Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay, 4/7, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Nghị quyết kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV vừa ban hành, đã đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ.
"Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ triển khai một cách nghiêm túc và hiệu quả chỉ đạo của Quốc hội, sẽ có kế hoạch thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó có tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Theo ông Chi, việc thanh kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm không phải khi có Nghị quyết của Quốc hội Bộ mới làm, mà đây là chức năng và nhiệm vụ. Trong thời gian vừa qua, thông qua giám sát và thông tin phản ánh từ thị trường, từ các cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã triển khai thanh tra.
Ngày 30/6 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai hoạt động thông qua liên kết với ngân hàng để kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Có rất nhiều thông tin chi tiết, đặc biệt là sai phạm của các doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính công bố công khai.
"Chúng tôi cũng đang triển khai thông qua quy trình thanh tra, sau một thời gian ngắn nữa sẽ xử lý nghiêm vi phạm của những công ty này, và tiếp tục công bố", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin thêm.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết kế hoạch là từ đầu năm 2023 sẽ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm. Tới hết năm 2023, sẽ tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp, trong đó thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm, 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Việc thanh tra tập trung vào liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại, và hướng các nội dung thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua.
Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024.
Song song với công tác thanh kiểm tra, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra, giám sát, để thị trường bảo hiểm hoạt động đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Chiều 30/6, Bộ Tài chính công bố thông tin kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm. Đó là Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Kết quả thanh tra cho thấy hoạt động của các đơn vị này còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới với khách hàng.
Một số vi phạm đã được chỉ ra, như không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ. Nhân viên không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm.
Cùng với đó còn có tình trạng nhân viên cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin, cũng như không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Kết quả thanh tra còn cho biết các doanh nghiệp bảo hiểm thu lớn từ kênh bán qua ngân hàng, nhưng tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên đều trên 32%.
Điển hình như Sun Life có tỷ lệ huỷ bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất của các hợp đồng phát hành qua TPBank và ACB lần lượt là 73% và 39%.
Prudential có tỷ lệ hủy, mất hiệu lực là 41%.
BIDV Metlife phát hành tổng cộng 21.123 hợp đồng qua kênh ngân hàng, tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất đến 39,4%.
MB Ageas cũng có tỷ lệ hủy hợp đồng năm đầu tới 32,4%.
Ngoài ra, trong quá trình thanh tra chọn mẫu ngẫu nhiên đối với đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết cả 4 doanh nghiệp đều có số lượng trường hợp sai phạm lớn.
Sau thanh tra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu, để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền này do doanh nghiệp hoạch toán chi phí chưa đúng quy định. Trong đó, riêng Prudential phải bổ sung 740 tỷ đồng vào thu nhập chịu thuế.
Lãnh đạo Cục thuế TP.HCM cho biết đơn vị đã hoàn thành việc giải quyết nghĩa vụ tài chính cho 15.800 hồ sơ thuế từ ngày 1/8.
Thông tin bầu Thụy lên kế hoạch xây dựng học viện bóng đá tiêu chuẩn cao nhất châu Á với diện tích 90 ha tại tỉnh Ninh Bình không có gì lạ. Đây là một bước tiến mang tính lô-gíc nếu xét theo các động thái đầy tham vọng của doanh nhân này.
Nhiều cơ hội hấp dẫn hơn đang vẫy gọi các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam trong năm 2025, nổi bật là chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và các lĩnh vực liên quan đến phát triển xanh, theo tập đoàn đầu tư VinaCapital.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9, cả nước có hơn 11.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể. Trong đó, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 4.233 và chờ giải thể lên đến 7.410 doanh nghiệp.
Dù siêu bão Yagi (bão số 3) tàn phá nhiều vùng ở miền Bắc trong tháng 9 làm ảnh hưởng đến nhiều người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, Ngân hàng UOB của Singapore đã nâng triển vọng tăng trưởng GDP cả năm 2024 của Việt Nam.
Thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp miền Nam được dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2025 với tốc độ cao hơn năm 2024, là năm chứng kiến nhiều bất ổn kinh tế toàn cầu và thay đổi về chính sách ở nhiều quốc gia.