng thực phẩm tươi sống thì lãi gộp rất thấp, không được phép tăng giá trong mùa dịch. "Đã có lúc hụt hơi", ông Đức bình luận.

Doanh nhân Việt luôn có tinh thần quật cường

Từ ngày 1/10, TP.HCM đã nới lỏng nhiều hoạt động để từng bước khôi phục nền kinh tế. Hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được mở lại. Các hộ kinh doanh cá thể, nhà hàng, quán ăn cũng được phép tái hoạt động có điều kiện. Chợ truyền thống tiếp tục được mở cửa nhiều hơn. Du lịch - ngành công nghiệp không khói, cũng đã rục rịch với một số tour về "vùng xanh" trong thành phố.

4 tháng mất ăn, mất ngủ và cuộc chiến với Covid-19 của doanh nghiệp Việt - Ảnh 5.

Nhiều hoạt động, dịch vụ tại TP.HCM được mở lại từ ngày 1/10, trong đó có chợ truyền thống. Ảnh: Hồng Phúc.

Tình hình đã khả quan hơn nhưng một bài toán khác đang chờ các doanh nghiệp ở phía trước chính là chuỗi cung ứng hàng hóa, nguồn nguyên liệu đầu vào và nguy cơ thiếu hụt lao động sau dịch bệnh.

"Nguồn nguyên liệu đầu vào đang thiếu là nỗi lo của tôi. Linh kiện điện tử mấy chục tuần mới giao được. Chuỗi cung ứng lệ thuộc vào nước ngoài thì rất khó", ông Nguyễn Thanh Mỹ trăn trở. Nhưng ông cũng xác định sẽ không thể nào chiến thắng được dịch Covid-19, do đó, cách duy nhất là phải thích ứng và sống chung với virus.

Cụ thể, doanh nghiệp nên điều chỉnh tốc độ và có kế hoạch lâu dài hơn, không phản ứng theo thị trường, mà phải có kế hoạch đặc thù 5 năm, 10 năm và có lộ trình điều chỉnh. Doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư vào công cụ giám sát.

"Doanh nhân đánh trận hàng ngày, chỉ khi nào gác kiếm về hưu sống vui cùng con cháu, còn lại thì tất cả doanh nhân luôn đi tới", Chủ tịch Rynan Technologies nhấn mạnh.

4 tháng mất ăn, mất ngủ và cuộc chiến với Covid-19 của doanh nghiệp Việt - Ảnh 6.

Các tour về "vùng xanh" Cần Giờ, Củ Chi được kích hoạt sau ngày 1/10, dự kiến sẽ triển khai tour liên vùng từ tháng 11. Ảnh: V.T.

Vừa khai thác trở lại tour đưa người dân đến Cần Giờ, Củ Chi trong tháng 10 này, Vietravel cũng rốt ráo kết nối với một số địa phương gần TP.HCM để xây dựng các tour khép kín "1 cung đường, 2 điểm đến". 

Theo ông, đợt dịch này thế giới sẽ thay đổi, nhận thức cũng sẽ thay đổi chứ không còn bình thường như trước. Do đó, doanh nghiệp phải điều chỉnh theo hành vi và nhận thức đó để xây dựng kế hoạch hành động phù hợp. Chẳng hạn, với ngành du lịch, lúc này an toàn chính là ưu tiên hàng đầu, người dân chỉ muốn đi chơi khi doanh nghiệp đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.

Nhìn về tương lai, Chủ tịch Vietravel Holdings cho rằng: Dịch tái đi tái lại 4 lần, bản chất người Việt và doanh nhân Việt là luôn vật lộn và cố gắng vươn lên. Tinh thần quật cường của người Việt và doanh nhân Việt lúc nào cũng sẵn có.

Ông Kỳ cho rằng việc chống dịch và sống chung với dịch cần có sự liên kết, không thể để bất cứ một doanh nghiệp, địa phương nào đơn độc. "Chúng ta đi một mình 3 năm nữa thì khả năng sống sót không cao, đường giông bão mà đi một mình, ai kéo chúng ta lên", ông Kỳ nói.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Sáng kiến biến phụ phẩm trái điều thành nước mắm chay lên sàn OCOP

Sáng kiến biến phụ phẩm trái điều thành nước mắm chay lên sàn OCOP

Nhờ bí quyết ủ lên men kết hợp công nghệ hiện đại, phế phẩm trái điều được chế biến thành nước mắm chay phục vụ thị trường, vừa giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Nhập giá đỗ của cơ sở ngâm hóa chất, Bách Hóa Xanh nói gì?

Nhập giá đỗ của cơ sở ngâm hóa chất, Bách Hóa Xanh nói gì?

Liên quan vụ việc cơ sở sản xuất giá ngâm hóa chất đưa hàng vào Bách Hóa Xanh, Bách Hóa Xanh nói nhà cung cấp này chỉ cung cấp cho khu vực Đắk Lắk với tỷ lệ 2% trên tổng sản lượng mặt hàng giá đỗ đang

Mai vàng, hoa kiểng sẵn sàng phục vụ thị trường Tết

Mai vàng, hoa kiểng sẵn sàng phục vụ thị trường Tết

Nhiều nhà vườn tại TP.HCM đã sẵn sàng đưa mai vàng, hoa kiểng ra phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ 2025. Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán, đây là điểm các nhà vườn rộn ràng, nhộn nhịp chuẩn bị cho mùa Tết.

Cổ phiếu của nhà sản xuất 'Anh trai vượt ngàn chông gai' nằm sàn sau giải trình

Cổ phiếu của nhà sản xuất 'Anh trai vượt ngàn chông gai' nằm sàn sau giải trình

Cổ phiếu YEG của công ty Yeah1 hôm nay 26/12 bị giảm kịch sàn vì nhà đầu tư bán ra để chốt lời.

Bình Dương điều chỉnh bảng giá đất trong năm 2025, cao nhất hơn 52 triệu đồng/m2

Bình Dương điều chỉnh bảng giá đất trong năm 2025, cao nhất hơn 52 triệu đồng/m2

Với bảng giá đất mới áp dụng trong năm 2025 của tỉnh Bình Dương, nhiều tuyến đường tại khu vực TP.Thủ Dầu Một có mức giá cao nhất, hơn 52 triệu đồng/m2 .

Giữa mùa bội thu, vì sao nhiều quán cà phê ngậm ngùi chia tay thị trường?

Giữa mùa bội thu, vì sao nhiều quán cà phê ngậm ngùi chia tay thị trường?

Áp lực chi phí, thay đổi mô hình kinh doanh và sức ép cạnh tranh là những lý do chính khiến ngành cà phê phải "sang trang".