Ở kỳ báo cáo doanh số mới nhất, báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy lượng tiêu thụ ôtô toàn thị trường Việt Nam đạt mức 20.726 xe, giảm 8% so với tháng trước.
Phần lớn các hãng ôtô phổ biến tại thị trường Việt Nam đều có doanh số thấp hơn tháng trước khiến tổng lượng tiêu thụ xe du lịch trong tháng 5 dừng lại ở 14.483 xe, tương đương mức sụt giảm 8%. Tuy nhiên, không ít thương hiệu vẫn ngược dòng và tăng trưởng doanh số giữa lúc thị trường ôtô rơi vào cảnh ảm đạm.
Trong dải sản phẩm của Mitsubishi tại thị trường Việt Nam, chỉ duy nhất Mitsubishi Pajero Sport sụt giảm doanh số so với kỳ báo cáo trước.
Cụ thể, mẫu SUV 7 chỗ của thương hiệu Nhật Bản ghi nhận lượng tiêu thụ 21 xe trong tháng 5, tương đương mức sụt giảm gần 72% so với số liệu tháng 4.
Phần còn lại của dải sản phẩm ôtô du lịch thương hiệu Mitsubishi tại Việt Nam đều tăng trưởng dương trong tháng vừa rồi. Mức tăng cao nhất gần 45% thuộc về bán tải Mitsubishi Triton, trong khi Mitsubishi Attrage tăng trưởng thấp nhất cũng đạt doanh số cao hơn 0,3% so với tháng trước.
Nhờ đó, tổng doanh số của Mitsubishi tại Việt Nam trong tháng 5 cán mốc 1.803 xe, tăng trưởng 6,1% so với số liệu ghi nhận trong kỳ báo cáo tháng 4.
Hiện, Mitsubishi đang triển khai ưu đãi tối đa 100% lệ phí trước bạ kèm gói bảo hiểm vật chất một năm cho toàn bộ dải sản phẩm của hãng tại thị trường Việt Nam.
Trong số này, mức ưu đãi cao nhất thuộc về Mitsubishi Pajero Sport khi khách hàng mua xe trong tháng 6 có thể được khuyến mại với tổng trị giá 200 triệu đồng.
Dù vẫn góp mặt 2 cái tên trong top 10 ôtô bán chậm nhất thị trường, lượng tiêu thụ ôtô thương hiệu Isuzu tại thị trường Việt Nam đã chứng kiến mức tăng nhẹ so với kỳ báo cáo liền trước.
Cụ thể, Isuzu mu-X đạt doanh số 19 xe trong tháng 5, cao hơn 2 xe so với thành tích bán hàng của tháng 4. Ở cùng kỳ, doanh số Isuzu D-max đạt 25 xe, tương đương mức tăng trưởng 31,6%.
Tổng cộng, 2 mẫu xe nhập khẩu Thái Lan mang về cho thương hiệu ôtô Nhật Bản tổng doanh số 44 xe trong tháng 5. So với kỳ báo cáo trước, doanh số của Isuzu đạt mức tăng trưởng 22,2% dù vẫn là hãng xe bán chậm bậc nhất thị trường ôtô Việt Nam.
Dù có đến 7 mẫu xe giảm doanh số và chỉ 3 cái tên bán tốt hơn tháng trước, doanh số tổng thể của Kia tại Việt Nam trong tháng 5 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 1,5%.
Mức tăng 39 xe trong tháng 5 của loạt ôtô thương hiệu Kia phần nhiều đến từ đà tăng trưởng khá mạnh của các mẫu xe như Kia K5 hay Kia Sonet.
Trong đó, doanh số 866 xe của Kia Sonet cùng đà tăng trưởng gần 60% của Kia K5 đã giúp khỏa lấp khoảng hụt doanh số đến từ Kia Sorento (giảm 31,3%) hay Kia Seltos (giảm 21,1%).
Trong tháng 5, tổng lượng tiêu thụ ôtô thương hiệu Kia tại Việt Nam đạt 2.695 xe, giúp hãng xe Hàn Quốc trở thành một trong 3 thương hiệu ôtô bán chạy nhất toàn thị trường.
Trái với Kia, Mazda chỉ sở hữu 2 mẫu xe giảm doanh số trong kỳ báo cáo tháng 5. So với kỳ báo cáo liền trước, tổng lượng tiêu thụ ôtô Mazda tại thị trường Việt Nam đã tăng gần 6% để chạm mốc 2.311 xe.
Dòng xe Mazda sở hữu mức tăng trưởng tốt nhất trong tháng 5 là Mazda CX-8 khi mẫu SUV cỡ lớn tăng trưởng 20% doanh số so với kỳ báo cáo trước. Trong khi đó dù đang là mẫu xe bán chạy nhất của Mazda tại Việt Nam, doanh số của Mazda CX-5 chỉ đạt mức tăng trưởng 12,2%.
Bán tải Mazda BT-50 cùng mẫu SUV đô thị Mazda CX-30 là những cái tên hiếm hoi giảm doanh số của thương hiệu ôtô Nhật Bản trong tháng 5. Tuy nhiên do vốn dĩ các mẫu xe này thường không có được doanh số ở mức cao, đà suy giảm của Mazda BT-50 hay Mazda CX-30 đã không gây ra quá nhiều ảnh hưởng đến thành tích chung của hãng tại thị trường ôtô Việt Nam.
Suzuki là một trường hợp đặc biệt của thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 5.
Nếu chỉ xét riêng doanh số nhóm ôtô du lịch thương hiệu Suzuki, hãng xe Nhật Bản chỉ ghi nhận lượng tiêu thụ 311 xe, thấp hơn 9 xe so với doanh số từng ghi nhận hồi tháng 4.
Suzuki Swift là cái tên tăng trưởng mạnh nhất của nhóm ôtô du lịch thương hiệu Suzuki trong tháng 5 khi doanh số cao hơn tháng trước đến 84,6%. Tuy nhiên do vốn không phải là cái tên sở hữu lượng tiêu thụ thường kỳ đủ lớn tại Việt Nam, đà tăng trưởng của Suzuki Swift là không đủ để giúp doanh số nhóm ôtô du lịch của Suzuki trội hơn kỳ báo cáo trước.
Sức bật của thương hiệu Suzuki tại thị trường Việt Nam trong tháng 5 đến từ nhóm xe tải khi cả 3 mẫu xe thuộc dòng này đều tăng trưởng mạnh về doanh số so với kỳ báo cáo trước. Đáng chú ý, mẫu Super Carry Pro của Suzuki đạt doanh số 1.179 xe ở tháng vừa rồi, tương đương hơn 14 lần lượng tiêu thụ ghi nhận trong tháng 4.
Nhờ đó, tổng doanh số Suzuki tại Việt Nam đạt 1.769 xe trong tháng 5, cao hơn gần 400 xe so với thành tích bán hàng chung từng đạt được ở kỳ báo cáo trước.
Vì vậy, Suzuki vẫn là một trong số những hãng xe hiếm hoi có màn lội ngược dòng khi tăng trưởng doanh số trong tháng 5 giữa tình cảnh ảm đạm chung của thị trường.
Thương mại điện tử và kinh tế số là trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển ngành công thương tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2030. Diễn đàn cho lĩnh vực này của Bộ Công Thương được kỳ vọng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho trụ cột này.
Cổ phiếu TNA của CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (trụ sở tại TP.HCM) sẽ không còn niêm yết trên HoSE từ ngày 19/11/2024.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.
Nhóm khách hàng 29 - 44 tuổi ngày càng thích mua sắm online những sản phẩm cao cấp; trung bình họ mua 1 - 3 lần/tuần và mỗi lần lên tới 3 triệu đồng cho một lần mua qua sàn thương mại điện tử.
HĐQT của Becamex IDC, công ty hàng đầu Việt Nam về phát triển bất động sản công nghiệp, vừa thông qua kế hoạch huy động 1.080 tỷ đồng qua kênh trái phiếu nhằm tái cơ cấu nợ. Dự kiến, đợt phát hành sẽ thực hiện trong quý IV/2024.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM) gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ lùi thời gian thông xe đến tháng 2/2025, không kịp vào cuối năm nay như kế hoạch, do vướng giải phóng mặt bằng.