Dự án công nghệ cao hút nhà đầu tư
Đầu năm nay, UBND TP.HCM kêu gọi đầu tư 28 dự án phát triển tăng trưởng xanh, thuộc nhiều lĩnh vực như vi mạch, bán dẫn, trung tâm dữ liệu, hạ tầng giao thông, trung tâm tài chính , cải tạo môi trường. Sau hơn nửa năm mời gọi đầu tư, hàng loạt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm và gửi đề xuất đến chính quyền thành phố đăng ký làm nhà đầu tư dự án.
Không bất ngờ khi các dự án thuộc lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao, điện tử, vi mạch, bán dẫn, trung tâm dữ liệu nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các nhà đầu tư. Trong đó, Dự án Trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao TP.HCM nhận được sự quan tâm của ít nhất 5 nhà đầu tư, gồm các tên tuổi lớn như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Công ty Hathor DC Vietnam Holdings Pte. Ltd - công ty con thuộc Tập đoàn Evolution Data Centers (Singapore), Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons…
Trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, Công ty BE Semiconductor Industries (BESI- Hà Lan, một doanh nghiệp sản xuất thiết bị trong quy trình đóng gói và kiểm định vi mạch) sau khi đầu tư gần 5 triệu USD giai đoạn I, tiếp tục đề xuất đầu tư thêm 42 triệu USD để mở rộng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM, chỉ sau vài tháng vận hành nhà máy.
Cùng với việc đầu tư vào các dự án công nghệ cao, các dự án đầu tư khu công nghiệp xanh tại TP.HCM cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản công nghiệp. Hiện Thành phố đang chuẩn bị xây dựng Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I (379 ha) và Khu công nghiệp Phạm Văn Hai II (289 ha) tại huyện Bình Chánh theo tiêu chí khu công nghiệp xanh, sinh thái.
Khi biết được chủ trương đầu tư trên của Thành phố, hàng loạt nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp liên tiếp gửi văn bản đến UBND TP.HCM xin đăng ký đầu tư dự án. Trong danh sách các nhà đầu tư đăng ký, có khá nhiều doanh nghiệp “có tiếng” trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại TP.HCM như Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc (SCD), Tổng công ty IDICO, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên (CNS).
Dự án cũng nhận được sự quan tâm của một số doanh nghiệp ở miền tận miền Bắc và miền Trung như Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN), Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang.
Nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn đầu tư hạ tầng
Bên cạnh lĩnh vực công nghệ cao, khu công nghiệp, các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng cũng được TP.HCM đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư, vì đây là những dự án tạo động lực tăng trưởng mới cho Thành phố những năm tới. Có thể kể đến Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến giáp ranh tỉnh Bình Dương) dài 5,9 km, vốn đầu tư 13.850 tỷ đồng; Dự án cầu Cần Giờ vốn đầu tư 10.569 tỷ đồng; Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài hơn 19.800 tỷ đồng…
Những dự án này đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế. Trong đó, Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nhận được đề xuất tham gia của Công ty cổ phần Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194; Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC). Với Dự án cầu Cần Giờ, Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Phương Đông; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (thuộc Trung Nam Group) đã có văn bản gửi chính quyền TP.HCM đề xuất tham gia theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Trong lĩnh vực giao thông - vận tải, giữa tháng 4/2024, Công ty TNHH Saigon Public Transport (Saigon PT) thực hiện thí điểm sử dụng xe điện bốn bánh vận chuyển hành khách tham quan, du lịch tại khu trung tâm TP.HCM. Trong khi đó, Công ty TNHH Vận tải Sinh thái VinBus đang vận hành thí điểm một số tuyến xe buýt điện tại Thành phố.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, thành phố sẽ xây dựng khung chính sách, bộ tiêu chí để áp dụng vào các lĩnh vực giao thông, xây dựng, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp... Khi xây dựng được tiêu chí, Thành phố sẽ có chính sách khuyến khích phù hợp.
Theo Đầu tư
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.