Trong bức tranh nhiều mảng màu xám của các nhà sản xuất do gặp khó khăn ở thị trường trong nước lẫn quốc tế, vẫn có những tín hiệu tích cực từ số ít doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá.
Dù gam màu xám đang chiếm sóng trong bức tranh kinh doanh chung, song vẫn có một vài điểm sáng hiếm hoi xuất hiện. Đáng chú ý những doanh nghiệp ngược dòng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao thuộc về ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, logistics…
Trong bối cảnh thị trường bất động sản và xây dựng gặp khó, các doanh nghiệp trong ngành nhựa công nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ phải tạm dừng hoạt động, thậm chí bán cơ nghiệp vì khả năng cạnh tranh gay gắt thì Công ty Nhựa Bình Minh (BMP) lại có kết quả kinh doanh khá khả quan.
Khép lại quí 1 vừa qua, doanh thu thuần của BMP đạt gần 1.440 tỷ đồng, tăng 6,7% so với mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp đạt hơn 554 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 73,8%. Biên lãi gộp được cải thiện từ 24% lên 39%.
Trừ đi các loại chi phí, BMP báo lãi sau thuế hơn 280 tỷ đồng, tương đương gấp 2,2 lần mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất (theo quí) mà BMP từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động. Như vậy chỉ sau quí đầu năm, BMP đã hoàn thành được 43% mục tiêu lợi nhuận.
Tương tự với lĩnh vực bất động sản, trong khi hàng loạt doanh nghiệp bất động sản còn gặp khó khăn, đóng cửa thì vẫn có một số doanh nghiệp “ngược dòng” tăng trưởng ngay cả thị trường còn rất ảm đạm. Sunshine Homes, Văn Phú Invest, Vinhomes, Kinh Bắc… đã ghi nhận lãi ròng tăng trưởng trong quí vừa qua.
Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes (SSH) ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 409% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp đạt doanh thu thuần hơn 508 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt gần 88 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 270,4 tỷ đồng, tăng 409%. Như vậy chỉ trong quí đầu tiên Sunshine Homes đã hoàn thành đến 71% kế hoạch lợi nhuận năm.
Hay Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) báo cáo doanh thu đạt 14,8 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp đạt lãi sau thuế 11,77 tỷ đồng, gấp 16 lần so với khoản lãi chỉ hơn 730 triệu đồng của cùng kỳ năm trước.
Theo doanh nghiệp, lợi nhuận tăng mạnh do doanh nghiệp này đã nhận cổ tức từ khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Phát triển nhà G Homes; hoàn tất mua lại các gói trái phiếu đang lưu hành dẫn đến gánh nặng lãi vay giảm trong khi ghi nhận thêm doanh thu từ hoạt động tài chính…
Cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, Tổng công ty cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) có doanh thu thuần đạt 2.223 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.056 tỷ đồng, lần lượt bằng gấp 3 lần và gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hay với lĩnh vực logistics được cho là khó khăn hơn bao giờ hết khi mà cả chiều xuất và nhập khẩu hàng hóa đều bị sụt giảm trong những tháng qua, khiến các doanh nghiệp logistics có kết quả kinh doanh khởi đầu buồn. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp ngành này kinh doanh đạt kết quả “ngược chiều” với tình hình chung.
Với việc giá cước thuê định hạn tăng và hoạt động các tàu chạy chuyến ven biển đạt hiệu quả hơn so với cùng kỳ, Vận tải Xăng dầu Vitaco (VTO) ghi nhận lợi nhuận gần 14 tỉ đồng trong quí 1, gấp 7,3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ đường vận động hàng hóa thay đổi, đội tàu của Vận tải Xăng dầu đường thủy Petrolimex (PJT) khai thác được những chuyến dài và chuyến hàng hai chiều nên sản lượng và doanh thu vận tải quí vừa qua tăng cao. Kết quả, Công ty lãi ròng 6 tỉ đồng, cao gấp 10 lần cùng kỳ – đứng đầu bảng xếp hạng trong nhóm…
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) báo cáo rằng 4 tháng đầu năm đạt 12.059 tỷ đồng doanh thu và duy trì mức lợi nhuận sau thuế 859 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2022. Đây được xem là một kết quả khá tốt trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn và trang sức không phải là nhóm hàng thiết yếu.
Theo đại diện PNJ, trong bối cảnh sức mua chung các mặt hàng xa xỉ suy giảm mạnh, PNJ liên tục lập sáng kiến kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả, mở rộng thị phần nên doanh thu trang sức bán lẻ trong bốn tháng đầu năm chỉ giảm 5,7% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết dù nằm trong nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu nhưng ngành lương thực thực phẩm trong nước vẫn không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ lạm phát, xung đột quân sự kéo dài ở một số khu vực trên thế giới. Điều này dẫn đến kết quả kinh doanh chung của ngành bị sụt giảm trong những tháng đầu năm.
Mặc dù vậy, tại Bidrico bằng sự nỗ lực xoay xở nhiều cách mà kết quả kinh doanh của công ty trong 4 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài duy trì thị phần tại Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á, doanh nghiệp tăng thêm đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc nhờ năng lực chuyển đổi xanh. Theo ông Hiến, nhờ kịp thời quay về các sản phẩm bổ dưỡng và các sản phẩm thiên nhiên, xanh hóa… nên hoạt động kinh doanh của công ty tăng cả thị trường trong nước và quốc tế.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa-Miliket, cho biết thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… không chỉ xuất khẩu mì tôm, công ty còn xuất các sản phẩm dòng gạo sang thị trường châu Âu. Và 5 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu của công ty tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với mức tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ bí quyết để các sản phẩm xuất khẩu được người tiêu dùng quốc tế lựa chọn, ông Tuấn cho hay, doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng và “nâng cấp” sản phẩm ngay cả bao bì.
Đơn cử như giấy bọc gói mì tôm Miliket là loại giấy chất lượng, được công ty nhập khẩu toàn bộ từ Nhật Bản. Tới đây, doanh nghiệp đưa công nghệ plasma trong y tế, ứng dụng công nghệ để thanh trùng sản phẩm tốt hơn nữa.
Ở ngành rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc của Vina T&T Group, cho hay xuất khẩu 4 tháng đầu năm của công ty ông tăng trưởng đến 26-27% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ lực vẫn là thị trường Trung Quốc, và công ty cũng không ngừng đẩy mạnh ở các thị trường khó tính khác như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc…
Sản phẩm trái cây Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí ở nhiều thị trường khác nhau, trong đó mỗi thị trường là một sân chơi riêng, mỗi sân chơi lại có luật chơi riêng. Do đó, Vina T&T Group luôn kịp thời đáp ứng tiêu chuẩn của từng “sân chơi”.
Dù vậy, tăng trưởng của Vina T&T và ngành xuất khẩu này lội ngược dòng vì một phần Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu lương thực thực phẩm thiết yếu tại thị trường tỉ dân tăng cao. Mặt khác, việc tham gia các Hiệp định FTA với các nước và khu vực,… giúp sản phẩm trái cây Việt Nam rộng đường đến các nước.
Ngoài ra, trái cây Việt đang ngày càng được ưa chuộng vì độ an toàn cao, chất lượng, hương vị sản phẩm ngon hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Tuy nhiên, câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là điều cần quan tâm. Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng để xây dựng được thương hiệu mạnh, yếu tố cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm. Cần xây dựng vùng trồng đủ lớn và xây dựng trạm sơ chế ngay tại vùng trồng, thay vì xây dựng nhà máy rồi đi thu mua sản phẩm ở các vùng trồng như nhiều doanh nghiệp vẫn làm. Vì khi vận chuyển sản phẩm thì phần hao hụt rất nhiều, chất lượng cũng không còn đảm bảo tươi ngon nhất.
Đáng chú ý, khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, công ty mở một văn phòng tại nước này để kịp thời xử lý những trường hợp một vài trái trong cả chuyến hàng bị hư hỏng, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp…
So với nhiều lĩnh vực khác thì doanh nghiệp dược phẩm được xem là ít bị ảnh hưởng mà còn được cho là “sống khỏe” trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Một số doanh nghiệp dược phẩm đón nhận doanh thu và lợi nhuận quí 1 tăng mạnh. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng tốt các doanh nghiệp ngành này cũng có nhiều chiến lược tăng trưởng.
Tại Công ty Dược phẩm Imexpharm, doanh thu thuần hợp nhất quí 1 tăng trưởng 53% so với cùng kỳ, đạt 479 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 48%, đạt 78 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo công ty Imexpharm, doanh thu tăng trưởng là do trong quí vừa qua, công ty tiếp tục mở rộng thị trường, cùng với việc thị trường hồi phục sau đại dịch Covid-19. Công ty cũng cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và biên lợi nhuận cao.
Còn Bidiphar nhờ thay đổi cơ cấu kinh doanh và đẩy mạnh các mặt hàng dược phẩm do công ty sản xuất nên kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể. Tổng doanh thu bán hàng dược phẩm sản xuất quí 1 tăng 15%, lãi ròng đạt hơn 68 tỷ đồng, tăng trưởng gần 34% so cùng kỳ năm trước.
Hay Dược Hậu Giang (DHG) có một quí khá thành công, đạt doanh thu 1.229 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp tăng 22%, lên 614 tỷ đồng. Hoạt động tài chính khởi sắc khi doanh thu tăng 76% trong khi chi phí giảm 12%. Sau khi trừ đi các chi phí, DHG lãi 361 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình, DHG đã tập trung bán các sản phẩm chủ lực và chiến lược, đặc biệt là kháng sinh, giảm đau, hạ sốt… Doanh thu hàng do công ty sản xuất đạt mức tăng trưởng 21%. Biên lợi nhuận cải thiện nhờ chủ động tăng dự trữ nguyên liệu, thành phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường…
Mặc dù vậy, tình hình chung hiện vẫn còn khó khăn. Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng bức tranh xuất khẩu những tháng còn lại trong năm vẫn còn nhiều khó khăn, ngay cả những doanh nghiệp bước đầu có kết quả tăng trưởng nhưng chưa thật sự vững vàng.
Hiện, kinh tế toàn cầu vẫn trong giai đoạn suy thoái, lạm phát tăng cao, rủi ro vẫn rình rập… Các chuyên gia dự báo thời gian tới, tình hình chính trị kinh tế thế giới sắp tới vẫn khó đoán định, tổng cầu xuất khẩu giảm, đang khó sẽ còn khó hơn, do đó doanh nghiệp không thể chủ quan mà cần phải tiếp tục cải thiện năng lực.
Một số mặt hàng xuất khẩu còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường ở các nước phát triển như khu vực EU thì ngày càng khó tính hơn khi thiết lập các hàng rào về tiêu chuẩn xanh, sản xuất bền vững, hạn chế tác hại đến môi trường, tuần hoàn…
Còn thị trường lớn như Mỹ và các nước có ký kết FTA với Việt Nam thì doanh nghiệp xuất khẩu ở các thị trường này ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, thị trường bị giảm sút mạnh…
Để tăng tốc, bên cạnh tự nỗ lực xoay xở, các doanh nghiệp còn đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường mới. Các cơ quan tham tán thương mại Việt Nam ở các nước cũng cần hỗ trợ nhiều hơn nữa khâu kết nối thị trường cho doanh nghiệp, giúp cập nhật thông tin thị trường cũng như quy định mới về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn… để doanh nghiệp kịp thời xoay chuyển và thích ứng.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.