Nhu cầu hàng hóa không giới hạn
Ông Avaneesh Gupta, phụ trách tìm nguồn cung ứng hàng hóa và trang phục tổng hợp của Walmart (siêu thị số một thế giới), cho biết, hiện Việt Nam đã đứng tốp 5 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu gỗ và nông sản, thực phẩm, đứng thứ 10 xuất khẩu dệt may, da giày… trên thế giới. Điều đặc biệt là sản phẩm của Việt Nam ngày càng được nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.
“Ngay trong chiến lược bổ sung nguồn cung cho hệ thống Walmart năm 2024, chúng tôi đã đưa đội ngũ thu mua đến Việt Nam tiếp xúc với nhiều nhà sản xuất nhằm khám phá các cơ hội tìm nguồn cung ứng từ Việt Nam. Những nhóm mặt hàng mà chúng tôi cần là thực phẩm như hải sản, hạt điều, sữa đậu nành, cà phê, trái cây tươi và đồ ăn nhẹ từ trái cây”, ông Avaneesh Gupta nói.
Có mặt tại TP.HCM trong những ngày đầu tháng 9, ông Lionel Adenot, Giám đốc Tập đoàn Decathlon Viet Nam, cũng cho biết, công ty đang gia tăng nguồn cung cho sản phẩm dệt may, sản lượng không giới hạn.
Tuy nhiên, để cung ứng hàng cho công ty, doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện như nhà máy không được dùng than đá và có lộ trình loại bỏ sử dụng năng lượng hóa thạch từ nay đến năm 2025; tự chủ nguồn cung nguyên liệu, trong đó ưu tiên cho doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu tại chỗ, thân thiện môi trường; ứng dụng chuyển đổi số trong dây chuyền sản xuất.
Ngoài ra, Tập đoàn Decathlon Viet Nam sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về trách nhiệm với người lao động và cộng đồng. Trong khi đó, nông nghiệp cũng là lĩnh vực rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, Tập đoàn Central Retail đã có hướng dẫn kỹ thuật và cách thức trồng trọt sản phẩm dưa lưới theo chuẩn organic cho Công ty Nông nghiệp Danny Green. Trước mắt, Công ty Nông nghiệp Danny Green đã xây dựng và vận hành trang trại trồng dưa lưới organic có diện tích 120ha tại tỉnh Bình Thuận, đảm bảo nguồn cung dưa lưới không chỉ cho hệ thống phân phối tại Việt Nam mà còn chủ động xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Theo các chuyên gia, khác với trước đây là những tập đoàn đến Việt Nam chỉ đơn thuần tìm kiếm nguồn cung có sẵn, thì nay họ lại sẵn sàng bắt tay cùng doanh nghiệp Việt để chuẩn hóa quy trình trồng trọt, sản xuất nhằm gia tăng năng lực cho doanh nghiệp cung ứng, từ đó ổn định nguồn cung hàng hóa cho chuỗi cung ứng.
Để đảm bảo sản lượng hàng Việt Nam trong chuỗi cung ứng tăng trưởng dương theo từng năm, nhiều tập đoàn nước ngoài còn hợp tác cùng doanh nghiệp trong nước soạn thảo và ban hành chung cẩm nang tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, cử chuyên gia đến hỗ trợ doanh nghiệp Việt hoàn thiện từ khâu chất lượng đến bao bì sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu khách hàng trên toàn cầu.
Nhiều cơ hội đầu tư trực tiếp
Bên cạnh việc tìm kiếm nguồn cung ứng, hàng trăm doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu còn muốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết, với lợi thế vị trí địa lý chiến lược, nền kinh tế ổn định, lực lượng lao động trẻ và các chính sách hợp lý, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ tính từ khi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được ký kết vào năm 2019, đến nay, đã có 2.250 dự án với tổng đầu tư 26 tỷ USD của doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, cuộc đua đầu tư vào Việt Nam còn xuất hiện rất nhiều tên tuổi là các tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ như Apple, Qualcomm, Nike, Morgan Stanley, Intel, GE, ACORN International, General Dynamics, Google...
Mới đây, Tập đoàn Boeing cũng đã đến TP.HCM nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư các cơ sở cung cấp nguyên liệu, xây dựng trung tâm kỹ thuật. Ông Maxime Dourdan, Giám đốc Phát triển chuỗi cung ứng của Boeing ở khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, cho rằng, hiện nay, các nhà cung cấp cấp 1 của Boeing chủ yếu là doanh nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc.
So với 2 quốc gia này, Việt Nam có lợi thế hơn hẳn về chi phí sản xuất. Mặt khác, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Bằng chứng là rất nhiều doanh nghiệp Việt đã có mặt trong những chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn như Samsung, Sanyo, Intel… Đây sẽ là nền tảng để Tập đoàn Boeing xem xét hợp tác cũng như đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng đầu năm nay đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao tiềm năng cũng như tính hấp dẫn môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để thu hút mạnh mẽ và bền vững hơn, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, đề xuất cần nhất quán trong chính sách ưu đãi đầu tư để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài.
Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kiến nghị: “Về vĩ mô, Chính phủ cần cân đối lãi suất, tỷ giá, cách tiếp cận vốn theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong nước nhanh chóng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, đủ năng lực để “bắt tay” với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ mạnh đầu tư tại Việt Nam”.
Theo SGGPO
Sau 1 năm triển khai thi công, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên gặp nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân tại đây cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng.
Các công ty trong bất động sản đang "mướt mồ hôi" vì 22.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 4/2024. VIS Rating nhận định một trong những thách thức lớn nhất của các chủ đầu tư hiện tại là tình trạng nợ xấu và khả năng trả nợ yếu.
Quốc hội hôm nay chính thức thông qua Nghị quyết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với số vốn hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67,3 tỷ USD), phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2035.
Trái với không khí kém nhiệt hôm qua 29/11, từ sáng đến trưa nay, nhiều người bắt đầu ùn ùn đổ về các trung tâm thương mại tại TP.HCM để mua sắm Black Friday.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người sở hữu tài sản số. Hàng năm có khoảng 120 tỷ USD là tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam nhưng lĩnh vực này chưa có luật điều chỉnh.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt tồn tại trong việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, và quản lý đất đai tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).