Đây là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, nhiều món ăn được người dân chế biến rất ngon, trong đó có món bún Cà Chơi được xem là "đệ nhất bún" với hương vị đậm đà rất riêng.
Những ngày diễn ra lễ Sene Dolta của đồng bào dân tộc Khmer (năm nay vào các ngày 13, 14 và 15/10, nhằm ngày 29, 30/8 và 1/9 âm lịch), hầu hết gia đình Khmer ở huyện Gò Quao, nhất là ở các chùa Nam tông Khmer đều không thể thiếu món bún Cà Chơi.
Món bún Cà Chơi đã có từ rất lâu ở các gia đình nông dân huyện Gò Quao. Đây là món ăn dân dã của người dân tộc Khmer sáng tạo ra: Món bún mắm chế biến từ cá đồng. Bà Thị Thu Hai (ngụ ấp Hòa Hớn, xã Định Hòa, huyện Gò Quao), thợ nấu chính trong bữa ăn sáng cho đoàn khách 60 người đến thăm, chúc mừng nhân lễ Sene Dolta năm 2023 tại chùa Cà Nhung, xã Định Hòa cho biết, hằng năm vào các ngày lễ, Tết của đồng bào Khmer, bà đều nấu món bún Cà Chơi đãi khách và bà con phật tử đến thăm, lễ phật.
Theo bà Hai, từ khi còn nhỏ bà đã biết ăn món bún Cà Chơi. Bà rất thích hương vị đậm đà của món bún này, nhất là những ngày mưa, ăn vào có thể giải cảm. Có lẽ vì thế, bà chọn nghề nấu món bún Cà Chơi để đem lại món ngon cho mọi người.
Nấu bún Cà Chơi phải thật chú tâm mới thành hương vị đặc trưng của nó. Khâu chọn mắm nấu nước dùng rất quan trọng, phải chọn loại mắm đồng như cá sặc, cá lóc hay cá trê; con mắm phải tươi ngon, màu thịt hồng hào, không bị nát mà vẫn giữ mùi vị cá thơm ngon quyện với mùi thính thơm. Sau đó, chọn những con cá lóc đồng chất lượng thịt chắc đem nấu nước dùng, cá vừa chín tới, vớt ra ngoài, bỏ xương chọn lấy thịt.
Để nồi nước dùng thêm thơm ngon cho từ từ mắm vào nồi nấu cá lóc trước đó, vớt hết bọt. Sau khi vớt mắm ra lược bỏ xương, cho hỗn hợp băm nhuyễn gồm củ ngãi (người Khmer còn gọi là Cà Chơi) và sả đã được phi hành tỏi thơm lừng vào nồi nước dùng. Lúc này, nước dùng có màu rất đẹp.
Bà Thu Hai cho biết, củ ngãi là loại củ nhỏ, thon dài bằng đầu ngón tay, có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, nhất là tác dụng giải cảm. Mọi người vẫn lưu truyền câu chuyện cảm động về củ ngãi: Có hai vợ chồng trẻ người Khmer yêu thương nhau hết mực, sống hạnh phúc trong một khu rừng. Hằng ngày, người chồng trồng trọt, vào rừng đốn củi nuôi vợ con. Người vợ rất mực yêu thương chồng làm lụng vất vả, luôn chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ của chồng chu đáo. Do lao động quá vất vả, gặp phải cơn mưa nên người chồng bị cảm nặng, cô vợ rất đau lòng tìm thuốc thang chữa bệnh cho chồng. Nghe mọi người chỉ dẫn, cô vào rừng đào củ ngãi đem về nấu canh cho chồng. Thật kỳ lạ, người chồng uống canh xong hết cảm, từ đó tình nghĩa vợ chồng càng thêm mặn nồng.
Về sau, người Khmer đem củ ngãi nấu với mắm chan vào bún, ăn kèm với cá lóc, thịt lợn ba rọi, tạo nên món ăn bổ dưỡng, đậm đà. Món bún Cà Chơi ra đời cũng để nhắc nhở con cháu ngày sau coi trọng tình nghĩa.
Món bún Cà Chơi sẽ kém ngon nếu thiếu nguyên liệu, ngoài thịt ba rọi còn có thể ăn kèm chả cá, thịt lợn quay… Loại rau góp phần quan trọng trong món bún này là muống chẻ sợi, bắp chuối non, hẹ, rau thơm... Chị Thị Quyên (xã Định Hòa, huyện Gò Quao) chia sẻ, chị rất thích ăn bún Cà Chơi đặc trưng của người Khmer, bún rất ngon. Chị đang học cách nấu để khi có khách hoặc đám tiệc tôi sẽ nấu cho người thân của mình thưởng thức.
Bún Cà chơi rất dễ ăn, ngoài được người nông dân nấu ăn trong gia đình, chùa, có nhiều người bán ở các chợ xã trong huyện Gò Quao với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/tô. Quán ăn của chị Cẩm Hồng ở chợ Sóc Ven (xã Định An, huyện Gò Quao) luôn đông khách, trong đó món bún Cà Chơi được nhiều người lựa chọn. Chị Cẩm Hồng chia sẻ, chị mong muốn có thêm nhiều người bán bún Cà Chơi để người dân, du khách thưởng thức và món bún này sẽ trở thành thương hiệu riêng của người dân địa phương.
Sau khi thưởng thức tô bún thơm lừng, tin rằng món bún Cà Chơi sẽ được nhiều người ưa thích, một nét độc đáo trong ẩm thực của đồng bào Khmer nơi đây.
Theo TTXVN
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.