Sau khi xem xét đề xuất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về việc đầu tư đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực nhà ga hành khách T3 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), Bộ GTVT đã lên tiếng về đề xuất này.
Bộ cho biết ACV dự kiến tách hai nội dung đầu tư thành dự án riêng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong đó, dự án thành phần 1 - Xây dựng đường cất hạ cánh số 2 do ACV huy động nguồn vốn đầu tư phát triển để đầu tư; Dự án thành phần 2 - San nền khu vực Nhà ga hành khách T3, đề xuất sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Bộ GTVT.
Đối với đề xuất đầu tư đường cất hạ cánh số 2, Bộ GTVT cho biết, dự án sân bay Long Thành được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư gồm các nội dung chính như mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, thời gian và lộ trình thực hiện.
Dự án được phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn, trong đó quy mô đầu tư giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến, chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác".
Giai đoạn 2 là tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở.
Bộ GTVT cho hay, theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được phê duyệt, phương án đầu tư thêm 1 đường cất hạ cánh này ở phía Nam sân bay Long Thành.
Từ những cơ sở trên, Bộ GTVT khẳng định, việc đề xuất đầu tư đường cất hạ cánh số 2 của ACV ngay trong giai đoạn này là không phù hợp về thời điểm, vị trí đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư được Quốc hội quyết định tại chủ trương đầu tư của dự án.
Theo đó, đề xuất của ACV thuộc trường hợp thay đổi quy mô phân kỳ đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 94/2015. Vì vậy, cần phải thực hiện thủ tục trình, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt điều chỉnh dự án thành phần 3 của Quyết định số 1777/2019 để bổ sung hạng mục này.
Đối với đề xuất san nền khu vực nhà ga hành khách T3, Bộ GTVT phân tích, nội dung này không phải là quy mô đầu tư chính của dự án giai đoạn 1.
Cụ thể, việc thực hiện hạng mục này tương tự như việc tập kết, đầm nén đất dư thừa giai đoạn 1 để phục vụ cho các giai đoạn tiếp theo ở phạm vi 722 ha đất của giai đoạn 2.
"Việc bổ sung nội dung này không thuộc trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư mà thuộc trường hợp điều chỉnh, bổ sung phạm vi đầu tư của giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1777/2019", Bộ GTVT nhấn mạnh.
Về việc sử dụng vốn thực hiện hạng mục này, Bộ GTVT nhận thấy theo nội dung hồ sơ trình phê duyệt đầu tư giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành, ACV đã xây dựng kế hoạch kinh doanh, tích lũy nguồn tiền để thực hiện giai đoạn 2 của dự án và định hướng cho giai đoạn 3.
Nội dung này đã được Bộ GTVT và ACV giải trình nhiều lần với Hội đồng thẩm định nhà nước và các đại biểu Quốc hội.
Qua đó, ACV đã xác định tiếp tục là nhà đầu tư và khai thác sân bay Long Thành trong các giai đoạn tiếp theo.
Cùng đó, việc đầu tư hạng mục san nền nhà ga hành khách T3 cũng nhằm tránh ảnh hưởng đến việc khai thác giai đoạn 1 của ACV và tạo thuận lợi để ACV triển khai giai đoạn tiếp theo.
Hiện nay, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT không còn để bố trí thực hiện hạng mục này. Nếu thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ không bảo đảm tiến độ hoàn thành theo yêu cầu.
"Chủ thể thực hiện công tác san nền nhà ga hành khách T3 nên được thực hiện bởi ACV để bảo đảm tính đồng bộ, cũng như tiến độ thực hiện", Bộ GTVT cho hay.
Bộ GTVT đề nghị ACV rà soát, cập nhật lại tổng mức đầu tư của dự án thành phần 3 để nghiên cứu, bổ sung các hạng mục nêu trên (đường cất hạ cánh số 2, san nền nhà ga hành khách T3) trong dự án thành phần 3 do ACV là chủ đầu tư để bảo đảm thuận lợi trong thủ tục, nguồn vốn, tiến độ đầu tư.
Trường hợp vượt quá tổng mức đầu tư dự án thành phần 3, ACV báo cáo và xin ý kiến thống nhất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ sở trình thẩm định, phê duyệt bổ sung.
Việc báo cáo Bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án chỉ thực hiện trong trường hợp dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Bộ GTVT cho hay, để sử dụng vốn của ACV đầu tư đường cất hạ cánh số 2 cần thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 29/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Theo Bộ GTVT, tại thời điểm trình Quốc hội, Chính phủ thông qua, phê duyệt dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, Chính phủ chưa ban hành Nghị định số 29/2021 và do đặc thù của dự án, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT là cơ quan trình báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2024 của Savills Việt Nam đã cung cấp một số diễn biến đang chú ý của phân khúc nhà phố/biệt thự tại TP.HCM sau nhiều quý ghi nhận tình hình hoạt động trầm lắng.
Việc các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới mở rộng đầu tư tại khắp các tỉnh, thành đã góp phần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân đã chỉ ra hiện tượng một số người tham gia đấu giá đất chủ yếu là giới đầu cơ, thao túng bằng cách đẩy giá cao và bán lại ngay để thu lợi, tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh.
Đã có những điểm sáng trong phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy tại Việt Nam, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất cần chính sách khuyến khích đồng bộ và đột phá.
Nếu khó tìm mua gạo ST25 Ông Cua chính hiệu, bánh pía đúng chuẩn vị Sóc Trăng và các đặc sản khác của tỉnh này thì đây là cơ hội dành cho người dân tại TP.HCM. Chương trình diễn ra tư nay đến cuối tuần, trong 5 ngày liên tục.
Dĩa cơm tấm tại 1 nhà hàng trên đường Tôn Thất Đạm (Quận 1, TP.HCM) do đầu bếp người Mỹ gốc Việt chuẩn bị có giá 100 USD, tương đương 2,5 triệu đồng. Nếu không đặt món trước, nhà hàng không có sẵn.