Ngày 21/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050."
Theo Quyết định, mục tiêu chung, đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sỹ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.
Căn cứ khả năng cân đối, ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại khoảng 18 cơ sở giáo dục đại học công lập ở 3 miền Bắc, Trung và Nam.
Đến năm 2050, phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Các cơ sở đào tạo, đặc biệt các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Đó là nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về: nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo; tổ chức đào tạo; huy động, đa dạng hóa nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu và phát triển; nhóm các nhiệm vụ, giải pháp khác.
Theo Quyết định, kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật về đầu tư công; nguồn đầu tư, tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Trong đó, ngân sách nhà nước bố trí để hỗ trợ thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp: Nguồn vốn đầu tư phát triển cho việc đầu tư hình thành, nâng cấp, hiện đại hóa 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, thành phố Đà Nẵng và các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại 18 cơ sở giáo dục đại học công lập; việc hỗ trợ đầu tư các thiết bị, máy móc, phần mềm của phòng thí nghiệm phục vụ phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Nguồn chi thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ đào tạo; duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành các phòng thí nghiệm bán dẫn; nghiên cứu và phát triển; xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực; truyền thông, khen thưởng… theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối điều phối, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai Chương trình; định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có); trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục đại học xây dựng đề án đề xuất đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn; lựa chọn các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học và ban hành kế hoạch đào tạo theo mục tiêu của Chương trình.
Bộ Tài chính căn cứ đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và khả năng cân đối ngân sách trung ương, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình theo pháp luật về ngân sách nhà nước.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.