Ngay khi nhận được thông tin về việc triển khai phố ẩm thực, anh Thế Hiệp (chủ quán mì quảng) không giấu được sự phấn khởi. Những năm gần đây, tình hình kinh doanh của quán anh đang trên đà phát triển. Tính riêng năm nay, doanh thu của quán đã đạt gấp đôi so với trước đây. Anh Hiệp cho rằng việc xúc tiến mở phố ẩm thực sẽ góp phần đẩy mạnh kinh doanh của khu vực nói chung chứ không riêng cửa hàng mình.
“Điều đặc biệt trên con đường này là ẩm thực rất đa dạng, từ món Á đến Âu, với mức giá phù hợp. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là yếu tố thu hút nhiều khách du lịch ghé tham quan và trải nghiệm, tăng thu nhập cho các hộ kinh doanh tại đây”, anh Hiệp chia sẻ.
Anh Hiệp cho biết sẽ vẫn giữ mức giá bình ổn, không tăng giá để giữ chân khách hàng.
Tương tự anh Hiệp, chị Cẩm Tú (chủ cửa hàng bánh) cũng cho rằng đây sẽ là cơ hội vực dậy việc kinh doanh đã tuột dốc không phanh 2 năm nay của cửa hàng chị. Hiện tại, cửa hàng đã tiến hành tân trang nội thất cũng như cập nhật thêm các món bánh “trend” để thu hút nhóm khách hàng trẻ.
“Vì ảnh hưởng của dịch nên 2 năm nay lượng khách ghé cửa hàng cũng giảm hơn hẳn. Dù đã thực hiện nhiều chương trình như mua 1 tặng 1, giảm giá... nhưng cũng không khá hơn. Sắp tới, thông qua phố ẩm thực, tôi rất mong lượng khách đến tiệm sẽ tăng”, chị Tú nói.
Trái ngược với anh Hiệp và chị Tú, anh Nguyễn Văn Hiếu lại thấp thỏm trước thông tin phố ẩm thực sắp đi vào hoạt động. Cửa tiệm bán mì quảng rộng 10m2 của anh được cho thuê với giá 30.000.000 đồng. Tháng trước, anh nhận được thông báo từ chủ cho thuê sẽ tăng 10% tiền mặt bằng khi phố ẩm thực chính thức đi vào hoạt động.
“Chi phí thuê mặt bằng tăng, kèm theo nguyên liệu cũng tăng nhưng tôi vẫn giữ mức giá bình ổn. Một năm trở lại đây việc kinh doanh của tôi lãi rất ít”, anh Hiếu chia sẻ.
Anh Hiếu cho biết tình hình kinh doanh của tiệm năm nay “rơi thẳng đứng”. So với những năm trước, sức mua giảm đến 40%. Khách ghé quán chủ yếu là những người đã ăn lâu năm, quen thuộc với hương vị và phong cách của quán. Anh mong rằng phố ẩm thực sẽ góp phần giúp cửa tiệm của anh được nhiều người biết đến.
“Thời buổi kinh tế khó khăn nên không thể dự đoán được xu hướng của khách hàng. Mở phố ẩm thực là điều tốt, có thể thu hút được khách du lịch nhưng lượng khách đến quán có tăng hay không chưa thể biết được. Mong rằng việc kinh doanh sẽ khấm khá hơn thông qua hoạt động này”.
Được biết, phố ẩm thực dài hơn 1,5km từ ngã tư Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu đến đường Vạn Kiếp, bao gồm trục đường Phan Xích Long dẫn vào khu dân cư Rạch Miễu và toàn bộ tuyến nhánh mang tên các loài hoa. Phạm vi phố ẩm thực nằm trên ba phường 1, 2, 7 của quận, với hơn 250 hộ kinh doanh.
Ông Tạ Duy Thiện (Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Phú Nhuận) cho biết ý tưởng mở phố ẩm thực Phan Xích Long được đề xuất từ năm 2019, nhưng vì dịch Covid-19, đến nay mới bắt đầu triển khai. Thời gian qua, UBND quận Phú Nhuận cũng đã xúc tiến các nội dung như lát đá vỉa hè, lắp đặt cổng chào, hệ thống đèn chiếu sáng mỹ thuật... với kinh phí hơn 10 tỷ đồng.
"Quận sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè đường Hoa Phượng làm bãi đậu ô tô có thu phí. Xe máy được gửi ở khuôn viên nhà thi đấu Rạch Miễu và một phần vỉa hè đường Trường Sa. Thời gian hoạt động của khu phố không quá 24h mỗi ngày", ông Thiện nói.
Chia thêm về hoạt động này, ông Thiện cho hay toàn bộ hoạt động sẽ được quản lý bằng app (ứng dụng) có tên phố ẩm thực Phan Xích Long. Ứng dụng sẽ kết nối ba bên gồm cơ quan quản lý, chủ kinh doanh và thực khách. Người kinh doanh sẽ khai báo các thông tin hoạt động, địa chỉ, thực đơn, giá cả món ăn... "Chính quyền căn cứ vào đó để quản lý, ví dụ giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của quán hết hạn sẽ được tự động nhắc nhở. Thực khách có thể tìm kiếm quán, đặt bàn, chọn món, xem giá cả, thanh toán qua app", vị Trưởng phòng nói thêm.
Nói về vấn đề tăng giá mặt bằng, hiện đang là nỗi lo của một số hộ kinh doanh tại đây, ông Thiện cho biết đó là điều tất yếu. “Điều này là quy luật tất nhiên của thị trường, có cung thì mới có cầu. Doanh nghiệp đến làm ăn, người dân nơi đây có thể thụ hưởng bằng cách thuê nhà. Đó là thỏa thuận giữa hai bên, chúng tôi không thể can thiệp vào. Chúng tôi chỉ có thể tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp có cơ hội phát triển”, ông bày tỏ quan điểm.
Trước khi con phố ẩm thực đi vào hoạt động, người dân sẽ được cơ quan chức năng trang bị các kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy và các kỹ năng phục vụ khách du lịch.
“Sắp tới, quận sẽ xây dựng các bến thuyền để kết nối du lịch đường thủy. Bên cạnh đó, cũng sẽ triển khai thêm các hoạt động lễ hội để thu hút khách tham quan”, ông Thiện nói thêm.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.