
Ngân hàng Nhà nước lý giải vì sao lãi suất cho vay vẫn cao
H.Linh
18/05/2023 12:02 PM (GMT+7)
Theo Ngân hàng Nhà nước, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại, do nhiều tác động. Ngân hàng thì chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn, nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động.
Phân tích về mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND ở mức 167.000 tỷ đồng; hệ số sử dụng vốn trên thị trường 1 (tỉ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1) ở mức 101,45%, giảm so với mức 102,28% cuối năm 2022, nhưng vẫn ở mức rất cao.

Một trong những lý do gây áp lực khiến lãi cho vay vẫn cao do hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn. Ảnh: NĐT
Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn. Đồng thời, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại, do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước.
Cơ quan này khẳng định hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam lại phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, với tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%. Trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.
Cùng với đó, áp lực lạm phát khiến người dân luôn kỳ vọng lãi suất tăng, ngân hàng khó giảm lãi suất tiết kiệm, dẫn đến khó kéo giảm lãi vay như kỳ vọng. Huy động vốn đến ngày 27/4 mới tăng 1,78%, bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%.
Một công cụ hỗ trợ được đánh giá tích cực cho thị trường là Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 23/4 vừa qua, cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán VN Direct, Thông tư 02 sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Và điều này cũng sẽ tác động tích cực đến ngân hàng. Bởi áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu, khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn, có nghĩa ngân hàng chưa thu nợ đến hạn của khách, trong khi vẫn phải bảo đảm chi trả tiền gửi. Điều này làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, cũng gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất của ngân hàng.

Lãi suất cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, kinh doanh hết sức khó khăn. Ảnh: Q.Hải
Ngân hàng Nhà nước cho rằng theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận, theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ các trường hợp lãi suất thị trường có biến động hoặc hoặc cơ quan điều hành tăng/giảm các mức lãi suất điều hành.
Trong khi đó, một số ngân hàng quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng, cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.
Hiện Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng tối đa bằng VND hiện ở mức 4,5%/năm, nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn, giảm chi phí vốn vay, tăng khả năng tiếp cận vốn cho thị trường.
Dù vậy, mặt bằng lãi suất thị trường đã và đang dần ổn định. Hiện lãi suất cho vay phát sinh mới của các ngân hàng ở mức khoảng 9,3%/năm. Mức này giảm 0,65% điểm phần trăm so với cuối năm 2022.
Với tiền gửi, lãi suất bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại khoảng 6,3%/năm, giảm 0,1-0,6% điểm phần trăm ở hầu hết kỳ hạn.
Tại Hội nghị Ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại TP.HCM ngày 11/5, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét đề xuất cắt giảm lãi suất 0,5%.
Bà Chi cho biết hiện lãi vay quanh 10%, lãi suất vay không giảm thì doanh nghiệp không có cơ hội phục hồi.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng thời gian qua lãi suất tuy lãi suất có giảm, nhưng vẫn còn cao. Ông Mãi mong muốn lãi cho vây hiện nay giảm xuống còn 7-8%, để hỗ trợ doanh nghiệp.
Hà Nội sắp khởi công cụm công nghiệp gần 160 tỷ đồng gần Vành đai 4, ngay chân cầu Hồng Hà
Hà Nội giao 60.000m² đất tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Đây là cụm công nghiệp có vị trí nằm ngay đường vành đai 4, chân cầu Hồng Hà sắp khởi công xây dựng.
Bật mí cách duy nhất giúp Đông Nam Á đẩy lùi 'cơn lũ' hàng giá rẻ Trung Quốc
Từ tủ gỗ đến quần áo, sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng giá rẻ Trung Quốc đang làm đảo lộn hoạt động kinh doanh và sinh kế tại Đông Nam Á. Câu hỏi đặt ra là điều gì đang chờ đợi phía trước và làm thế nào để Đông Nam Á có thể đẩy lùi 'cơn lũ' hàng hóa giá rẻ Trung Quốc?
TikTok có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu vì vi phạm quy định của EU
Ứng dụng truyền thông xã hội TikTok đã bị các cơ quan quản lý công nghệ EU buộc tội vì vi phạm các quy tắc về nội dung trực tuyến của EU, khiến chủ sở hữu ByteDance có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu.
Hai trường đại học hàng đầu Châu Á về tạo ra số người siêu giàu
Theo nghiên cứu của Altrata, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Thanh Hoa Trung Quốc là những trường đại học hàng đầu châu Á về đào tạo ra những cựu sinh viên siêu giàu.
Giới siêu giàu châu Á 'tháo chạy' khỏi tài sản Mỹ vì lo sợ thuế quan của ông Trump
Các gia đình giàu nhất châu Á đang cắt giảm đầu tư vào tài sản tại Mỹ vì cho rằng chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên khó dự đoán hơn nhiều, theo Bloomberg.