Giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam đã tăng không ngừng nghỉ trong hơn một năm qua và liên tục thiết lập những mốc kỷ lục mới, từ mức 38.000 đồng/kg vào đầu tháng 1/2023, đã vọt lên mức 61.000 đồng/kg vào giữa tháng 11/2023.
Đến đầu năm 2024, giá đạt 70.000 đồng/kg và tăng lên 80.000 đồng/kg vào ngày 15/2/2024, sau đó tiếp tục vượt qua ngưỡng 90.000 đồng vào giữa tháng 3/2024.
Theo cập nhật trên hệ thống giá nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Bộ Công Thương vào sáng 2/4/2024, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã lên dao động trong khung 96.500 – 97.000 đồng/kg, tăng 1.100 – 1.200 đồng/kg so với ngày 1/4. Như vậy, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 30% so với cuối năm 2023.
Dự báo, giá cà phê nhân xô nội địa Việt Nam sẽ cán ngưỡng 100.000 đồng/kg trong tháng 4 này.
Trên thế giới, bắt đầu từ ngày hôm nay (ngày 2/4/2024) hai sàn giao dịch cà phê lớn nhất thế giới sẽ mở cửa theo giờ giao dịch mùa hè: sàn London sẽ mở của lúc 15 giờ đến 23 giờ 30; sàn New York sẽ mở cửa từ 15 giờ 15 phút đến 0 giờ 30 – tính theo giờ Việt Nam.
Diễn biến trên sàn London, giá cà phê arabica tháng 5 giao dịch một mình vào thứ Hai sau kỳ nghỉ dài đóng cửa tăng 2,95 cent, nằm ở mức 191,8 cent/pound trong khi thị trường cà phê Robusta vẫn còn nghỉ lễ Phục Sinh.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta đã tăng lên mức cao kỷ lục vào thứ Tư tuần trước, sau khi Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết vào trước đó một ngày rằng xuất khẩu cà phê niên vụ 2023/2024 của Việt Nam có thể giảm tới 20% so với cùng kỳ do thời tiết khô hạn làm giảm sản lượng. Cũng cần nhắc lại rằng dự báo của Marex Group Plc thâm hụt cà phê Robusta toàn cầu vụ 2024/2025 là khoảng 2,7 triệu bao do sản lượng tại Việt Nam giảm.
Theo thông tin từ Liên đoàn Cà phê Châu Âu do Reuters công bố, việc giá cà phê Robusta tăng cao kỷ lục cũng là cách mà thị trường phản ứng với sự sụt giảm tồn kho ở châu Âu, tổng cộng chỉ đạt 6,7 triệu bao vào cuối tháng 2.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm tồn kho ở châu Âu là do khó khăn về nguồn cung, lượng cà phê Robusta sẵn có ở châu Á khan hiếm và những khó khăn về hậu cần trên tuyến đường Á-Âu do những bất ổn ở Biển đỏ.
Sản lượng tại Việt Nam, nước trồng cà phê Robusta chính trên thế giới, được USDA dự đoán đạt 27,5 triệu bao trong niên vụ 2023/24 thấp hơn nhiều so với mức 31,3 triệu bao được dự báo sơ bộ trước đó.
"Giá cà phê thu mua từ nông dân đang quá cao, doanh nghiệp buộc phải tính toán, cân đối một cách chặt chẽ giữa nguồn hàng nhập vào và đơn hàng xuất khẩu, để tránh rủi ro, đảm bảo nguồn lợi về kinh tế lâu dài".
Ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk.
Ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) nhận định: Với tình hình giá cà phê thu mua trong nước đang ở mức cao như hiện nay, đơn vị chỉ nhận thêm đơn hàng nếu có dấu hiệu tích cực từ nguồn cung từ người nông dân. Tuy nhiên, số lượng cà phê tích trữ trong dân đã bắt đầu cạn, khan hiếm. Xét trên tình hình thời tiết chuyển biến bất lợi cho cây trồng, dự báo vụ mùa sắp tới sản lượng sẽ giảm dẫn đến nguồn cung khan hiếm, đây là mối lo lớn nhất của doanh nghiệp.
"Dự báo, sản lượng xuất khẩu cà phê của công ty năm nay ước khoảng 110.000-115.000 tấn, giảm so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Huy chia sẻ.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho hay hiện do giá cà phê nguyên liệu bán tại các vườn trồng đã tăng quá cao, khiến một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê sẽ không trụ được. Với giá nông sản, trong đó có cà phê đang ở mức tốt như hiện nay thì người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, thu nhập tăng cao.
Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa các bên thì rất cần sự chia sẻ của bà con nông dân đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê để nông sản địa phương vừa có đầu ra, vừa phát triển ổn định.
Cà phê đã trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong quý 1/2024. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 799 nghìn tấn cà phê, thu về 1,9 tỷ USD; tăng 44,45 về lượng và tăng 54,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử khi gần cán mốc 2 tỷ USD chỉ sau 3 tháng.
"Sự thiếu hụt nguồn cà phê trên thế giới đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt. Với diễn biến thị trường như hiện tại, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 sẽ "cầm chắc" kim ngạch 5 tỷ USD".
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam.
Về chủng loại, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến.
Về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường, như: Ý, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh, bình quân 3 tháng đầu năm đạt 2.373 USD/tấn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), thực tế từ đầu năm đến nay, giá cà phê xuất khẩu trung bình ở mức rất cao, lên đến 3.200 USD/tấn.
Một số ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng cà phê Việt Nam đang có vị thế tương đối vững chắc, không thể thay thế trên thị trường thế giới. Dù nguồn cung có thiếu hụt, hạt cà phê nước ta vẫn được các nhà rang xay nước ngoài "săn đón", chờ đợi thay vì tìm kiếm nguồn cung mới. Điều này sẽ là cơ sở, dư địa để giá xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng.
Theo nhận định của các chuyên gia xuất khẩu, vấn đề cần quan tâm hiện nay là giải pháp làm sao cho ngành cà phê phát triển bền vững, không để con số 5 tỷ USD chỉ là cột mốc thoáng qua trong lịch sử. Doanh nghiệp và người nông dân cần phải tập trung tái canh cây cà phê, cải thiện chất lượng, quy hoạch lại vùng trồng cà phê để loại nông sản chủ lực này có hướng phát triển bền vững trong tương lai gần, từng bước có các sản phẩm chế biến sâu từ hạt cà phê.
Các hoạt động của Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Lào được đánh giá cao về sự năng động, chủ động, tích cực và trách nhiệm thông qua cách tiếp cận các vấn đề mang tính "toàn dân, toàn diện, toàn cầu".
Chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số cùng sự quan tâm đặc biệt đến môi trường, thế hệ người tiêu dùng Gen Z, Gen Alpha (2 nhóm dân số sinh từ năm 1997 về sau) đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh hơn, bền vững hơn. Đây cũng chính là “điểm chạm” mới giữa họ và các thương hiệu.
Các chuyên gia cho rằng trong các tháng cuối năm, phân khúc đất nền sẽ duy trì xu hướng phục hồi tích cực của quý 3/2024.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Quận 1, TP.HCM) đã siết chặt các quy trình chăm sóc hổ, không để dịch cúm bùng phát sau sự việc hàng chục cá thể hổ, báo và sư tử chết ở Đồng Nai và Long An do cúm A/H5N1.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN, liền kề với Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 tại Lào, Sacombank là ngân hàng Việt Nam duy nhất được Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN công bố tên tại giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2024 (ABA 2024) - lĩnh vực chuyển đổi số.
Ông Phạm Đăng Khoa được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Eximbank; quyết định có hiệu lực từ 11/10/2024 và thời gian bổ nhiệm là 3 năm.