Đúng 15h, sạp Thái Trang tại chợ An Đông, quận 5, TP.HCM lại bắt đầu lên sóng livestream bán quần áo Tết trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Những buổi livestream bán hàng thế này đều đặn diễn ra suốt 4 tháng qua và những ngày gần Tết lại càng sôi động hơn nữa, thu hút nhiều người xem hơn nữa.
Chị Thái Trang - chủ sạp quần áo, cho biết lượng khách từ các tỉnh đặt hàng qua livestream tăng cao từ hồi bước vào tháng Chạp. Khách chủ yếu từ các tỉnh, mua hàng sỉ tại chợ. Hình thức livestream giúp chị bán được nhiều hàng hơn, tiếp cận được lượng khách mới nhiều hơn thay vì chỉ phục vụ khách cũ và ngồi chờ khách tới chợ.
“Từ đầu năm 2023, tình hình buôn bán ở chợ rất ế ẩm. Những mặt hàng không thiết yếu như quần áo, giày dép, túi xách… tuột dốc thê thảm, có giai đoạn giảm tới 70% so với năm 2022. Livestream, khách thấy đường may mũi chỉ, màu sắc sống động, người thật quần áo cũng thật nên đặt hàng nhiều”, chị Trang nói.
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc công ty Liên kết Thương mại Toàn Cầu, chuyên về các loại cà phê nông sản cũng cho biết nhu cầu các loại hàng hóa năm nay không cao vì kinh tế khó khăn. Bán hàng qua các kênh trực tuyến, đặc biệt là livestream trên TikTok đang được doanh nghiệp tăng cường.
“3 tháng nay, chúng tôi bắt đầu đầu tư và livestream bán hàng. Kết quả rất khả quan khi doanh thu tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước 30%. Chúng tôi định hướng đẩy mạnh mảng này trong năm 2024”, ông Luận nói.
Trong khi sức mua ở kênh truyền thống tăng chậm thì kênh online, nhất là thông qua livestream có phần tăng trưởng tốt. Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, năm nay, đồng loạt các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, MM Mega Market… cũng tổ chức livestream bán hàng Tết, sản phẩm Tết, đặc sản Tết trên các nền tảng mạng xã hội.
Mới đây, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, UBND TP.Thủ Đức đã xây dựng kênh TikTok Chợ Thủ Đức trực tuyến - Thu Duc Online Market, tổ chức Ngày hội Mua sắm Tết TP.HCM - Chợ Thủ Đức trực tuyến từ ngày 26 - 28/1.
Kênh đã vượt mốc 100.000 người theo dõi, gần 20 phiên livestream kết hợp với các nhà sáng tạo nội dung. 50 nhà bán lẻ, doanh nghiệp, nhãn hàng, 100 nhà sáng tạo nội dung cũng đã cùng quảng bá các sản phẩm du lịch, nét đẹp cảnh sắc - văn hóa và con người Thủ Đức. Kết quả từ các gian hàng trực tuyến và livestream là hơn 17.000 đơn hàng đã được bán ra. Các phiên livestream và các video ngắn thu hút hơn 180 triệu lượt xem trên nền tảng TikTok.
Kênh TikTok Chợ Thủ Đức trực tuyến vượt mốc 100.000 người theo dõi. Ảnh chụp màn hình
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Ngày hội Mua sắm Tết - chợ Thủ Đức trực tuyến đã đạt hiệu ứng tốt, đáp ứng nhu cầu giải trí và mua sắm trực tuyến, giúp TP.Thủ Đức thêm rộn ràng ngày giáp Tết.
Chợ Thủ Đức trực tuyến chỉ là một phần của Ngày hội mua sắm, giải trí Tết TP.HCM do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức. Ngoài ra, còn có một loạt chương trình khác như Ngày hội mua sắm, giải trí Tết trực tuyến do Công ty CP Tập đoàn KIDO và E2E Commerce tổ chức tại Vạn Hạnh Mall, Hùng Vương Plaza, quảng bá các phố đêm Cần Giờ…
Ông Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết Ngày hội Mua sắm, Giải trí Tết TP.HCM 2024 có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà bán hàng, các nhà sáng tạo nội dung và người tiêu dùng mang đến cơ hội thương mại số, số hóa quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị kinh doanh.
Theo ông Vũ, chuỗi hoạt động cũng sẽ là dịp để Viện này đánh giá tính hiệu quả của các mô hình hoạt động kinh doanh mới và có các nghiên cứu, đề xuất liên quan nhằm thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.