Tháng 6 vừa qua, thông qua hình thức livestream (phát trực tiếp) trên các nền tảng mạng, nông dân, doanh nghiệp (DN) tỉnh Bắc Giang đã bán được số lượng lớn vải thiều cùng nhiều loại đặc sản khác của Bắc Giang. Có khoảng 40 nhà sáng tạo nội dung trên TikTok có mặt tại Bắc Giang, cùng các nhà sản xuất, kinh doanh tỉnh này giới thiệu bán hàng online.
4 giờ bán 50 tấn vải
Điều thú vị, đây không phải là lần đầu tiên nông dân Bắc Giang livestream bán hàng trên các nền tảng xã hội thành công. Trước đó, từ năm 2021, nhiều đợt hàng vải thiều đã được bán đi khắp nơi qua phương thức bán hàng trực tuyến này.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho hay năm nay, bắt "trend" livestream bán hàng trên TikTok, Facebook và cả trên một số sàn thương mại điện tử đang nở rộ, một số hợp tác xã, hộ dân trồng vải đã tổ chức livestream ngay tại vườn, phát trực tiếp quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói vải thiều, nhờ đó thu hút rất nhiều khách hàng "chốt đơn". Các hộ dân đã tiêu thụ được sản lượng lớn vải thiều qua kênh bán hàng trực tuyến này.
Để hỗ trợ quảng bá nông sản đặc sản gắn với du lịch nông thôn, tỉnh Bắc Giang đã hợp tác cùng TikTok tổ chức chuỗi hoạt động, trong đó bao gồm chương trình livestream Chợ phiên OCOP (Mỗi xã 1 sản phẩm). Kết quả, chỉ sau 4 giờ, các TikToker đã bán được gần 50 tấn vải thiều cùng nhiều loại sản phẩm OCOP địa phương.
Không chỉ ở Bắc Giang, việc livestream bán hàng gần đây đã trở nên quen thuộc với một bộ phận nông dân, hợp tác xã lẫn doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Từ sau dịch COVID-19, nhiều nông dân trên cả nước đã thay đổi cách thức bán hàng, làm quen với việc livestream quảng bá, bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội hay thương mại điện tử.
Đơn cử, từ Tết 2021, một số hợp tác xã sản xuất thanh long tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được hướng dẫn và thử nghiệm ứng dụng livestream trên nền tảng Facebook để thí điểm bán thanh long. Còn tại các tỉnh, thành phía Nam, nhiều hợp tác xã, hộ nông dân cũng nhanh nhạy ứng dụng livestream vào khâu quảng bá, bán các loại trái cây, khô, bánh đặc sản miền Nam và nhận được lượng tương tác lớn. Sản lượng lẫn doanh thu bán hàng đều tăng so với việc chỉ chụp hình, rao bán trên mạng như trước.
Theo quan sát, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp là nhóm đối tượng đang sử dụng tốt công cụ phát trực tiếp để quảng bá hình ảnh, tiếp thị sản phẩm và bán hàng đến tận tay người tiêu dùng với chi phí thấp nhất. Trong đó, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thực phẩm thường xuyên phối hợp với các TikToker và những người nổi tiếng trên mạng xã hội (KOLS) để giới thiệu vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, trải nghiệm dùng thử sản phẩm…
Để thu hút khách hàng mua qua livestream, hầu hết các doanh nghiệp, "cửa hàng" đều có chính sách giá thấp hơn so với giá bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc các kênh thương mại điện tử khác. Đồng thời, khách hàng phải thanh toán trước - không áp dụng nhận hàng trả tiền để tránh "boom hàng". Dù vậy, các "cửa hàng" đều cam kết nếu khi nhận hàng, hàng không bảo đảm chất lượng thì có thể trả lại để được hoàn tiền.
Cần giải quyết bài toán giao nhận
Chuyên gia thương mại điện tử, ThS Đỗ Quang Huy đánh giá nông sản của Việt Nam là thế mạnh và việc phát triển bán hàng online đang là xu thế cần được đầu tư mạnh mẽ. "Mới đây, TikTok Shop mở thêm tính năng bán đồ tươi. Trước đây, người bán chỉ có thể bán được đồ bảo quản trên 15 ngày. Bây giờ, TikTok Shop có thể xử lý được cả những món cần giao trong vòng 3 ngày thậm chí 24 giờ, mở ra cơ hội lớn giúp tiêu thụ các mặt hàng nông sản" - ông Huy chia sẻ.
Dù vậy, ông Huy nhìn nhận nông sản tươi với đặc điểm phải giao nhanh, hàng hoàn trả có khả năng phải bỏ vì hư hỏng nên cần phải có hạ tầng logistics phù hợp mới bảo đảm tính hiệu quả. Nhìn từ bài học nông dân Trung Quốc, họ rất thành công với việc livestream bán nông sản, người tiêu dùng được mua hàng trực tiếp từ nhà vườn nên công nghệ này sớm muộn cũng sẽ được ứng dụng thực tế vào Việt Nam. "Còn hiện tại, việc livestream bán nông sản tại Việt Nam chỉ mới khởi đầu để thử hệ thống vận hành, thúc đẩy du lịch, quảng bá sản phẩm hơn là hiệu quả trực tiếp từ các phiên livestream" - ông Huy nhận xét.
Ông Lương Quang Thi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp thương mại ABA - chuyên về chuỗi cung ứng lạnh, cho biết hiện tại logistics cho thương mại điện tử, đặc biệt là những món hàng có giá trị nhỏ nhưng cần thời gian giao hàng nhanh vẫn đang là bài toán khó chưa tìm được lời giải. "Ví dụ, với những loại trái cây, thông thường 1 đơn hàng của người tiêu dùng chỉ từ 1-5 kg và khách ở rải rác khắp nơi, tiền vận chuyển nhiều khi cao hơn tiền hàng. Do đó, khách thường chọn mua ở kênh truyền thống với nhóm hàng này" - ông Thi dẫn chứng.
Cũng theo ông Thi, đặc điểm của nhiều loại nông sản là tính mùa vụ - khi thu hoạch đồng loạt phải bán ngay, nếu không thể tiêu thụ hết, giá sẽ giảm sâu. "Việc cần thiết là phải xây dựng các kho bảo quản ngay vùng nguyên liệu. Ví dụ, 1 kg vải thiều gửi kho giá 600 đồng/tháng, 3 tháng là 1.800 đồng/kg, từ đó điều tiết lượng hàng vừa phải ra thị trường. Đây là cách mà các loại táo tươi nước ngoài đang được bán tại Việt Nam - hàng đã thu hoạch từ nhiều tháng trước, lưu kho xuất bán dần" - ông Thi nêu.
Bà Quách Thị Lệ Chân, Giám đốc Công ty TNHH Bảo quản Rau quả CASS (Long An), cho hay DN có công nghệ bảo quản bằng khí (rút khí ôxy để rau quả tạm ngừng hô hấp) giúp kéo dài thời gian bảo quản nông sản. Hiện đã có một số đơn vị kinh doanh online tìm hiểu để đặt kho hàng tại đây bảo đảm chất lượng rau quả khi giao đến khách hàng.
Theo tìm hiểu, để giải quyết bài toán về giao nhận nông sản tươi, các nền tảng và nhà bán tùy thuộc vào khả năng giao hàng mà giới hạn với khách mua. Ví dụ, tại TP.HCM, các đơn hàng tươi sống hiện chỉ giao hàng ở khu vực nội thành, khách hàng ở các huyện không thể mua được. Do đó, rất nhiều khách hàng ở khu dân cư Bình Hưng hay Trung Sơn (huyện Bình Chánh) dù khá gần trung tâm cũng không thể đặt hàng giá rẻ trong các phiên livestream mà phải “lách” bằng cách đặt địa chỉ gần đó ở quận 8 sau đó tự thương lượng với người giao hàng đổi địa chỉ.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của siêu bão số 3 (Yagi) nhưng chỉ số doanh thu bán lẻ, du lịch của nhiều tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng đáng kể.
Thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam cuối năm 2024 sẽ có chuyển biến tích cực, với nguồn cung mới cải thiện đáng kể so với quý 3/2024. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng còn cần nhiều yếu tố để tạo nên kịch bản lý tưởng, hoặc kỳ vọng, thách thức cho thị trường…
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, những tháng cuối năm, TP.HCM sẽ có nhiều gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Hai đai gia trên thi trường chứng khoán là FPTS và Pinetree bị phạt do vi phạm về công bố thông tin và nhân sự và cấp giao dịch ký quỹ với mã chứng khoán không được phép, lần lượt số tiền là 177,5 triệu và 190 triệu đồng.
Hôm nay 15/10, các nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ 2 chiều (bao gồm nghe và gọi) đối với các thuê bao còn sử dụng mạng 2G Only. Theo đó, hơn 770 nghìn thuê bao sẽ bị khóa.
UBND TP.HCM đề xuất giữ được lại toàn bộ số thu ngân sách vượt dự toán đối với phần thu chia sẻ giữa Trung ương và địa phương giai đoạn 2026-2030 để làm đường sắt đô thị.