Thứ sáu, 22/11/2024

Khi doanh nghiệp "núp bóng" du lịch để kinh doanh bất động sản

16/11/2023 8:50 AM (GMT+7)

"Khi các công trình xây dựng phục vụ du lịch nhưng không có sự vào cuộc của các chuyên gia đánh giá tác động, thẩm định sẽ dẫn tới sai lầm. Đôi khi người ta "núp bóng" du lịch vào mục đích cuối cùng là kinh doanh bất động sản", chuyên gia Võ Trí Thành chia sẻ.

Rủi ro khi núp bóng du lịch vào mục đích cuối cùng là kinh doanh bất động sản - Ảnh 1.

chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh 2 vấn đề trong ngành du lịch đó là nhận thức và bán hàng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Rủi ro khi "núp bóng" du lịch vào mục đích kinh doanh bất động sản

Phát biểu tại Hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điều hành sáng 15/11, chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh 2 vấn đề trong ngành du lịch đó là nhận thức và bán hàng.

Du lịch là quá khứ, hiện tại, du lịch cũng là tương lai, là truyền thống, là văn hóa, là phát triển bền vững... Du lịch là ngành kinh doanh, ngành kiếm tiền rất quan trọng. Du lịch cũng là ngành kết hợp với rất nhiều ngành, đặc biệt là kinh tế sáng tạo, kinh tế văn hóa.

"Với 3 đặc trưng rất lớn trên, du lịch đòi hỏi hệ sinh thái rất đầy đủ. Chúng ta hay nói cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng tôi nhấn mạnh đòi hỏi giới chuyên môn của rất nhiều lĩnh vực phải vào cuộc, các nhà văn hóa, kinh tế, kinh doanh, kiến trúc, lịch sử, môi trường, giáo dục… chứ chúng ta không nói chung chung hệ thống chính trị vào cuộc", ông Thành nói.

Theo chuyên gia Võ Trí Thành, du lịch là ngành kinh doanh dịch vụ, nhưng đây là ngành kinh doanh dịch vụ tinh xảo nhất, tinh tế nhất bởi nó chạm đến trái tim, chạm đến một loạt từ ngắn gọn: "con người là trung tâm", nhưng đằng sau đó là cảm nhận, trải nghiệm, hiểu biết, khám phá, tận hưởng và giao hòa. 

"Với tư duy như vậy, tôi lấy 3 ví dụ về rủi ro. Rủi ro thứ nhất là chúng ta dành rất nhiều đất đai cho du lịch, cho những công trình lớn của du lịch, nhưng nếu không có sự vào cuộc của các chuyên gia đánh giá tác động, thẩm định, chúng ta dễ sa vào 2 cái vấp: Quá trình đô thị hóa đất đai nhanh hơn quá trình đô thị hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là một nguy cơ rất lớn. Cái nữa là kinh tế không đủ cho hoạt động, đôi khi người ta núp bóng du lịch vào mục đích cuối cùng là kinh doanh bất động sản theo nghĩa truyền thống.

Thứ hai là vấn đề 'cạnh tranh về đáy' của các địa phương. Cái này trong thu hút đầu tư nước ngoài nói nhiều rồi, trong du lịch hiện nay cũng có. Và như vậy, ở đây đối với du lịch đặt ra là chúng ta cần du lịch đại chúng. Đây là quyền được tiếp cận, quyền được thụ hưởng của người dân, cần đẩy mạnh. Du lịch đại chúng này không ngăn cản, không loại bỏ du lịch chất lượng rất cao.

Thứ ba là sản phẩm, các anh nói rất nhiều về loại hình tâm linh, nghỉ dưỡng, sức khỏe… nhưng du lịch, sản phẩm du lịch, đúng như đại diện 1 tập đoàn nói, là chân trời sáng tạo vô biên, giống như trong toán học là sự tổ hợp của rất nhiều: quá khứ, hiện tại, tương lai, kinh tế văn hóa, kinh tế sáng tạo, truyền thống văn hóa lịch sử. Như lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng, nếu chỉ là pháo hoa thì dừng ở đấy, nhưng nếu chúng ta biết kết hợp thì nó là cả một chân trời sáng tạo. Đó là 3 ví dụ tôi chia sẻ để chúng ta tránh được rủi ro và có thể phát triển", chuyên gia Võ Trí Thành cho hay.

Rủi ro khi núp bóng du lịch vào mục đích cuối cùng là kinh doanh bất động sản - Ảnh 2.

Du khách đổ bộ tại phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đón năm mới 2023. Ảnh: Huy Hoàng

Phân tích tiếp về vấn đề thứ hai tồn tại trong ngành du lịch, đó là bán hàng, chuyên gia Võ Trí Thành cho biết: "Việt Nam bán hàng so với Thái Lan là kém. Việt Nam có nghịch lý chặt chém nhưng giá lại rất rẻ so với tiềm năng. Chúng ta cần phải hiểu hơn rất nhiều phân khúc khách hàng người già, lớp trẻ, các loại hình thu hút họ như thế nào và so sánh của chúng ta với quốc tế. Đặt mục tiêu từ thị trường và khát vọng; nếu đặt mục tiêu không thực hiện được thì lý giải vì sao, phải sâu sát hơn rất nhiều, tham vọng hơn rất nhiều.

Về quảng bá hình ảnh, chúng ta nhận được 54 giải thưởng, nhưng sâu sắc hơn, quảng bá của chúng ta phải từ tính độc đáo, khác biệt, bản sắc, thêm cả sự huyền bí. Trong khi đó, Việt Nam chưa làm được.

Thứ ba là nguồn lực, ở đây ai cũng nói nhiều rồi, nhất là quỹ phát triển du lịch được Thủ tướng ký từ năm 2018 và đã có hàng trăm tỷ, nhưng không tiêu được. Lý do rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là "chất nhà nước", "chất hành chính" nhiều quá và bộ máy thực thi không có cơ chế để làm. ".

Rủi ro khi núp bóng du lịch vào mục đích cuối cùng là kinh doanh bất động sản - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Còn PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì cho hay, du lịch chưa đạt kỳ vọng mặc dù nỗ lực rất nhiều, đã "thông" một vài điểm nhưng chưa thông suốt. Trong đó về cơ chế, câu chuyện mở thị thực còn chậm. Về phía các địa phương và doanh nghiệp, nhất là các địa phương trọng điểm của du lịch, thì vấn đề quảng bá rất quan trọng, nếu không phát huy được sáng kiến địa phương, không tạo ra được động lực mới cho các doanh nghiệp thì sẽ mất thời cơ. Như hình ảnh Phú Quốc, Hạ Long mà giảm đi thì ảnh hưởng đến toàn bộ du lịch quốc gia.

Ở phần kích cầu, chúng ta đã kích được lúc đầu, tiêu dùng "trả thù" bùng lên sau Covid-19 nhưng sau này thu nhập của người dân không được hỗ trợ, người dân bắt đầu "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành".

"Vì vậy, nên định hình lại toàn bộ cấu trúc phát triển thì ngành du lịch mới có cơ hội trỗi dậy. Tôi nghĩ rằng cơ hội hiện nay vẫn đang mở ra rất lớn", PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Tổ chức và tiếp cận các sự kiện mang tầm quốc tế

Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) đã đề xuất: "Về kinh tế đêm, tôi thấy cần định vị kinh tế ban đêm là kinh tế ban ngày có tính đặc thù. Bởi, hiện nay các địa phương còn khó khăn lúng túng khi triển khai kinh tế ban đêm, đa phần triển khai phố đi bộ, ăn uống, chưa tận dụng hết được thế mạnh về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người, đặc biệt là các tập tục của người dân. Điều này hạn chế khai thác của chúng ta. Về kinh tế văn hóa, thể thao, đề xuất cần có các sự kiện tiếp cận chuẩn quốc tế, mang tầm quốc tế để thu hút khách du lịch".

Rủi ro khi núp bóng du lịch vào mục đích cuối cùng là kinh doanh bất động sản - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thì đề xuất Thủ tướng và Bộ VHTTDL cần vẽ thêm cho bản đồ du lịch Việt Nam, mở rộng không gian du lịch mới. Rõ ràng du lịch nông nghiệp thực sự giúp chúng ta mở ra bản đồ du lịch mới từ những điểm sẵn có. Chúng ta nên có một tư duy mới về du lịch nông nghiệp. Dù nó mang lại nguồn thu không lớn nhưng đó là sức sống của cộng đồng, là bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Sun Group đưa ra một số kiến nghị về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ra với thị trường quốc tế cần được đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt quảng bá du lịch thông qua các hội nghị xúc tiến tới những thị trường trọng điểm.

Mở rộng thị trường, hợp tác với các quốc gia, các hãng hàng không, mở thêm đường bay, đặc biệt ở các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia… Đồng thời, mở lại các đường bay thẳng, đón dòng khách từ Nga và các quốc gia Đông Âu.

Đề xuất Chính phủ mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại thuộc EU và một số nước khu vực Trung Đông như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Saudi Arabia, Kuwait…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia; cho biết, Đảng, Nhà nước xác định và có các nghị quyết nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Rủi ro khi núp bóng du lịch vào mục đích cuối cùng là kinh doanh bất động sản - Ảnh 5.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trò chuyện cùng ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam bên lề của Hội nghị "Phát triển Du lịch Việt Nam nhanh, bền vững". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi kết nối đường bay trực tiếp từ các thị trường du lịch truyền thống, trọng điểm đến Việt Nam; hoạch định chính sách, điều hành, chỉ đạo đổi mới tư tuy về quản lý và phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đồng hành phát triển du lịch”.

Thủ tướng yêu cầu chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh, hội nhập; xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, trong đó, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh như du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, sức khỏe...

Cùng với đó, tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường, đảm bảo khai thác có hiệu quả các thị trường trọng điểm, truyền thống và từng bước mở rộng các thị trường mới tiềm năng; thúc đẩy cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch phù hợp với lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên nhiều nền tảng.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.