Nan đề lâu năm trong xã hội hiện đại và thị trường việc làm này một lần nữa được xới lên qua chương trình truyền hình thực tế "Cơ hội cho ai?" với chủ đề "Bạn có cho rằng kinh nghiệm làm việc quan trọng hơn bằng cấp?"
Một người chơi đánh giá cao vai trò của bằng cấp: "Bằng cấp là căn cứ chứng minh việc người học đã hoàn thành chương trình đào tạo và đáp ứng đầy đủ điều kiện của ngành và cơ sở đào tạo đề ra".
Người chơi còn lại đánh giá kinh nghiệm cao hơn: "Theo số liệu thống kê, có đến 13% sinh viên sau khi ra trường có bằng cấp nhưng không tìm được việc làm. Các doanh nghiệp hầu như không muốn tuyển dụng lao động không có kinh nghiệm".
Thực tế có vẻ đúng như người thứ hai. Nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Nhiều sinh viên khác phải làm trong ngành khác hẳn ngành họ được đào tạo.
Và trên thông tin đăng tuyển, nhiều doanh nghiệp nói rõ "chỉ tuyển người có từ 2 năm kinh nghiệm trong ngành trở lên" hay "ưu tiên người có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên". Năm ngoái có một cuộc thăm dò ý kiến độc giả trên một tờ báo mạng lớn ở Việt Nam, 71% nói rằng kinh nghiệm quan trọng hơn, 29% chọn bằng cấp quan trọng hơn.
Tôi có một người bạn, sau khi làm ăn thua lỗ, trốn nợ từ Hà Nội vào TP.HCM. Người vợ của anh xin đi làm tạp vụ cho một công ty lớn trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, hàng ngày đạp xe đi làm. Công ty có chế độ khuyến khích tất cả nhân viên ở các phòng ban, ai bán được hàng gì thì bán, tã lót, khăn giấy, mỹ phẩm…
Sau một thời gian, chị tạp vụ nhờ vào kinh nghiệm sống và giao tiếp, bán được rất nhiều hàng, được công ty thôi cho làm tạp vụ chuyển sang phòng kinh doanh. Tại đây, chị tiếp tục làm việc hiệu quả, thăng dần lên các chức trưởng nhóm, trưởng một mặt hàng, rồi giám đốc kinh doanh.
Rồi chị chuyển việc, sang một thẩm mỹ viện làm giám đốc, vừa lĩnh lương cứng, vừa ăn hoa hồng bán mỹ phẩm, dược phẩm thẩm mỹ trên doanh số, hiện tại mỗi tháng chị có thu nhập trên 500 triệu đồng. Chị không hề có kinh nghiệm trong việc bán mặt hàng này nhưng lại có kinh nghiệm cuộc sống.
Tôi từng làm ở một công ty IT, nơi hầu hết các em được tuyển vào chưa có bằng tốt nghiệp đại học hay có chứng chỉ nghề. Chúng tôi tuyển người dựa trên bài kiểm tra code phần mềm, ai đạt là vào làm, rồi từ đó học thêm từ các trưởng nhóm.
Những điều trên cho thấy kinh nghiệm đang thắng thế? Trước tiên, hãy xem vì sao bằng cấp thất thế.
Ở đây nảy sinh ra hai vấn đề. Thứ nhất, ai cũng đều từ không có kinh nghiệm, đi làm, mới đến chỗ là "có kinh nghiệm". Ai cũng đòi "chỉ tuyển người có kinh nghiệm" thì làm sao có việc cho các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Ngay cả người chủ sử dụng lao động lúc trước mới ra trường thì cũng không có kinh nghiệm đó thôi.
Thứ hai, xem lại hệ thống đào tạo, họ đã bám sát thị trường việc làm chưa? Họ có dự báo được nhu cầu phát triển của từng ngành để đề ra chỉ tiêu đào tạo? Mà dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, hoặc phải làm việc trái với ngành được đào tạo.
Năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Việt Nam, đưa một loạt công ty làm chip, công nghệ bán dẫn đến để xem xét đầu tư mở nhà máy. Nhưng lý do thiếu nguồn nhân lực bán dẫn có thể là một trở ngại.
"Số lượng các kỹ sư phần cứng hiện có thấp hơn nhiều con số cần thiết để hỗ trợ các khoản đầu tư hàng tỷ USD, khoảng một phần mười nhu cầu dự đoán trong vòng 10 năm tới", ông Vũ Tú Thành, giám đốc văn phòng Hội đồng Doanh nhân Mỹ – ASEAN tại Việt Nam, cho hay.
Đất nước 100 triệu dân này chỉ có 5.000 đến 6.000 kỹ sư phần cứng được đào tạo cho ngành sản xuất chip, trong khi nhu cầu dự kiến khoảng 20.000 trong năm nay và 50.000 trong một thập kỷ, ông Thành nói, dẫn số liệu ước tính từ các công ty và các kỹ sư.
Như vậy, đó là do định hướng đào tạo có vấn đề, vừa thừa lại vừa thiếu. Quá nhiều trường đại học, cao đẳng, hệ đào tạo được mở ra trong những năm gần đây nhưng các trường chỉ chọn những ngành dễ để đào tạo, đâu đâu cũng thấy đào tạo quản trị kinh doang, marketing, mà thiếu đào tạo các ngành kỹ thuật cơ bản. Do vậy nên có hiện trạng "thừa thầy thiếu thợ".
Nhưng cũng trong chương trình truyền hình thực tế "Cơ hội cho ai?" này, một vị giám khảo là CEO một công ty chuyên về làm gia vị DH Foods, ông Nguyễn Trung Dũng, bày tỏ quan điểm: "Tư duy nói là không cần bằng rất có hại. Có những người xuất chúng vẫn có thể thành công mà không cần bằng cấp nhưng trường hợp này rất hiếm. Tất cả những nước giàu ở châu Á đều đi lên từ con đường giáo dục. Không có đất nước nào đi làm chân tay mà giàu lên được. Khi hiểu rộng ra, với cá nhân có thể hoặc không có bằng cấp nhưng với một đất nước nên học, nên có bằng cấp để đất nước thay đổi được".
Vậy, bằng cấp quan trọng hơn? Mời đón đọc tiếp bài 2.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.